Cuộc chiến thuế quan sắp mở màn, Trung Quốc sẽ chọn đối đầu hay đối thoại?

0
6
Các hạn chế về thương mại cũng gia tăng trong thời gian qua và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thúc đẩy xu hướng này. (Nguồn: The Economic Times)

Dư luận cho rằng, những dấu hiệu cảnh báo cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington dưới thời chính phủ Trump 2.0 đang chuẩn bị mở màn.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới chính thức nhậm chức, những vụ việc va chạm và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã liên tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Điều không thể tránh khỏi?

Theo báo Liên hợp Buổi sáng ngày 12/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây đã đăng 2 thông tin rất đáng chú ý trên mạng xã hội Truth Social. Một là ông sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc; và hai là áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Trung Quốc, Mexico và Canada hiện đang lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ ba, thứ tư và thứ năm của Mỹ, do đó hai đối tác thương mại lớn nhất của Washington là châu Á và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang “đứng ngồi không yên”, thậm chí còn chuẩn bị sẵn cả hai phương án tích cực và tiêu cực để ứng phó với Trump.

Các quan chức Bắc Kinh, trong đó có cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, đã tìm mọi cách để tiếp cận Washington bao gồm cả việc thông qua con rể của ông Trump là Jared Kushner, nhưng kết quả không như mong muốn, đặc biệt là với những nhân vật thân tín của ông Trump.

Bắc Kinh chưa thể xác định được mục đích của ông Trump là gì, muốn nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn hay quyết tâm tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Trump mới đây cho biết đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng không đề cập những nội dung cụ thể hai bên trao đổi. Trên thực tế, có một số dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ thời Trump 2.0 đã được Washington thúc đẩy, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sau khi được đề cử làm Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Trump sắp tới, Scott Bessen khi phát biểu với truyền thông hôm 15/11 đã nhấn mạnh rằng thuế quan có 3 chức năng là tăng cường thu nhập, bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược và thực hiện mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ.

Do vậy, cuộc chiến thuế quan sẽ là công cụ chủ yếu để Washington kiểm soát và điều tiết quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới trong thời gian tới. Thuế quan có thể phát huy vai trò chính rất quan trọng bất kể trong việc yêu cầu các đồng minh và đối tác tăng chi phí quốc phòng, mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ hay cam kết chấm dứt hoạt động nhập cư bất hợp pháp.

Thứ hai, ông Trump mới đây đã chọn Peter Navarro làm Cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất công nghiệp, có nhiệm vụ truyền đạt và thúc đẩy thực thi các chương trình chế tạo, thuế quan và thương mại do Trump đề ra. Navarro được xem là nhân vật có quan điểm cứng rắn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, chủ trương thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, tăng thuế, đưa chuỗi cung ứng về nước và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death by China) xuất bản năm 2011, đồng tác giả Navarro đã cáo buộc Chính phủ Trung Quốc thao túng tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp bán phá giá hàng hóa vào thị trường Mỹ, gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất của Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh đã vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng khi ép các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ mới được tiếp cận thị trường Trung Quốc. Những quan điểm này đã được Trump tiếp nhận, nhắc đi nhắc lại và tuyên truyền rộng rãi trong công chúng.

Thứ ba, Trump đã công khai dọa sẽ áp thuế 100% đối với hàng hóa của các nước thành viên BRICS nếu họ tiếp tục theo đuổi chính sách phi USD hóa. Ông đã viết trên Truth Social rằng Washington yêu cầu BRICS cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và phải nói lời tạm biệt với thị trường Mỹ.

Trên thực tế, một trong những mục đích chính khi Trump đưa ra lời đe dọa đó cũng là nhằm vào Bắc Kinh. Trung Quốc không chỉ có quy mô GDP lớn nhất trong BRICS (chiếm khoảng 70%) mà còn có quan hệ kinh tế-thương mại với Mỹ chặt chẽ nhất trong số các quốc gia thành viên của khối. Thêm vào đó, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc hiện cũng đang là đồng tiền được sử dụng để thanh toán nhiều nhất trong giao dịch nội khối của BRICS. NDT đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ định là một trong 5 loại tiền dự trữ chính trên thế giới. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện giấc mơ quốc tế hóa NDT và điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới vị thế của đồng USD.

Cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc cũng hiểu rất rõ điều này nên đã chủ động áp dụng chính sách vừa cứng rắn vừa mềm dẻo đối với Washington. Hôm 22/11, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có đủ khả năng để hóa giải những tác động từ bên ngoài, nhưng vẫn hy vọng đối thoại một cách tích cực với Washington để thúc đẩy mở rộng hợp tác, quản lý khác biệt và thúc đẩy phát triển ổn định quan hệ kinh tế thương mại song phương. Trên phương diện khác, khi chính quyền Joe Biden hôm 2/12 tuyên bố áp dụng các biện pháp hạn chế để tiếp tục siết chặt việc xuất khẩu chíp bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã lập tức đáp trả bằng việc cấm xuất khẩu sang Mỹ các kim loại hiếm chuyên sử dụng trong lĩnh vực công nghệ cao gồm gali, germani và antimony.

Không những vậy, Bắc Kinh còn quyết định mở cuộc điều tra đối với Tập đoàn Nvidia, một trong những nhà sản xuất chíp bán dẫn hàng đầu của Mỹ, vì nghi ngờ vi phạm Luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn Mỹ chọn đối thoại

“Trò chơi có tổng bằng không” là cách gọi của nhiều chuyên gia kinh tế khi đánh giá đến tác động của thuế quan thương mại mà Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị áp dụng với đối tác thương mại.

Vì sao lại là trò chơi tổng bằng không? Theo lập luận, nếu Mỹ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều nước khác thì doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ là đối tượng cuối cùng chịu thiệt hại. Trước đó, thuế quan làm tăng đáng kể chi phí đầu vào, dẫn đến lạm phát, thiệt hại chung toàn cầu.

Do vậy, mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết các tranh chấp thương mại trong bối cảnh có nguy cơ cuộc chiến này leo thang từ đầu năm sau.

Trong lá thư gửi Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc vào thứ Năm tuần này, ông Tập Cận Bình cho biết hai bên nên “chọn đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác cùng có lợi thay vì trò chơi tổng bằng không”, đồng thời nhắc lại cam kết mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Tập Cận Bình phát biểu: “sẽ không có người chiến thắng trong các cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ”. Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết: “Hàng loạt thông điệp từ Bắc Kinh cho thấy tâm trạng lo lắng và những lời đề nghị này đã diễn ra theo cách rất công khai”.

Tại thời điểm này, xuất khẩu là điểm sáng chủ đạo của nền kinh tế số 2 thế giới, các công ty Trung Quốc vội vã vận chuyển hàng đến Mỹ trước khi mức thuế quan cao hơn có hiệu lực. Khi đó, chắc chắn nền ngoại thương khổng lồ của cường quốc châu Á sẽ chậm lại.

Rõ ràng, lập trường chính sách của ông Trump là đặt nước Mỹ lên trên hết đang tạo ra mối đe dọa đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc – những người đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn phục hồi nền kinh tế đang suy yếu.

Mặc dù có thể là động thái chủ động đẩy cao căng thẳng để mở rộng dư địa đàm phán thỏa hiệp lợi ích của hai bên, thực trạng “ăn miếng, trả miếng” đang là hồi chuông cảnh báo về một cuộc chiến thuế quan sớm diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here