Báo cáo thường niên của doanh nghiệp công bố khá tốt về cách thức quản lý các rủi ro như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 (Vietnam Listed Company Awards – VLCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital. Năm 2021 là năm thứ 14, Cuộc bình chọn đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.
Năm nay, lần đầu tiên, việc chấm điểm báo cáo thường niên ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả sơ khảo sau đó được thẩm định một lần nữa bởi HoSE và HNX, trước khi chuyển cho 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC soát xét, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Quy trình làm việc của các bên tham gia chấm sơ khảo rất chặt chẽ, các nội dung chấm báo cáo thường niên được chi tiết hóa để các bên chấm độc lập, sau đó có sự trao đổi trực tiếp để thống nhất về các nội dung chấm ở các báo cáo có sự khác biệt về điểm số. Các công ty kiểm toán có soát xét chéo kết quả chấm các báo cáo thường niên.
Giải báo cáo thường niên năm 2021 đã đưa vào đánh giá 500 doanh nghiệp trong bộ chỉ số VNX-All share, bao gồm 313 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE và 187 doanh nghiệp niêm yết trên HNX. So với năm 2020, số lượng doanh nghiệp được đánh giá tăng thêm 30%.
Điểm số báo cáo thường niên có sự cải thiện
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố báo cáo thường niên. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Điểm số đánh giá báo cáo thường niên của doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong năm 2021 với nhiều doanh nghiệp đạt mức điểm cao hơn so với năm 2020.
So sánh điểm số các nhóm doanh nghiệp, có thể thấy, các doanh nghiệp tốt nhất ở 3 nhóm vốn hoá đều đầu tư tốt cho phần hình thức và đạt điểm cao ngang nhau. Tuy vậy, ở phần nội dung, doanh nghiệp nhóm vốn hoá lớn có sự đầu tư khá hơn doanh nghiệp ở các nhóm quy mô trung bình và nhỏ.
Nhóm vốn hoá trung bình gồm 145 công ty đã có sự cải thiện điểm so với năm 2020 ở cả hình thức lẫn nội dung. Ở nhóm các doanh nghiệp top 10 của nhóm vốn hoá trung bình, không có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng so với nhóm top 10 doanh nghiệp nhóm vốn lớn. Các báo cáo của doanh nghiệp vào top 10 có sự nổi bật với nội dung rõ ràng, chi tiết, cụ thể và đa dạng, cho thấy các doanh nghiệp này đã đầu tư kỹ lưỡng cho báo cáo thường niên.
Nhóm vốn hóa nhỏ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, với 306 công ty với chất lượng báo cáo vẫn còn yếu, điểm trung bình và trung vị đều còn thấp, dưới mức trung bình, cho thấy doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên. Tuy điểm trung bình của nhóm vốn hóa nhỏ không cao, nhưng những gương mặt đoạt giải trong Top 5 Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa nhỏ thực sự là những báo cáo xứng đáng được vinh danh.
Cuộc bình chọn đã ghi nhận một số điểm nổi trội ở nhóm các doanh nghiệp đạt giải năm nay. Cụ thể, hầu hết các công ty đều tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trong 4 tháng đầu năm và trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp. Trong năm 2020, các doanh nghiệp này đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến trong đại hội đồng cổ đông, đây là một thông lệ tốt cho phép các cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Quản trị công ty: Đáp ứng thông lệ là thách thức lớn
Đối với Hạng mục Quản trị công ty, TS. Nguyễn Thu Hiền, Thành viên Hội đồng sơ khảo đánh giá quản trị công ty năm 2021, Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính (Khoa Quản lý công nghiệp, Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, điểm số doanh nghiệp năm 2021 có tiến bộ hơn so với năm 2020, với nhiều doanh nghiệp có điểm ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, ở các khoản điểm cao trên 80 điểm, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp hơn, có thể trở thành các ứng viên tiềm năng cho các giải quản trị tốt của khu vực ASEAN.
Ngoài những doanh nghiệp đã nhiều năm được đánh giá, năm 2021 thu nạp nhiều doanh nghiệp mới (124 công ty, chiếm 24% số doanh nghiệp được đánh giá). Đây là những doanh nghiệp lần đầu tiên được đánh giá quản trị công ty và vì vậy có lẽ còn mới lạ với các tiêu chuẩn quản trị công ty theo bộ tiêu chí của giải.
Điểm trung bình năm 2021 tăng lên so với năm 2020, đạt 52.59 điểm. Tuy vậy, năm 2021 ghi nhận mức điểm thấp nhất trong mẫu khảo sát có giảm so với năm 2020 (năm 2021 xuất hiện 2 công ty điểm thấp nhất là 12.37 điểm) vì có nhiều doanh nghiệp mới lần đầu tiên được đưa vào đánh giá.
Đáp ứng các thông lệ quản trị tốt vẫn là một thách thức lớn với doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, trong Dự án đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN, Việt Nam đã nhiều năm có mức điểm hạn chế so với doanh nghiệp niêm yết của các nước khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp nước bạn đã quen thuộc với việc áp dụng các thông lệ quản trị tiến bộ trên thế giới, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn khá mơ hồ, chưa sẵn sàng đưa vào thực tiễn hoạt động các thông lệ tốt này. Các doanh nghiệp có quy mô lớn và trung bình có mức độ tuân thủ cao hơn và điểm số đáp ứng thông lệ tốt của các doanh nghiệp quy mô lớn cao hơn gấp hai lần điểm số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Bà Hiền cho rằng, khủng hoảng dịch bệnh là một phép thử năng lực quản trị rủi ro của hội đồng quản trị. Năm 2021, báo cáo thường niên của các công ty có công bố khá tốt về cách thức quản lý các rủi ro quan trọng như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế.
Tuy nhiên, hội đồng quản trị cần nhấn mạnh những việc mình đã thực hiện trong năm liên quan đến vai trò xây dựng khuôn khổ quản trị rủi ro, giám sát quy trình thực hiện thường xuyên như thế nào. Các báo cáo của hội đồng quản trị còn sơ sài các nội dung này, trong đó chỉ có 7% doanh nghiệp có báo cáo của hội đồng quản trị chi tiết về các hoạt động này.
Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững
Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quốc tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bền vững. Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững và để đạt được điều này, cần có vai trò định hướng và giám sát quan trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được các chuẩn mực ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
Theo Hội đồng Bình chọn báo cáo phát triển bền vững, trong hoàn cảnh đại dịch, nhiều doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đảm bảo việc làm, cũng như phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không chậm trễ trả lương và đảm bảo có tiền thưởng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch.
Hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn. Các doanh nghiệp có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng trực thuộc hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm và kế hoạch hành động rõ ràng như STK, VNM, PAN, NVL.
Bên cạnh các mặt tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu mô tả cụ thể quản trị rủi ro riêng về môi trường và xã hội. Đa số doanh nghiệp chưa nêu rõ quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo. Số liệu thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành. Rất ít doanh nghiệp có báo cáo phân tích tác động của chuỗi giá trị, nhất là từ nhà cung cấp… hoặc lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững vào bộ tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, dẫn đến độ đầy đủ và tin cậy của báo cáo giảm.
Các doanh nghiệp chưa thể hiện được sự liên kết của chiến lược trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp tới hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế khen thưởng gắn liền trực tiếp với các chỉ tiêu phát triển bền vững.
(Phan Hằng/baodautu.vn)