Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã mời các công ty Việt Nam tham gia một phái đoàn doanh nghiệp đến thủ đô Washington, D.C trong tháng tới. Động thái này dẫn đến một câu hỏi lớn hơn: Liệu đã đến lúc các công ty Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế?
Ông Kritenbrink nhấn mạnh: “Đầu tư vào Mỹ là một trong những quyết định tốt nhất mà các công ty Việt Nam có thể đưa ra, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Khi các công ty được lợi từ sự tăng trưởng này, họ nên tìm cách mở rộng sang các thị trường mới và điều đương nhiên là xem xét một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đó là thị trường Mỹ”.
Các quan chức kinh tế Mỹ đã tổ chức các sự kiện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua để vận động các doanh nghiệp sở tại tham gia phái đoàn đi Washington vốn được lên lịch vào các ngày 10-12/6. Đề xuất này được đưa ra giữa lúc kinh tế Việt Nam đang chín muồi, khiến ngày càng nhiều công ty tính đến bước đi tiếp theo trong quá trình tăng trưởng và mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink lưu ý, Mỹ là thị trường lớn nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Còn Việt Nam cho rằng sẽ là một thành tựu lớn nếu các công ty trong nước vươn tới một tầm cao mới, tức không chỉ đơn thuần gửi hàng hoá ra nước ngoài mà còn thành lập các văn phòng và thúc đẩy hoạt động ở nước ngoài. Một số tập đoàn của Việt Nam đã đi theo hướng này, trong đó Tập đoàn FPT mở rộng hoạt động ở Nhật Bản, hay Tập đoàn Viễn thông Viettel phục vụ các thị trường từ Burundi cho tới Peru.
Tuy nhiên, xu thế trên đang mở rộng ra cả những doanh nghiệp không có nguồn lực tốt. Năm 2018, Trung tâm Sáng tạo Sài Gòn (Sihub) đã công bố một chương trình hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp muốn vươn ra nước ngoài với tên gọi “Đường băng đến với thế giới”. Theo chiến lược đến năm 2020, Sihub có mục tiêu tập hợp các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện mục tiêu chủ đạo là củng cố tăng trưởng kinh tế.
Những người ủng hộ cho rằng việc vươn ra thị trường toàn cầu là bước kế tiếp tự nhiên trong quá trình phát triển của Việt Nam. Vào những năm 1980, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu cho phép các hoạt động kinh tế thị trường. Vào những năm 1990, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại. Và vào đầu những năm 2000, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo, các sản phẩm may mặc và điện thoại di động.
Ông Nirukt Sapru, Giám đốc điều hành ngân hàng Standard Chartered chi nhánh tại Việt Nam, nhận xét rằng bối cảnh cũng giúp cho Việt Nam giữa lúc nước này vẫn đang chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các hoạt động chế tạo tăng trưởng khởi sắc nhờ có các nguồn FDI. Ông Sapru nói: “Các hãng sản xuất bậc trung của Việt Nam có thể tận dụng xu thế này và tự vệ trước các rủi ro bằng cách theo đuổi các chiến lược như đầu tư vào công nghệ và khai phá các thị trường mới, vốn giúp họ vươn lên trong chuỗi giá trị. Chúng ta đang chứng kiến ngày càng có nhiều công ty điện tử bản địa bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư ra nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng”.
Những rủi ro mà ông Sapru đề cập bao gồm các thách thức thương mại vốn có thể làm tổn thương lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam nếu như kinh tế toàn cầu bị tổn hại, chẳng hạn như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và các cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Bằng cách vươn ra thị trường nước ngoài, các công ty Việt Nam hy vọng không chỉ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế đất nước trước những căng thẳng thương mại ở bên ngoài, mà còn giúp xây dựng thương hiệu quốc gia trên toàn thế giới.
Chu Văn (theo TNHK)