Vẫn tiếp tục là điểm sáng
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (khai mạc sáng 23/10/2023), ngày 16/10/2023, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch năm 2024 đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%), nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, trong 5 chỉ tiêu không đạt, có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến – chế tạo trong GDP.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, GDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Đây là mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trong bối cảnh năm thứ hai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm.
Cơ quan của Quốc hội nhận định, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Xét về dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta có sự suy giảm qua các thập kỷ (từ 7,6% trong giai đoạn 1991-2000, xuống còn 7,2% trong giai đoạn 2001-2010 và 6% trong giai đoạn 2011-2020).
“Có ý kiến cho rằng, sự giảm tốc này cùng với kết quả tăng năng suất lao động thấp trong những năm qua có nguyên nhân từ công tác điều hành thiên về các chính sách quản trị tổng cầu, mà thiếu sự tập trung vào những chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn, nhất là các chiến lược thúc đẩy động lực nội sinh của nền kinh tế”, báo cáo thẩm tra phản ánh.
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đánh giá, số liệu tăng trưởng GDP không phù hợp với quy luật, vì một số chỉ tiêu quan trọng khác giảm hoặc tăng thấp như xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh, Chỉ số Sản xuất công nghiệp hầu như không tăng trưởng, chỉ số tiêu dùng điện chỉ tăng 2%.
Về kế hoạch năm 2024, Thường trực cơ quan thẩm tra nhận xét, báo cáo của Chính phủ đưa ra phương án tăng trưởng GDP là 6 – 6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân là 4,0-4,5%, nhưng chưa nêu luận cứ của đề xuất này.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị làm rõ căn cứ khoa học và thực tiễn xây dựng phương án tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng CPI năm 2024. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ quan tâm nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vì một số năm trở lại đây, kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra không sát, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng và lạm phát.
Sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Báo cáo giải trình, về tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Đúng là tình hình rất khó khăn”. Bộ trưởng cho biết đã rà soát lại hết tất cả các phương án và dự báo tăng khoảng 5% trong năm nay.
Mức này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “tuy không đạt mục tiêu, nhưng so với tình hình chung của quốc tế và thế giới, đây là một con số rất tích cực và rất đáng khích lệ, trân trọng. Chúng ta cũng sẽ không điều chỉnh mục tiêu. Tinh thần chung của Chính phủ là quyết tâm thực hiện ở mức độ cao nhất mục tiêu của năm nay, bởi vì nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến các năm tới, ảnh hưởng cả 5 năm”.
Liên quan vấn đề được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là năm thứ 3 liên tiếp, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn, một bộ phận lao động lại chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức và năng suất lại thấp hơn.
Thứ ba, một bộ phận lao động chuyển việc mới cần phải có thời gian đào tạo lại, nên ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động hiện nay.
Ngoài hệ thống chỉ tiêu, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng hồi âm ý kiến của Ủy ban Kinh tế là tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã thẩm định tất cả khoảng 90/110 quy hoạch, khó nhất là 2 quy hoạch của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì đang trong giai đoạn tư vấn.
“Tinh thần chung là cố gắng đến cuối năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành 63 quy hoạch địa phương, 5 quy hoạch vùng còn lại và 38 quy hoạch ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Về cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nội dung được đề cập khá đậm nét trong báo cáo thẩm tra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là “đang còn rất khó khăn và phức tạp”.
Ông cho biết, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để giao các bộ, ngành về cải cách thủ tục hành chính, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để xây dựng một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói, tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 5% là không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng cũng cao so với dự báo và thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á.
“Hết quý II/2023, GDP của Việt Nam tăng 4,5%, trong khi Philippines khoảng 4,3% và Indonesia khoảng 5,2%. Như vậy, Việt Nam không phải là cao nhất, nhưng cũng thuộc nhóm cao nhất”, Phó thủ tướng nhìn nhận.
Nói thêm một số vấn đề được nêu tại báo cáo thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về giải ngân đầu tư công, theo Phó thủ tướng, “nói chưa đạt như mong đợi thì đúng. Mong đợi rất cao, nhưng hiện nay, kết quả có cải thiện so với 2 năm gần đây. Vừa rồi, quý II, III đều có tăng cả, anh Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng) có báo cáo lại là hết quý III, giải ngân được trên 51% kế hoạch so với mức 46,7% của cùng kỳ. Như vậy cũng là một nỗ lực rất lớn”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Theo thông lệ, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch năm 2024 sẽ được trình bày ngay tại phiên khai mạc của Quốc hội.
(Nguyễn Lê/baodautu)