Xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành và các cán bộ sứ quán đã nỗ lực tận dụng mọi cơ hội, phát triển tất cả các kênh, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ kinh tế với Australia.
Thưa Đại sứ, ngày 08/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Chỉ thị có ý nghĩa như thế nào đối với Đại sứ trong việc thực hiện công tác đối ngoại tại địa bàn?
Chỉ thị 15-CT/TW có ý nghĩa quan trọng trong thống nhất nhận thức và hành động của các ban, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thức rõ, các cơ quan đại diện có trách nhiệm triển khai toàn diện, kể cả về nhận thức, giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng mạng lưới quan hệ, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp….
Đại sứ quán (ĐSQ) đã tổ chức phổ biến Chỉ thị tới toàn thể cán bộ, nhân viên, quán triệt NGKT là “một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Theo đó, chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch NGKT của ĐSQ giai đoạn 2022-23 có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với địa bàn và luôn quan tâm triển khai hiệu quả.
Địa bàn Australia có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc thực hiện nhiệm vụ NGKT phục vụ phát triển?
ĐSQ có nhiều thuận lợi, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương. ĐSQ cũng đã có kinh nghiệm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp.
Về mặt khách quan, Chính phủ Liên bang và các tiểu bang, vùng lãnh thổ của Australia đều quan tâm, có chiến lược hợp tác với Đông Nam Á, trong đó coi trọng Việt Nam trong chính sách đa dạng hóa đối tác, thị trường.
Giữa hai nước, Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) được thông qua cuối năm 2021 đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên và biện pháp triển khai cụ thể. Các bang lớn của Australia đều đã mở hoặc chuẩn bị mở Văn phòng thương mại-đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ĐSQ có một số khó khăn nhất định, nhất là nguồn lực về nhân sự và tài chính hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp Australia thường đặt trụ sở ở Sydney hoặc Melbourne, gặp gỡ trực tiếp rất khó, đa số chưa hiểu biết tường tận thị trường Đong Nam Á, Việt Nam. Hơn nữa, qua thời gian Covid-19 nhiều đối tác đã thay đổi vị trí, thuyên chuyển công tác. Bầu cử Liên bang (tháng 5/2022) và tại một số tiểu bang cũng làm gián đoạn nhiều mối quan hệ. Việc phát triển mạng lưới đối tác của ĐSQ trong nhiều trường hợp phải làm từ đầu.
Thời gian qua, Australia là một trong những địa bàn triển khai công tác NGKT tích cực, sôi động. Vậy ĐSQ Việt Nam tại Australia có những bí quyết gì trong triển khai công tác NGKT và đã thu được những kết quả cụ thể nào?
ĐSQ đã lập Nhóm NGKT gồm đại sứ, phó đại sứ và một cán bộ, luôn phối hợp chặt chẽ với các Tổng lãnh sự quán ta tại Sydney và Perth, đồng thời tận dụng tối đa mọi cơ hội gặp gỡ trực tiếp hoặc online, qua email với đối tác. Những kết quả chính trong năm qua có thể kể đến như:
Thứ nhất, phát triển quan hệ trên tất cả các kênh. Ngoài kênh chính phủ, ĐSQ tích cực triển khai hợp tác kênh đảng và kênh nghị viện. Các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Quý IV/2022) đã giúp triển khai toàn diện các kênh hợp tác này, trong đó nội hàm ngoại giao kinh tế luôn được đề cao.
Các cơ chế hợp tác kinh tế song phương được duy trì thường xuyên, kể cả trong thời gian đại dịch. ĐSQ cũng chú trọng xây dựng, mở rộng, nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ với các đối tác Australia, gồm chính phủ, phi chính phủ, giới trí thức, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.
Đến nay, ĐSQ có mạng lưới quan hệ sâu, rộng không chỉ với Chính phủ Liên bang, chính quyền các bang mà cả hầu hết các viện nghiên cứu, học giả chuyên sâu, đa số các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam tại tất cả các bang. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi đẩy mạnh công tác NGKT trong những năm tới.
Thứ hai, xác định rõ và triển khai quyết liệt các trọng tâm hợp tác. Trên cơ sở 8 lĩnh vực ưu tiên đã đề ra trong EEES, ĐSQ chú trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu Việt Nam, đặc biệt coi trọng xúc tiến đầu tư và vận động hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, đồng thời tiếp tục nỗ lực hết sức mình hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu và thu hút đầu tư.
ĐSQ luôn quan tâm chọn lọc, tập hợp thông tin về Australia, kể cả thông tin chuyên sâu về thương mại, đầu tư để cung cấp miễn phí cho các địa phương, doanh nghiệp.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, tận dụng mọi cơ hội quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam, tình cảm của người dân Australia dành cho Việt Nam ngày càng nồng ấm – hiện ở mức tương đương với Mỹ, cao hơn so với Liên minh châu Âu (EU) theo điều tra xã hội học của Viện Lowy tháng 6/2022.
Kim ngạch thương mại tiếp tục tăng mạnh, ngay trong năm 2022 chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu 15 tỉ USD do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra cho năm 2025 (khi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao bạn tại Hà Nội tháng 6/2022). Tài khóa 2022-2023, Australia nâng 18% ODA cho Việt Nam, đây là mức tăng ODA lớn nhất kể từ năm 2015.
Phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nông nghiệp (3/2022); tiếp tục phối hợp để có thể bắt đầu triển khai từ tháng 7/2023. Dự kiến hàng năm sẽ có thêm 1.000 lao động Việt Nam được sang Australia làm việc. Bên cạnh đó, ĐSQ cũng phối hợp và hỗ trợ sinh viên ta sớm trở lại học tập tại Australia và giúp các trường đại học hai nước ký 20 thỏa thuận hợp tác trong năm qua.
Hợp tác nghiên cứu chung về các lĩnh vực cùng có lợi, nhất là y tế, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, nước sạch, hạ tầng đô thị thông minh giữa các đại học, viện nghiên cứu hai nước được đẩy mạnh, năng lực của các cơ quan Việt Nam về dự báo chiến lược, tầm nhìn kinh tế số đến 2030 và 2045, thương mại hóa kết quả nghiên cứu… được nâng cao. ĐSQ cũng tích cực hỗ trợ Mạng lưới Đổi mới sáng tạo của lưu học sinh đạt nhiều thành tích; giúp các câu lạc bộ trí thức Việt kiều hoạt động hiệu quả hơn và chuẩn bị lập Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam – Australia.
Xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả ban đầu khả quan. Nhiều doanh nghiệp Australia, trong đó có các quỹ đầu tư tài chính và các công ty dịch vụ tài chính ngày càng quan tâm đến Việt Nam, thể hiện qua kết quả hết sức tích cực của Diễn đàn Hợp tác kinh tế và đầu tư do ĐSQ phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Asia Society Australia tổ chức nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hôi Vương Đình Huệ. Nhân đây, xin nhấn mạnh, việc tranh thủ các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm Australia về phòng chống Covid và phục hồi kinh tế sau đại dịch, ĐSQ đã kiến nghị nhiều biện pháp cụ thể. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp thiết thực, được các cơ quan ở nhà quan tâm, như tham gia các thỏa thuận mới, nhất là kinh tế số, phát triển xanh, bảo đảm chuỗi cung ứng; tranh thủ tối đa chính sách đa dạng hóa thị trường của Australia; bỏ thị thực cho du khách; cấp căn cước công dân cho kiều bào về nước định cư lâu dài; xúc tiến thương mại, đầu tư theo vùng kinh tế-xã hội để tiết kiệm nguồn lực và bảo đảm tính chuyên nghiệp, thống nhất; đưa ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số thành trụ cột trong quan hệ song phương giai đoạn mới. Về đa phương, ĐSQ cũng đã trao đổi, kiến nghị với các đơn vị liên quan trong nước về khả năng hợp tác ba bên tại tiểu vùng Mekong.
Những nội dung này sẽ tiếp tục là trọng tâm công tác NGKT của ĐSQ trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Thu Trang (thực hiện)