Đã đến lúc Việt Nam được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn

0
7
: Năm 2024 Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD. (Nguồn: Vietnamnet)

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và nền tảng tăng trưởng kinh tế  khá cao.

PGS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định như vậy tại Hội thảo “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam” diễn ra mới đây.

Ông cho rằng, năm 2024 Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD.

Nêu lý do để khẳng định điều này, PGS. TS. Nguyễn Mại cho hay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.

“Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.

Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn như Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán, sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.

9 tháng năm 2024, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam ghi nhận vốn đăng ký đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% và vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39 – 40 tỷ USD cho cả năm 2024.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của đất nước, với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng thu hút và sử dụng FDI cũng bộc lộ một số vấn đề cần được khắc phục. Đơn cử như một số doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, lãi thật, lỗ giả, công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu, tranh chấp lao động, đầu tư lượt sóng.

Về công nghệ và quản trị, Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI, đặc biệt kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, bên cạnh nhiều dự án tốt, thực sự mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thì dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng có những dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.

Vì vậy, để nâng cao dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam bà Chi Lan khẳng định: “Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn, không đạt được tiêu chí mà Việt Nam đưa ra. Việt Nam cũng cần có các tiêu chí về môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng khi đầu tư tại đất nước”.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here