Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vòng 7 bắt đầu tại Washington ngày 21/2 và kéo dài hai ngày. Khi thời hạn chót “đình chiến thương mại” (1/3) chỉ còn hơn 1 tuần, việc Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đi Mỹ với tư cách Đặc sứ của Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho thấy đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã bước vào giai đoạn then chốt nhất.
Giai đoạn then chốt hướng tới vấn đề cải cách kết cấu
Nếu qua ngày 1/3 mà hai bên không đạt được thỏa thuận liên quan, phía Mỹ sẽ nâng mức thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, đẩy hai nước vào một cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” khốc liệt hơn.
Trước thềm đàm phán Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nêu rõ đàm phán lần này hướng tới vấn đề cải cách kết cấu cần thiết, ảnh hưởng tới thương mại Mỹ – Trung. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận việc Trung Quốc cam kết mua sắm một lượng hàng hóa và dịch vụ lớn của Mỹ.
Theo tờ Economic Journal ngày 20/2, việc đàm phán vòng 7 tại Washington nhanh chóng tiếp nối đàm phán vòng 6 tại Bắc Kinh kết thúc vào cuối tuần trước cho thấy hai bên đang nỗ lực hết sức thì thời gian không còn nhiều. Tài khoản weixin bullpiano được cho là thuộc về một cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc mới đây đã đăng phân tích cho rằng ở một chừng mực nào đó, việc ông Lưu Hạc đi Mỹ với tư cách Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy đàm phán thương mại Trung – Mỹ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Wall Street Journal ngày 19/2 đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực đạt được thỏa thuận lâu dài mang tính cách mạng với Trung Quốc và hy vọng lấy nó để chứng minh thuế quan là một biện pháp hữu hiệu có thể hỗ trợ mở cửa thị trường khắp nơi. Theo tờ báo, ê kíp phụ trách vấn đề thương mại của ông Trump hiện nay coi vấn đề liên quan tới Trung Quốc là nghị sự ưu tiên, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc trước ngày 1/3 phải cam kết thay đổi một cách thiết thực và rộng rãi trong lĩnh vực kinh tế.
Về phần mình, CNBC dẫn thông cáo của Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump không tìm được phương thức sáng tạo trong việc thực hiện thỏa thuận đạt được thì việc Bắc Kinh tăng cường mua sắm hàng hóa Mỹ và cam kết giải quyết một số vấn đề về kết cấu kinh tế là một thắng lợi không có ý nghĩa gì đối với Washington. Theo USCC, sự thành bại của thỏa thuận thương mại cuối cùng phụ thuộc vào việc hai nước có thể thực sự thực hiện được cam kết đưa ra hay không và đây mới là yếu tố then chốt.
Sứ mệnh lịch sử của ông Lưu Hạc
Mạng tin Liên hợp buổi sáng của Singapore cho rằng “sứ mệnh” của ông Lưu Hạc trong chuyến làm khách tại Washington lần này sẽ rất lớn, thậm chí còn có thể thay mặt cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký các văn kiện liên quan với Mỹ.
Đây là chuyến công du Washington lần thứ tư của ông Lưu Hạc kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng phát, đồng thời cũng là lần thứ hai ông đến làm khách tại Mỹ với tư cách Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tháng 2/2018, ông Lưu Hạc có chuyến công tác đầu tiên tới Mỹ để tìm cách giải quyết những bất đồng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Khi đó, ông xuất hiện tại Washington với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế tài chính Trung ương Trung Quốc. Tiếp đó, ông Lưu Hạc tháng 5/2018 lại có chuyến công du lần thứ hai tới Washington và vai trò cũng được nâng cao hơn với chức danh Phó Thủ tướng, Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù vai trò được nâng cao hơn, nhưng ông Lưu Hạc đã không hoàn thành được sứ mệnh trong chuyến đi đó. Hai tháng sau, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã chính thức nổ ra. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc đạt được thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Argentina, ông Lưu Hạc cuối tháng 1/2019 lại có chuyến đi Mỹ trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Trong chuyến đi tuần này ông Lưu Hạc dự kiến sẽ cùng với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chủ trì vòng đàm phán thương mại cấp cao song phương lần thứ 7.
Liên quan đến nội dung này, Mạng tin Liên hợp buổi sáng dẫn lời ông Thành Hiểu Hà, Phó giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế của Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định, được giao làm Đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng đồng nghĩa với việc sứ mệnh và quyền lực được ủy thác của ông Lưu Hạc trong chuyến đi lần này sẽ cao hơn. Trong một số nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề song phương Trung – Mỹ, ông Lưu Hạc không chỉ đại diện cho chính phủ, mà còn thay mặt cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để quyết định. Đặc biệt, ông này thậm chí còn có khả năng sẽ thay mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký các văn kiện thỏa thuận với phía Mỹ. Do đó, đây sẽ là chuyến đi mang “sứ mệnh” cũng như quyền lực được ủy thác lớn nhất từ trước đến nay của ông Lưu Hạc.
Trên phương diện khác liên quan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) Dư Miểu Kiệt cho rằng, với những tiến triển quan trọng đạt được sau 6 vòng đàm phán, cả hai bên Trung – Mỹ đều mong muốn sẽ ký kết một bản ghi nhớ để chính thức đánh dấu và văn bản hóa lại những kết quả đó, tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai các bước đàm phán tiếp theo. Tuy vậy, ông Dư Miểu Kiệt cũng cảnh báo mặc dù có thể ký kết bản ghi nhớ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hai bên Trung – Mỹ đã giải quyết được hết các nội dung khác biệt.
Chuyên gia này nhận định, Mỹ sau mốc thời gian 1/3 tới có thể sẽ áp dụng một số chính sách mới Trung Quốc như tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% hoặc chấp nhận gia hạn thời hạn đàm phán. Tuy nhiên, nhiều khả năng Washington sẽ chấp nhận kéo dài thời hạn đàm phán vì giải pháp này thực tế hơn, Trung Quốc trong vòng 90 ngày khó có thể hoàn thành quá nhiều việc theo yêu cầu của Mỹ. Mặt khác, nếu thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đạt được chắc chắn sẽ phải do đích thân Tổng thống thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết. Trong khi đó, thời hạn 90 ngày đàm phán đã bước vào giai đoạn đếm ngược, nên khả năng hai nhà lãnh đạo Trump và Tập Cận Bình gặp nhau trước ngày 1/3 tới đang trở lên rất mong manh. Do vậy, nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ tới đây sẽ cùng lựa chọn giải pháp gia hạn thời gian đàm phán để tiếp tục thương lượng về những bất đồng giữa hai bên.
Mâu thuẫn cơ cấu khó nhượng bộ
Theo truyền thông Hongkong, khi cuộc đàm phán thương mại vòng 7 Trung – Mỹ bắt đầu tại Washington yêu cầu của phái đoàn đàm phán Mỹ đưa ra với Trung Quốc giờ mới bắt đầu rõ ràng.
Trước hết, sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ được coi là mâu thuẫn chính giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Trump được vây quanh bởi một nhóm những nhân vật cực hữu chống Trung Quốc cực đoan. Cuốn sách “Cái chết bởi Trung Quốc” của Peter Navarro – cố vấn thương mại Nhà Trắng mà ông Trump rất xem trọng – đã không được thu thập tư liệu và phân tích nghiêm túc, không có tính thuyết phục. Trong khi đó, cuốn sách mới được xuất bản của Giáo sư Lawrence Lau, một học giả, chuyên gia kinh tế của Hong Kong, có tựa đề “Bầu trời không sụp đổ – chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và quan hệ kinh tế trong tương lai”, sử dụng số liệu thống kê chặt chẽ để phân tích bản chất của cuộc chiến thương mại, cho thấy rõ rằng việc khơi mào cuộc chiến thương mại sẽ bất lợi cho Mỹ, hơn nữa về lâu dài, Trung-Mỹ có không gian hợp tác kinh tế cùng có lợi.
Cách đây vài hôm, Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hiệp hội châu Á của Mỹ đã công bố một báo cáo nghiên cứu mới có tiêu đề “Sửa chữa đường lối: Hướng tới một chính sách Trung Quốc hiệu quả và bền vững”. Báo cáo đưa ra quan điểm về quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng xung đột hiện nay giữa Trung-Mỹ đã làm hủy hoại mối quan hệ được thiết lập trong vài chục năm qua. Báo cáo cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc vi phạm các quy tắc thị trường về cạnh tranh công bằng, làm suy yếu luật pháp quốc tế và nguyên tắc đối đẳng có đi có lại. Vì vậy, báo cáo rõ ràng ủng hộ cuộc phản kích của chính quyền Tổng thống Trump, chẳng qua nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể.
Báo cáo trên nhằm bảo vệ các lợi ích cơ bản của Mỹ, khi chỉ ra rằng phải có một hệ thống kinh tế toàn cầu với cạnh tranh thị trường công bằng, một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và ổn định, một trật tự chính trị và kinh tế tự do và pháp trị, cũng như một mối quan hệ Trung – Mỹ ổn định và có lợi. Để đạt được mục tiêu này, báo cáo khuyến nghị chính quyền Tổng thống Trump áp dụng chiến lược “cạnh tranh thông minh”, mấu chốt là Mỹ cần duy trì hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc trên cơ sở bảo vệ lợi ích của chính mình, cũng như hợp tác với các lực lượng quốc tế để buộc Trung Quốc phải tuân theo luật pháp và quy tắc quốc tế, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và cải cách các thể chế quốc tế để đảm bảo phúc lợi và an ninh toàn cầu. Mục tiêu của chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ là duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trong đó quan hệ Mỹ – Trung vừa cạnh tranh, vừa hợp tác.
Báo cáo đề xuất 5 chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, an ninh khu vực, quản trị toàn cầu, nhân quyền và Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng bên ngoài. Báo cáo chỉ trích chính quyền Trump đã phạm hai sai lầm không có đồng minh đoàn kết cùng hành động và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Báo cáo cho rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa đối với Mỹ trên một số phương diện: Trung Quốc áp dụng chủ nghĩa trọng thương, chính sách công nghiệp thay thế nhập khẩu, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng đối với khu vực Đông Á, chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát chính trị.
Nền kinh tế và quy mô thương mại của Trung Quốc đang bám sát Mỹ. Trung Quốc muốn duy trì lợi ích về lãnh thổ và hàng hải cần phải có sự lớn mạnh về khoa học công nghệ và quân sự; dốc sức phát triển quan hệ hợp tác hữu hảo trên bình diện quốc tế, bao gồm gánh vác trách nhiệm gìn giữ hòa bình, tham gia các Công ước quốc tế về khí hậu và môi trường, Trung Quốc tiếp tục nâng cao tiếng nói của mình trên vũ đài quốc tế.
Trong các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ, Trung Quốc không thể đưa ra những nhượng bộ không giới hạn. Quan hệ Trung – Mỹ có lợi cho cả hai bên ở nhiều mặt. Mỹ sẽ chịu thiệt nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình.
“Phép thử”
Số người lạc quan cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại đang tăng lên, nhất là khi hai bên bước vào vòng đàm phán mang tính quyết định trong tuần này tại Washington. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại đang “quên” một điều là các cuộc đàm phán đã trở thành phép thử độ bền bỉ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này – hay nói đúng hơn, đây là cách để đánh giá chính xác sức chịu đựng của mỗi nước đến đâu.
Thực tế, không nước nào có đủ sức mạnh để áp đặt lý trí lên nước kia. Mỹ không có khả năng buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tuân theo, trong khi Trung Quốc cũng không đủ mạnh để xa rời thế giới phương Tây. Cho đến nay, họ vẫn đang phải đối mặt với thực tế đó, do đó họ sẽ không bao giờ có thể đạt được một thỏa thuận kéo dài.
Tin tức cho thấy trong các cuộc đàm phán gần đây hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc Trung Quốc mua số lượng lớn đậu tương, vi mạch và các sản phẩm khác của nước này. Hai bên dường như cũng đạt được một số tiến triển trong việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên có thể đạt được bước đột phá trong các vấn đề “cơ cấu” – Mỹ đòi hỏi phải có sự cải cách lớn trong các chính sách của Trung Quốc mà theo nước này là không công bằng với các doanh nghiệp Mỹ, chẳng hạn như trợ cấp cho các công ty Trung Quốc và ép buộc các công ty nước ngoài chuyển gia công nghệ. Đây sẽ là vấn đề cốt lõi cho bất kỳ thỏa thuận nào, những cải cách sẽ phải thay đổi cơ bản nền kinh tế của Trung Quốc và thúc đẩy cạnh tranh dựa trên thị trường nhiều hơn.
Không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ tỏ ra lưỡng lự nhượng bộ bởi vì việc đáp ứng các yêu cầu của Mỹ sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải điều chỉnh lại cách nền kinh tế nước này đang vận hành. Đây cũng là vấn đề cực kỳ khó khi phải ép các nước làm những việc họ thực sự không muốn.
Một thỏa thuận thương mại hời hợt sẽ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, thậm chí nếu nó tạm thời xoa dịu các thị trường, căng thẳng sẽ tiếp tục cho đến khi Washington nhận ra hành động đơn phương của họ trong một trật tự thế giới đã thay đổi và ông Tập Cận Bình nhận ra sự phá vỡ các quy tắc toàn cầu của mình đang khiến các nước quay lưng lại với Trung Quốc. Mỗi bên sẽ phải nhận thấy điểm yếu của mình trước khi họ có thể thúc đẩy một mối quan hệ mạnh mẽ hơn.
Hoàng Hà (theo Wall Street Journal, Economic Journal, CNBC)