Dù kim ngạch xuất nhập khẩu thành phố Đà Nẵng có những bước tăng trưởng tích cực trong 5 năm 2016 – 2020, tuy nhiên, so với tiềm năng và sự phát triển của thành phố thì vẫn còn ở mức trung bình, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có sự bứt phá, hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm còn thấp.
Ngoại giao kinh tế thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại
Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, từ những thuận lợi của công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế cấp Trung ương, nhất là việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA, hay hiệp định có quy mô lớn như RCEP; thuận lợi từ công tác ngoại giao kinh tế của chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng với những nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất nhập khẩu thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7,622 tỷ USD, tăng bình quân 5,1%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp, giảm tỉ trọng hàng nông lâm sản. Cơ cấu các nhóm ngành hàng xuất khẩu Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – Thủy sản – Nông lâm năm 2020 ước là 87,6% – 11,5% – 0,8% (Năm 2016 là 86,1% – 13% – 0,9%).
Hàng hóa của các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 30-35%, Hoa Kỳ 17-20%, EU 15-16%, Trung Quốc 10-11%….
Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn này ước đạt hơn 6,522 tỷ USD, tăng bình quân 1,7%/năm. Như vậy, giai đoạn 2016 – 2020, thặng dư thương mại ước đạt khoảng 1,1 tỷ USD.
Thực hiện kế hoạch ngoại giao kinh tế, trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác xúc tiến thương mại cũng đã có những bước tiến đáng kể. Trong đó, nổi bật, Sở Công Thương Đà Nẵng đã triển khai tốt các chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố như xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nhằm phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu; cơ chế, chính sách hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, đảm bảo các quy định về môi trường, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ;…
Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng được chú trọng thực hiện, bước đầu giúp doanh nghiệp Đà Nẵng chuyển sang thế chủ động tiếp cận, gặp gỡ và kết nối giao thương tại các địa phương nước ngoài, tạo cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, ngành công thương cũng tăng cường và đổi mới hình thức tổ chức hội chợ mang tầm quốc tế và khu vực tại Đà Nẵng; Đẩy mạnh phổ biến, cập nhật thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế
Nỗ lực khắc phục những “điểm trừ” trong thương mại
Mặc dù giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, cũng như đóng góp của lĩnh vực xuất khẩu vào tổng GRDP thành phố tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, so với tiềm năng và sự phát triển của thành phố thì kết quả này vẫn còn ở mức trung bình. Hàng hóa xuất khẩu chưa có giá trị gia tăng cao, khối FDI chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu. Việc tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường hàng hóa của doanh nghiệp thành phố chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
Đà Nẵng vẫn chưa phát triển được những mặt hàng xuất khẩu mới tiềm năng; chưa hình thành trung tâm logistics đủ lớn để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Mặt khác, nhiều năm gần đây, thành phố vẫn chưa có các dự án đầu tư mới vào sản xuất – xuất khẩu với quy mô lớn, tạo sức bật mạnh mẽ, đáng kể cho hoạt động xuất khẩu.
Bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự chủ động, tích cực đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài do hạn chế về kinh phí.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, công tác ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại và hạn chế mà thấy rõ nhất là năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương còn nhiều bất cập; mức độ quan tâm, tham gia của doanh nghiệp trên địa bàn vào các hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo… còn hạn chế; công tác thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, phát triển kinh doanh, tham gia hội chợ triển lãm tại thành phố; vận động kiều bào tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; việc trao đổi thông tin với kiều bào, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng… còn nhiều khó khăn, lúng túng.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Sở Công Thương TP. Đà Nẵng sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong các hoạt động và tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA, đặc biệt chú trọng các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP; trong đó, tập trung đi sâu vào các vấn đề: Các nội dung cam kết và lộ trình thực hiện của Việt Nam trong một số ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có thế mạnh và định hướng phát triển; các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại….
Bên cạnh đó, tập trung triển khai Kế hoạch thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện tốt công tác thông tin cơ chế chính sách, thị trường mặt hàng, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hoạt xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối tại nước ngoài để giúp doanh nghiệp hội nhập sâu hơn, tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và tiêu thụ toàn cầu./.
(Vũ Lê/congthuong.vn)