Là Đại sứ tại địa bàn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng luôn trăn trở về công tác Ngoại giao Kinh tế. Với Đại sứ, Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế như một “kim chỉ nam”, tiếp thêm động lực để triển khai công tác Ngoại giao Kinh tế tại địa bàn.
Thưa Đại sứ, ngày 10/8/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2050. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị này?
Công tác Ngoại giao Kinh tế (NGKT) là một hoạt động cùa ngành ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện ở nước ngoài nói riêng. Tầm quan trọng của NGKT phục vụ phát triển đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.
Đặc biệt, chỉ thị số 15 do Ban Bí thư ban hành ngày 10/8/2022 coi “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả…” đã đưa ra những định hướng quan trọng cho các cơ quan đại diện trong triển khai công tác này.
Thứ nhất, với chỉ thị 15, chúng tôi nhận thức rõ hơn là phải chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới theo hướng chất lượng và chiều sâu trong lúc cạnh tranh nguồn lực, thị trường và tập hợp lực lượng về kinh tế, khoa học công nghệ giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
Thứ hai, chúng tôi thấy rõ hơn sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với những chỉ đạo kịp thời và định hướng cụ thể.
Thứ ba, chúng tôi cũng cảm nhận được sự đồng hành của cả hệ thống chính trị trong triển khai Chỉ thị số 15, từ trung ương tới địa phương, người dân và các doanh nghiệp.
Từ đó, chúng tôi như được tiếp thêm động lực trong triển khai công tác NGKT tại địa bàn trong các công tác cụ thể như nghiên cứu, tham mưu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại sở tại; tham gia tháo gỡ khó cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trong quá trình hợp tác với nhau.
Riêng từ tháng 8 đến nay, Đại sứ quán đã trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn thông tin về đầu tư với khoảng 60 Lãnh đạo, đại diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc (như hỗ trợ Công ty SG Tech, CDC Pneumatic chọn đầu tư tại các tỉnh Quảng Nam, Hà Nam); tư vấn, khuyến khích các Tập đoàn lớn LG, Samsung, Hyosung mở rộng các dự án đầu tư tại Việt Nam… và giúp tổ chức hơn 20 đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại của các địa phương Việt Nam tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, Đại sứ quán đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức thành công Diễn đàn Doành nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc với sự tham dự của trên 500 doanh nghiệp hai nước nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc vừa được nâng lên một tầm cao mới, kinh tế lại là một lĩnh vực trụ cột vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương. Theo Đại sứ, những cơ hội nào trong hợp tác kinh tế đang đợi hai nước ở phía trước?
Tính đến hết tháng 11, Hàn Quốc đứng thứ nhất về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 9.511 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 80,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt khoảng 90 tỷ USD và hai bên có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào cuối năm 2023 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Hàn Quốc là nước đứng thứ hai về cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam. Những con số trên cho thấy, kinh tế là một trụ cột vô cùng quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay.
Bất chấp những khó khăn bên trong và bên ngoài, các doanh nhiệp Hàn Quốc vẫn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hướng nhiều đến thị trường Hàn Quốc.
Trên cơ sở lòng tin và lợi ích đan xen, tính bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế và sự tương đồng về lịch sử và văn hóa giữa hai nước, hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua.
Đặc biệt, với việc nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đầu tháng 12 vừa qua, tôi tin quan hệ hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Hàn Quốc sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống sẽ là các lĩnh vực mới, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, chuỗi cung ứng (nhất là các khoáng sản, đất hiếm), công nghệ sinh học. Đồng thời, các lĩnh vực như sản xuất, chế tạo, logistics (đặc biệt là kho lạnh), startups, năng lượng, bất động sản, phân phối, tài chính ngân hàng, M&A, smart city, smart farming… vẫn sẽ có nhiều dư địa cho hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giao lưu nhân dân, nhất là du lịch, lao động chắc chắn sẽ sôi nổi trở lại.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, hai nước cần phải làm gì để hóa giải thách thức và nắm bắt thời cơ để cùng hướng đến tương lai, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng “hợp tác hiệu quả” vẫn là chìa khóa hóa giải thách thức. Thông qua hợp tác, hai bên có thể nhìn rõ hơn các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cũng như thiết lập những khuôn khổ mới về hợp tác cả song phương và đa phương.
Việc hợp tác còn nhằm xử lý các nhu cầu cấp bách nảy sinh. Hàn Quốc đã hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 trong bối cảnh vaccine khan hiếm. Việt Nam cũng đã kịp thời giúp Hàn Quốc giải quyết vấn đề thiếu hụt ure. Điều này còn thể hiện cả tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong khó khăn. Ở mức độ cao hơn, hợp tác còn giúp củng cố sự tin cậy và đan xen lợi ích – là hai yếu tố nền tảng của mối quan hệ trong cả lúc thuận lợi lẫn khó khăn.
Với một tầm cao mới của quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, điều Đại sứ mong muốn nhất ở thời điểm này để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước là gì?
Tôi rất trăn trở là làm thế nào để chúng ta có thể tiếp nhận các công nghệ từ Hàn Quốc. Để thực sự làm chủ công nghệ tiên tiến, cần phải có đội ngũ khoa học công nghệ mạnh, lực lượng lao động trình độ cao cũng như các doanh nghiệp nhạy bén, năng động và chính sách khoa học – công nghệ quốc gia hiệu quả.
Đây là các yếu tố cần thiết để Chính phủ và doanh nghiệp hai nước hợp tác trong vấn đề chuyển giao công nghệ cũng như Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình phát triển nền kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần giải quyết vấn đề thâm hụt của Việt Nam trong thương mại với Hàn Quốc.
Hai dự án VKIST và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung là những bước đi đầu tiên quan trọng theo hướng này. Bên cạnh việc mong muốn 2 dự án này đi vào hoạt động hiệu quả, tôi mong muốn có nhiều dự án tương tự trong tương lai. Liên quan đến điều này, tôi cũng rất mong hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc được đẩy mạnh thời gian tới.
Hà Phương (thực hiện)