Cuộc họp không chính thức cấp Bộ trưởng của WTO

0
44
(Internet)
(Internet)

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12), 29 thành viên WTO có quan tâm lớn và đa dạng về chính sách thương mại đã tổ chức cuộc họp không chính thức cấp Bộ trưởng, tập trung thảo luận về các thách thức và ưu tiên chính sách thương mại, cách tiếp cận nhằm khắc phục hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19, đưa ra đề xuất để thúc đẩy thương mại và giảm thiểu hàng rào thương mại liên quan đến hàng hóa y tế cũng như các khía cạnh môi trường của thương mại và một số vấn đề khác.

Cuộc họp này được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 29/1/2021, thay cho Phiên họp không chính thức cấp Bộ trưởng truyền thống thường được chủ trì bởi Thụy Sỹ bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos. Theo kết luận của Chủ tọa cuộc họp – Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin – các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết xác nhận thời gian và địa điểm tổ chức MC12, vốn trước đó đã được hoãn sang năm 2021 do đại dịch Covid-19. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sớm bổ nhiệm Tổng giám đốc mới của WTO. Chính quyền Mỹ trước đó (dưới thời Trump) đã thể hiện sự phản đối việc bổ nhiệm bà Ngozi Okonjo-Iweala cho vị trí này dù đa số thành viên WTO cho rằng bà là “ứng viên tốt nhất có thể đạt được sự đồng thuận”, chính quyền Mỹ hiện tại đã chia sẻ rằng “quyết định quan trọng về vị trí lãnh đạo này hiện đang được cân nhắc tích cực ở Washington”.

Về tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng tham dự cuộc họp nêu trên nhấn mạnh vai trò của thương mại và WTO trong việc thúc đẩy sự hồi phục sau đại dịch. Nhiều Bộ trưởng nêu tầm quan rọng của việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và giá cả hợp lý với các hàng hóa y tế, trong đó có vắc-xin, thông qua việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy thương mại. Các Bộ trưởng cũng lưu ý vai trò của quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch.

Canađa nhấn mạnh nỗ lực của Nhóm Ottawa trong sáng kiến thương mại và y tế hướng đến mục tiêu “duy trì thị thường mở, thúc đẩy việc phân phối vắc-xin và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai”. Các Bộ trưởng cũng quyết tâm “duy trì một hệ thống thương mại đa phương đáng tin cậy” (MTS), được hỗ trợ bởi một “hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ chức năng của WTO” và cam kế “khôi phục bầu không khí tin cậy lẫn nhau”. Các Bộ trưởng cũng lấy làm tiếc rằng các cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản đã không thể hoàn tất đúng thời hạn năm 2020 và nhất trí rằng cần phải đạt được “một thỏa thuận toàn diện và hiệu quả” sớm nhất có thể.

Nhiều Bộ trưởng cũng kêu gọi đạt được tiến triển trong việc cải tổ chính sách thương mại nông nghiệp, các sáng kiến tuyên bố chung về quy chế trong nước về dịch vụ, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, cũng như đối xử đặc biệt và ưu đãi cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất (LDCs). Một số bộ trưởng ủng hộ những sáng kiến mới nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm khuôn khổ Thảo luận mang tính cấu trúc về thương mại và Tính bền vững môi trường, được đưa ra trong Tuần lễ Thương mại và Môi trường của WTO năm 2020.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here