Ngày 23/6/2021, tại Washington DC, Trung tâm Meridian tổ chức Tọa đàm “Năng lượng phù hợp: Cân bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu”. Tham dự Tọa đàm có ông Ernest Moniz (cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ năm 2013-2017), ông Dan Brouillette (cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ năm 2019-2021), Bộ trưởng (State Minister) Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản Ejima Kiyoshi, Đại sứ Na Uy tại Mỹ Anniken Ramberg Krutnes, Tiến sỹ Vijaya Ramachandran (Giám đốc Viện Đột phá về Năng lượng và Phát triển) và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của khoảng 70-80 đại biểu từ các bộ Năng lượng, Thương mại, Ngoại giao, các tổ chức USAID, USTDA, DFC, các trợ lý nghị sỹ Quốc hội, ngoại giao đoàn, các doanh nghiệp và giới truyền thông. Hội thảo đã tập trung thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng và sự giúp đỡ quốc tế cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu khí hậu.
Ông Ernest Moniz cho rằng Mỹ nên hướng đến mục tiêu phát thải âm chứ không chỉ phát thải bằng không (net-zero) và cần hành động sớm vì không còn nhiều thời gian cho đến mốc cam kết năm 2050. Khí tự nhiên, dù vẫn phát thải nhưng ít, sẽ là thành phần quan trọng trong bức tranh tổng thể net-zero vào năm 2050. Vấn đề đặt ra là cần giải quyết đồng thời nhu cầu phát triển và công nghiệp hóa mà không ảnh hưởng môi trường. Hiện nay các khách hàng chính nhập khẩu LNG của Mỹ chính là các nước OECD và Tổng thống Biden cần làm tốt công việc củng cố các liên minh, lắng nghe, và hành động cùng các nước trong liên minh trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Dan Brouillette cho rằng net-zero không có nghĩa ngưng phát thải carbon mà nên sử dụng các loại năng lượng sạch như khí tự nhiên. Ông cho rằng khí tự nhiên rất quan trọng với kinh tế Mỹ, đã tạo nhiều việc làm và chiếm 40% mức tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp Mỹ năm 2009-2019. Ông cho rằng chính quyền Obama đã quá quan tâm đến việc cắt giảm phát thải mà quên vai trò quan trọng của khí tự nhiên, đánh giá chính quyền Biden chưa hiểu hết tầm quan trọng của dự án đường ống dẫn Nord Stream khi nới lỏng trừng phạt với các công ty tham gia dự án này và khiến Đức sẽ lệ thuộc hơn vào Nga. Ông cho rằng để chuyển đổi sang năng lượng sạch thì cần tăng giá nhiên liệu hóa thạch. Chính quyền Biden cần tiếp tục thực hiện các dự án LNG đã ký kết.
Bộ trưởng Ejima Kiyo cho rằng cần quan tâm đến cả phát triển kinh tế và phát thải bằng không trong quá trình chuyển đổi năng lượng, có tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Bộ trưởng dẫn chứng ví dụ Việt Nam tăng số lượng nhà máy điện khí để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Bộ trưởng nhắc lại Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Châu Á mà Nhật vừa công bố: (i) Hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng; (ii) Xây dựng cách thức châu Á về tài chính cho việc chuyển đổi; (iii) Viện trợ 10 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và các dự án năng lượng khác; (iv) Hỗ trợ phát triển và triển khai công nghệ, tận dụng kết quả của Quỹ Đổi mới xanh; (v) Phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kiến thức và xây dựng các quy định về công nghệ khử cacbon. Ông cho biết Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về đối tác tăng trưởng xanh châu Á vào tháng 10/2021.
Đại sứ Anniken Ramberg Krutnes chia sẻ tầm quan trọng của khí tự nhiên, LNG, sự cần thiết phải chuyển đổi năng lượng; chia sẻ kinh nghiệm về các dự án năng lượng tái tạo của Na Uy, sự cần thiết của việc thu giữ và lưu trữ khí thải; và cho biết Na Uy đã có những dự án lớn cho việc này.
Tiến sỹ Vijaya Ramachandran cho rằng việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với đặc điểm từng quốc gia, châu lục. Các nước châu Phi sản xuất ít khí thải, điều kiện kinh tế khó khăn, cần nhiều nguồn năng lượng để phát triển kinh tế xã hội do vậy cần linh hoạt, không nên hạn chế hỗ trợ tài chính quốc tế cho các dự án năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ cho các nước nghèo ở châu Phi xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống để làm cơ sở thực hiện các mục tiêu khí hậu.
Đại sứ Hà Kim Ngọc đã tham dự và phát biểu tại Phiên 2 “Các quan điểm Toàn cầu” của buổi Tọa đàm. Đại sứ Ngọc cho rằng khí tự nhiên (gồm cả LNG) là bước đệm quan trọng để hướng tới việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; cho biết Việt Nam chủ trương giảm điện, than thúc đẩy các loại năng lượng sạch trong đó có LNG và năng lượng tái tạo. Đại sứ cho rằng để các nước nghèo có thể chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, các nước giàu cần hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển và thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh và sử dụng năng lượng hiệu quả.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)