- Sự đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp 4.0 và tăng trưởng kinh tế
Đức xem cách mạng công nghiệp 4.0 là một công cụ mang lại nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Cuộc cách mạng này hứa hẹn rất nhiều thành công cho nền kinh tế Đức. Một nghiên cứu năm 2014 của Frauenhofer IAO và BITKOM cho thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể phát triển khoảng 79 tỉ Euro trong sáu lĩnh vực ở Đức trước năm 2025 như: ngành công nghiệp hóa chât, ôtô, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật điện và nông nghiệp… và tổng giá trị tăng thêm trung bình từ sự tăng trưởng này có thể là 1,7% mỗi năm.
Riêng Đức đặc biệt chú trọng đến công nghiệp 4.0 vì ngành sản xuất là xương sống của nền kinh tế nước này. Các công ty Đức đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khảo sát của Strategy và PwC với 235 công ty công nghiệp có trụ sở tại Đức hồi tháng 10/2014 cho thấy, công nghệ công nghiệp 4.0 chiếm hơn 50% số vốn đầu tư hoạch định cho 5 năm tới. Nghĩa là tổng vốn đầu tư cho công nghệ công nghiệp 4.0 của Đức có thể lên đến 40 tỉ Euro mỗi năm, từ 2015-2020. Nếu các nước châu Âu khác cũng tiếp bước thì tổng vốn đầu tư cho công nghiệp 4.0 có thể lên đến 140 tỉ Euro mỗi năm. Việc áp dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất của các hãng ôtô lớn như BMW, Opel hay VW… khiến nhu cầu sử dụng lao động của các hãng này ngày càng giảm ngay trên chính nước Đức. Do tự động hóa tới 99% dây chuyền sản xuất nên chỉ cần sử dụng nhân công ở khâu lập chương trình cho các hệ máy tự động hoạt động và kiểm tra. Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đức bắt đầu từ quá trình tự động hóa sản xuất để giảm giá thành thông qua giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tối đa cho cổ đông của các công ty nói trên.
- Hỗ trợ của Chính phủ Đức về kinh phí, xây dựng chiến lược và chính sách
Chiến lược công nghệ cao đến năm 2020 được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012 và tập trung vào thành lập “Công nghệ nền tảng 4.0”. “Công nghệ nền tảng 4.0” là một tổ chức đặc trách về cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm một Ban chỉ đạo (các thành viên từ Chính phủ Liên bang, các công ty, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học) được hỗ trợ bởi Hội đồng khoa học, Bộ Kinh tế và Năng lượng cùng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ có thể thành công khi có sự liên hệ chặt chẽ giữa kỹ thuật điện, máy móc với các yếu tố công nghệ thông tin, do vậy, Chính phủ Đức đã nỗ lực xây dựng Chương trình nghị sự về hệ thống thực tế ảo do Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia phụ trách. Chương trình này tích hợp các nghiên cứu về hệ thống thực tế ảo, cho phép Đức định hình cuộc cách mạng về công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh và trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới. Chương trình này xác định bốn lĩnh vực ứng dụng đến năm 2025, bao gồm: năng lượng (hệ thống thực tế ảo cho đường dây truyền tải thông minh), công nghệ di động (hệ thống thực tế ảo cho công nghệ di động kết nối mạng lưới), sức khỏe (hệ thống thực tế ảo cho chăm sóc sức khỏe từ xa, hội chẩn từ xa) và công nghiệp (hệ thống thực tế ảo cho công nghiệp và sản xuất tự động hóa). Ngoài ra, Đức cũng đã tiến hành phát triển dự án nghiên cứu về các hệ thống sản xuất thực tế ảo (Cyber-Physical production systems) do Wittenstein AG thực hiện từ năm 2012, với mục tiêu nghiên cứu và phát triển một loạt các mô đun hệ thống thực tế ảo tiêu biểu để ứng dụng trong sản xuất và logistics.
Tại Đức, sự thay đổi của công nghệ không “bỏ rơi” các thành phần trong nền kinh tế; trái lại công nghệ đã trở thành cầu nối để các chủ thể tự thân vận động kết nối với nhau và tận dụng hiệu quả nhất nguồn lực. Nhà nước cấp kinh phí cho trường chỉ để tạo ra cơ sở vật chất ban đầu và chi phí giảng dạy sinh viên, không can thiệp vào công việc và định hướng nghiên cứu của nhà trường. Đối với các khoản lợi nhuận thu được từ nghiên cứu khoa học, sau khi trừ chi phí hợp lý như tiền lương, khấu hao máy móc và vật liệu, nếu sử dụng để tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật đầu ngành, sẽ được tính thuế ở mức thấp nhất nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu. Cùng với các hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước, nhà trường được tự chủ về định hướng phát triển khoa học để tạo ra kinh phí hỗ trợ các nghiên cứu khoa học mũi nhọn và được phép bán trực tiếp kết quả nghiên cứu cho các hãng sản xuất để có kinh phí tái tạo chất xám.
3. Những khó khăn, thách thức của nước Đức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngành công nghiệp Đức đang đứng trước ngã ba đường. Trong những năm gần đây, nền kinh tế lớn nhất của châu Âu đã tung ra tất cả sức mạnh cùa mình, nhưng cuộc cách mạng kỹ thuật số sắp tới sẽ là thử nghiệm chưa từng có về khả năng phục hồi của ngành công nghiệp cốt lõi của nước này. Để phát triển trong thế giới mới này hay có thể chỉ đơn giản là sống sót thôi, các công ty công nghiệp sẽ phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận kinh doanh cùa mình, từ phòng thiết kế đến khu vực nhà xưởng, đến các cửa hàng sửa chữa. Đối với nước Đức, nơi mà quy mô ngành công nghiệp chiếm tỉ lệ một phần ba nền kinh tế, việc quản lý quá trình số hóa thành công là đòi hỏi rất cao.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra lời cảnh báo: “Chúng ta không phải là những người đi đầu thế giới khi nói tới những tiến bộ kỹ thuật số và đưa ra các giải pháp cần thiết”. Bà Thủ tướng cũng hứa hẹn sẽ nỗ lực gấp đôi nhằm nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ số của đất nước.
Nước Đức được cả thế giới thán phục về nền công nghệ tiên tiến và hiệu quả hàng đầu thế giới. Nước Đức cũng là nơi khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, chắc chắn nhiều người sẽ khó có thể tin rằng nước Đức đang bị tụt hậu về công nghệ của tương lai. Thật đáng ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật!
- Sự tụt hậu của Đức về công nghệ số so với các cường quốc khác
Các tiến bộ của công nghệ số – từ trí thông minh nhân tạo đến robot để in 3D – sẽ làm thay đổi nền sản xuất. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về sự sẵn sàng về công nghệ số của 35 nước công nghiệp hóa. Đúc chỉ xếp thứ 17, thậm chí dưới cả nước Pháp. Những công ty công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt của nước này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng số hóa nhưng niềm tự hào của nước Đức – những công ty Mittelstand, tức là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng hầu hết lao động người Đức và chiếm hơn một nửa GDP, thì lại tỏ ra rất chậm chạp trong việc nắm bắt thời cơ của cách mạng kỹ thuật số.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa được phát triển đúng với vị thế của một cường quốc kinh tế ở châu Âu
Từ hệ thống đường xa lộ Autobahn đến đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng của Đức từng được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên điều đó không còn đúng khi nói đên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng. Dù là dịch vụ băng thông rộng tiêu chuẩn hoặc cáp quang tiên tiến, Đức bị bỏ xa so với những nước đứng đầu bảng xếp hạng. Đức chỉ xếp thứ 25 trên toàn cầu về tốc độ băng thông rộng, đứng sau cả các nước như Bulgaria, Latvia và Romania. Hiện nay, Đức chỉ có khoảng 75% các kết nối Internet sử dụng công nghệ băng thông rộng nhanh và rõ ràng, điều này là một bât lợi lớn đối với các nhà sản xuất Đức.
Sự thiếu hụt đáng báo động về nguồn nhân lực có chất lượng
Để đối phó với vấn đề này, hiện nay Đức đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách chính trị như nới rộng chính sách nhập cư cho công dân ngoài Liên minh Châu Âu, đặc biệt là thu hút, khuyến khích các tài năng, chuyên gia công nghệ thông tin từ nước ngoài đến Đức làm việc.
Theo một số dự báo, cuộc cách mạng số hóa sẽ tạo ra những thay đổi cách mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, vì thế các công ty sẽ cần tới đội ngũ công nhân với các kỹ năng hoàn toàn mới. Vậy mà, trong những năm tới, tình trạng thiếu lao động có tay nghề của Đức sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng, với mức thiếu hụt ước tính khoảng 3,3 triệu người vào năm 2040. Trong khi đó, tình hình nhân khẩu học của đất nước lại chẳng mấy khả quan. Theo dự báo của Chính phủ, có tới 30% dân số nước Đức sẽ ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên vào khoảng năm 2040, trừ khi có một dòng người nhập cư đông đảo.
- Sự chậm chạp trong thu thập và sử dụng dữ liệu
Để giữ nhịp độ ngang bằng với các đối thủ toàn câu từ châu Á và Bắc Mỹ, ngành công nghiệp Đức không những cần phải đâu tư vào công nghệ mới, mà còn phải nắm chắc vấn đề thu thập và sử dụng dữ liệu. Các sáng kiến như chương trình công nghiệp 4.0 của Chính phủ Đức chính là nhằm giúp các công ty chuyển đổi. Tuy nhiên, với tình trạng là việc thu thập các thông tin cá nhân ở Đức luôn rất nhạy cảm, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tiến độ thu thập thông tin đã tỏ ra khá chậm chạp.
- Khung giờ lao động cứng nhắc, kém linh hoạt trong kỷ nguyên số
Vì vậy, Đức đang học hỏi nhiều từ Mỹ – quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Chương trình German Silicon Valley Accelerator (tạm dịch Hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực Công nghệ thông tin), dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức, cho phép 10 doanh nghiệp mới thành lập có cơ hội sang San Francisco, bang Calfornia, Mỹ trong vòng một năm. Chương trình thường niên này được tài trợ bằng tiền ngân sách, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trình bày ý tưởng kinh doanh để tìm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế cũng như từ Mỹ và học hỏi về công nghệ và kỹ thuật từ các công ty bản địa.Thực tiễn nước Đức cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm, mà thay đổi ngay cả chính chúng ta, đòi hỏi người lao động phải có sự thay đổi một cách tích cực. Cuộc cách mạng này, tạo ra nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc sẽ ngày càng tăng lên. Cách tốt nhất, muốn không bị tụt hậu so với sự phát triển của thế giới thì chúng ta phải tìm cách hòa nhập vào thế giới ấy.Theo ông Pascal Lami, nguyên Tổng thống WTO: “Trong thời gian tới, Việt Nam nên đầu tư cho công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tôi nghĩ rằng chiến lwojc thành công để chống lại mọi rủi ro là đầu tư vào trí tuệ. Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần phát huy hơn nữa lợi thế của mình là trí tuệ và chất xám, chứ không phải lao động giá rẻ.”
- Các nhà kinh tế thế giới dự báo hiện tại thế giới đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đây được xác định là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Theo đó, Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển. Với một quốc gia đang phát triển năng động như Việt Nam, tiềm lực con người Việt nam còn vô cùng to lớn và nếu có một chiến lwojc phát triển phù hợp thì chúng ta hoàn toàn có thể đón bắt cuộc cách mạng này.
Kết luận
- Nền kinh tế thị trường xã hội đã và đang là nền tảng của xã hội Đức trong nhiều thập kỷ, giúp đảm bảo ổn định chính trị. Nhưng nó lại được thiết kế cho một xã hội, mà trong đó người lao động được làm việc toàn thời gian trong khung truyền thống là 40 giờ/tuần. Số hóa nền sản xuất chắc chắn sẽ làm thay đổi về bản chất của công việc và yêu cầu sự linh hoạt, nhạy bén hơn từ cả phía người lao động lẫn người sử dụng lao động. Các nguyên tắc về việc làm sẽ cần phải thích ứng với hoàn cảnh đó.
Nguyễn Chí Hiến, PGS. TS, Tạp chí Cộng sản
Phạm Văn Biển, Ths., Trường Chính trị Tỉnh Lâm Đồng