Đại dịch Covid-19 có tiêu diệt chuỗi cung ứng toàn cầu ?

0
77
(http://tapchitaichinh.vn)
(http://tapchitaichinh.vn)

Theo tác giả Alan Beattie viết trên Financial Time, cái chết của toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng bao trùm thế giới đã được dự báo thường xuyên. Từ các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, dịch SARS năm 2002, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại cho thương mại toàn cầu. Thực tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thương mại hàng hóa đã tăng trưởng chậm hơn so với GDP so với thập kỷ trước. Việc mở rộng chuỗi cung ứng tuy chưa dừng lại hay đảo ngược nhưng đã giảm tốc.

Nhưng với sự xuất hiện của Covid-19, phải chăng đây là đòn cuối cùng phá tan các hệ thống cung ứng toàn cầu không? Theo WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu đang rơi tự do, có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay. Gián đoạn trong sản xuất, việc đóng cửa các cảng và sân bay, và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đã góp phần làm suy giảm thương mại toàn cầu.

Giả sử tới đây các biện pháp phong tỏa sớm kết thúc, các thách thức trung hạn đối với chuỗi cung ứng đến từ hai nhóm đối tượng. Một là các công ty muốn giảm thiểu rủi ro trước các cú sốc. Hai là các chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung quốc tế hoặc đưa sản xuất về nước.

Đối với các doanh nghiệp, hiện vẫn chưa rõ việc rút ngắn khoảng cách hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng có giúp các công ty tránh được các cú sốc toàn cầu như Covid-19 hay không. Nhiều chuyên gia, học giả cho rằng câu trả lời là có. Beata Javorcik, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, cho rằng “yêu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp hiệu quả nhất về kinh tế đã khiến nhiều công ty không có kế hoạch B. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải suy nghĩ lại về chuỗi giá trị toàn cầu”.

Trong khi đó, một số giám đốc điều hành cho rằng điều đó không đơn giản. John Neill, giám đốc điều hành của công ty chuỗi cung ứng Unipart của Anh, chuyên cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi, lưu ý rằng “khi các nhà máy sản xuất ô-tô ở Anh đóng cửa do dịch Covid-19, thì việc đặt hàng phụ kiện từ một nước gần với Anh cũng chả có tác dụng gì”.

Trong khi đó, chi phí thay đổi nhà cung cấp và tìm nguồn cung ứng từ nhiều đối tác hơn để phân tán rủi ro sẽ rất tốn kém cho một ngành công nghiệp phức tạp như sản xuất ô tô. Theo ông Neill, cần dành nhiều thời gian để đào tạo về quản lý và chuyên môn để đảm bảo nhà cung cấp mới có các quy trình sản xuất đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra.

Không chỉ ở Mỹ, các doanh nghiệp Nhật cũng hoài nghi việc này. Chính phủ Nhật Bản đã lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để các doanh nghiệp cơ cấu chuỗi cung ứng, đưa về Nhật Bản hoặc đa dạng hóa. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu từ công ty Nhật Bản là ít quan tâm và miễn cưỡng khi họ đã đầu tư từ đầu những năm 1990 cho chuỗi cung ứng hiện nay.

Bản thân Trung Quốc cũng xuất hiện 02 yếu tố mà các doanh nghiệp phải cân nhắc khi dịch chuyển. Thứ nhất, Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu dùng lớn chứ không chỉ là một công xưởng sản xuất lớn. Ngay cả khi các công ty đa quốc gia có thể tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn bám trụ ở Trung Quốc để tiêu thụ sản phẩm cũng như mua các hàng hóa đầu vào. Ngay cả các công ty Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục làm ăn tại Trung Quốc.

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, trong đó một trong các mục tiêu là hướng đến phục vụ thị trường châu Âu. Nguồn lực khổng lồ của nhà nước Trung Quốc khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập các liên kết thương mại trên toàn thế giới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đáng kể.

Do đó, các doanh nghiệp sẽ khó có thể thống nhất trong việc đưa ra quyết định về chuỗi cung ứng. Các công ty sản xuất xe hơi với chuỗi cung ứng đắt đỏ và phức tạp ít có khả năng thay đổi, trong khi các hãng dệt may sẽ quyết định đơn giản hơn vì chỉ quan tâm chi phí lao động và dễ chuyển đổi.

Hiện các quan chức Chính phủ của Mỹ, EU đang vận động doanh nghiệp về nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường coi sự can thiệp của các chính trị gia là không khôn ngoan. Anna Stellinger thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp Thụy Điển cho biết: “Cách tốt nhất mà các Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa và phục hồi hiệu quả là khôi phục các hoạt động kinh doanh bình thường, loại bỏ các lệnh cấm xuất khẩu, tạo điều kiện cho chuyên gia, nhân viên của các doanh nghiệp được đi lại và tiếp cận các quốc gia khác”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here