Ngày 20/01/2020, South China Morning Post cho biết, theo Báo cáo có tựa đề “Kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân tộc về khoa học công nghệ đang làm biến đổi chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn” của tác giả Alex Capri, nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Quốc gia Singapore, thuế quan, phần quan trọng của thỏa thuận kinh tế thương mại Trung – Mỹ chỉ là một cấu phần của sự đối đầu có tính hệ thống rộng lớn và bao trùm giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trên lĩnh vực công nghệ. Khuynh hướng chủ nghĩa trọng thương mới hiện nay gắn trực tiếp sáng tạo công nghệ với thịnh vượng kinh tế, ổn định xã hội và chính sách an ninh quốc gia.
Điểm xung đột chính của cuộc chiến công nghệ Trung – Mỹ là công nghệ bán dẫn giúp sản xuất con chíp điện tử vốn là bộ não, trung ương thần kinh của mọi công nghệ thế hệ mới. Chính ở mặt trận này, sự “tách rời” giữa Trung Quốc và Mỹ là tất yếu, tác động sâu sắc đến toàn bộ ngành công nghiệp và làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Tác động lan tỏa của chính sách công nghệ có tính dân tộc chủ nghĩa tất yếu đưa hai nước ngày càng xa nhau. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc lệ thuộc rất nhiều vào linh kiện bán dẫn sản xuất ở nước ngoài cho các vi mạch tích hợp.
Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu linh kiện bán dẫn nhiều hơn nhập khẩu dầu mỏ. Không có nguồn cung cấp này, kế hoạch công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc sẽ bị chệch hướng. Do Trung Quốc còn sau Mỹ từ 2 đến 3 thế hệ công nghệ bán dẫn, cùng với các lệnh cấm của Mỹ, EU, Nhật, Đài Loan và một số nước khác, xu hướng “tách rời” khi kéo dài sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc trong ngắn hạn, mặc dù về dài hạn tất cả các bên đều bị ảnh hưởng. Hiện nay, Mỹ đang nỗ lực giảm liên kết về công nghệ với Trung Quốc. Mỹ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ và với sự phát triển của các thiết bị thông minh, 5G và IoT, phạm vi định nghĩa “hàng hóa lưỡng dụng” sẽ ngày càng mở rộng, củng cố hơn nữa lệnh cấm. Mỹ cũng tích cực vận động Anh cấm tập đoàn Huawei tham gia vào các hạ tầng then chốt của nước này, lên kế hoạch đầu tư 1,25 tỷ đô la Mỹ vào các giải pháp theo chuẩn phương Tây để thay thế Huawei và ZTE.
Với các chính sách này, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc năm 2019 giảm xuống 4 tỷ đô la Mỹ, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Ông Capri cho rằng, sự thù địch giữa hai siêu cường đặc biệt là cuộc chiến tranh công nghệ Trung – Mỹ làm lu mờ kết quả của thỏa thuận kinh tế thương mại vừa qua giữa hai nước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)