Ngày 17/3/2020, China Daily đưa tin, Covid-19 làm kinh tế thế giới gặp khó khăn nhất là do sự xáo trộn, gián đoạn của chuỗi cung toàn cầu. Liệu tiến trình toàn cầu hóa có ngưng trệ? Bà Ren Lin, chuyên gia nghiên cứu của Viện Kinh tế Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng dịch bệnh đe dọa kinh tế thế giới trong ngắn hạn nhưng không thể thay đổi xu thế toàn cầu hóa. Việc các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đang đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn và điều trị dịch bệnh nhất định sẽ dẫn đến sự điều chỉnh trong bức tranh kinh tế quốc tế. Việc ứng dụng các công nghệ cao này để thúc đẩy sản xuất và các hoạt động kinh tế khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Chính sự gián đoạn trong thương mại toàn cầu gây ra bởi dịch bệnh buộc các nước nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác, phối hợp tốt hơn trong các bước đi nhằm vượt qua các vấn đề y tế, kinh tế toàn cầu và vì thế làm giảm nguy cơ “phản toàn cầu hóa”. Thế giới ngày càng được kết nối chặt chẽ với nhau nhờ toàn cầu hóa và vì thế mọi xáo trộn, gián đoạn trong các hoạt động kinh tế ở một khu vực sẽ ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư ở các khu vực khác. Điều này buộc các nước phải cùng nhau nỗ lực đối phó dịch bệnh và qua đó lại củng cố xu thế toàn cầu hóa.
Theo ông Gu Xueming, Giám đốc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, dịch bệnh không thể phá vỡ chuỗi liên lạc, thông tin trao đổi qua lại giữa các quốc gia với nhau. Phân công lao động quốc tế hiện nay được quyết định bởi trình độ phát triển lực lượng sản xuất của mỗi quốc gia khác nhau vốn lại được quy định bởi quan hệ sản xuất của quốc gia đó. Hơn nữa, phân công lao động quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thương mại giữa các quốc gia, do đó trở thành nền tảng khách quan của sự phát triển của thị trường thế giới. Vì thế dịch bệnh trước mắt có thể ảnh hướng đến thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng về lâu dài không thể làm suy giảm thương mại toàn cầu.
Dịch có thể làm yếu hệ thống cấu trúc của toàn cầu hóa nhưng không thể đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa, mà thay vào đó sẽ khởi xướng mô thức toàn cầu hóa mới. Tương lai của toàn cầu hóa là rất sáng sủa nhất là nhờ sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật và 5G, những công nghệ được xem là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Dù có thể làm gián đoạn chuỗi cung toàn cầu, dịch sẽ thúc đẩy các nhà cung ứng toàn cầu lớn như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc tu bổ lại chuỗi cung của riêng mình cũng như chuỗi cung toàn cầu. Nhìn chung, tác động của dịch đến kinh tế thế giới chỉ là tạm thời, có thể làm điều chỉnh chuỗi cung toàn cầu. Có đủ cơ sở để tin rằng toàn cầu hóa sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại, mở, toàn diện và cân bằng hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh)