Trong số các thị trường xuất khẩu hàu của Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang là thị trường chi phối xuất khẩu.
Sau một thời gian tăng trưởng liên tục từ đầu năm, xuất khẩu hàu của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm trong những tháng cuối năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ tháng 8 trở lại đây, giá trị xuất khẩu hàu của Việt Nam sụt giảm liên tục. Tính riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu hàu đã giảm 19%. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nên tính luỹ kế 10 tháng, giá trị xuất khẩu hàu vẫn tăng 14%, đạt hơn 12 triệu USD.
Hiện hàu đang là 1 trong 4 nhóm sản phẩm nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàu dưới dạng sản phẩm tách vỏ ướp đá hay thịt hàu.
Tính tới thời điểm hiện tại, các sản phẩm hàu của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nhiều thị trường, chủ yếu tập trung ở các nước châu Á.
Trong số các thị trường xuất khẩu hàu của Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang là thị trường chi phối xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu hàu sang thị trường này chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài trên 3.260km với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu phát triển. Hiện, diện tích nuôi hàu của nước ta khoảng 3.200ha, phân bổ rải rác ở 24 tỉnh, thành phố ven biển.
Quảng Ninh là tỉnh xuất khẩu nhiều hàu nhất sang Đài Loan (Trung Quốc). Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có trên 4.300ha mặt biển và bãi triều, rất thuận lợi cho việc nuôi hàu Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2019-2020, gần 19.000 tấn hàu Thái Bình Dương của huyện đã được xuất sang hòn đảo này.
Ngoài Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia cũng là 2 nước thường xuyên nhập khẩu hàu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay. Trong khi xuất khẩu hàu sang Lào trong 10 tháng tăng 70%, xuất khẩu sang Campuchia lại giảm 42%.
Ngọc Hà