Năm 2019, Cục dữ trữ liên bang Mỹ đối mặt thách thức mới đó là làm sao để chèo lái nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Trong đó Ngân hàng Trung ương phải giữ cho được sự tăng trưởng ở mức vừa phải, kiềm chế được lạm phát đồng thời tránh được suy thoái. Đó cũng là chủ đề được bàn thảo tại cuộc họp kinh tế hàng năm của FED được tổ chức tại Atlanta với sự tham dự của các quan chức và cựu quan chức FED. Các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả của cuộc họp giữa Chủ tịch FED, ông Jerrome Powell với Phó chủ tịch Richard Clarida và biên bản Cuộc họp được phát hành vào thứ Tư (9/1).
Nền kinh tế Mỹ dường như không phát triển hơn, minh chứng là việc làm được tạo ra không tăng, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu vừa qua. Giá cổ phiếu và trái phiếu giảm mạnh kể từ tháng 10 năm 2018 đang chỉ ra những nguy cơ của một cuộc suy thoái khi mà các nền kinh tế thế giới, nhất là Trung Quốc đang phát triển chậm lại một cách nhanh chóng.
FED đang đứng trước những lựa chọn rất trớ trêu: Tập trung hơn nữa vào kinh tế nội địa và giữ lãi suất ngân hàng cao để chống lạm phát hay chú tâm nhiều hơn đến những vấn đề ở bên ngoài, thị trường và giữ lãi suất ngân hàng ổn định hoặc thậm chí giữ lãi suất ở mức thấp hơn.
Tình hình hiện nay phức tạp bởi các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của FED, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và việc Chính phủ bị đóng cửa.
Hiện tại, FED đang nghe ngóng thị trường và chưa có phản ứng gì để giải quyết các mối lo của các nhà đầu tư. Ông Powell nói FED sẽ kiên trì và xem nền kinh tế sẽ diễn tiến ra sao, coi đó là cơ sở để chưa nâng lãi suất. Ông Betsey Stevenson, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan, nguyên cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama nhận định: “Tôi thấy một khả năng là FED sẽ dẫn dắt kinh tế Mỹ đi qua một thời kỳ kinh tế toàn cầu suy giảm nhẹ và kinh tế Mỹ theo đó cũng chậm lại nhưng không dừng lại. Cũng có khả năng sự suy giảm kinh tế toàn cầu xấu hơn dự kiến và kinh tế Mỹ đi vào suy thoái”.
Tại cuộc họp tháng 12 này, FED đưa ra kế hoạch nâng lãi suất hai lần trong năm 2019 lên mức từ 2,75% đến 3%. Thị trường chứng khoán năm 2018 tồi tệ nhất kể từ năm 2008 với hầu hết các chỉ số đi xuống trong Quý 4. Giá dầu tháng 10 cao nhất trong nhiều năm qua và chỉ giảm mạnh vào Quý 4 do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung quá nhiều. Thị trường chứng khoán và trái phiếu rúng động khi FED siết chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương thường làm như vậy để nền kinh tế được hạ cánh mềm.
Lần này, FED cũng hy vọng làm tương tự. Tỷ lệ thất nghiệp dù tăng lên trong tháng 12 nhưng vẫn ở mức mà FED tin rằng sẽ đẩy lạm phát lên cao. Trung tuần tháng 12, FED vẫn dự đoán kinh tế tăng trưởng chậm ở mức 2,3% trong năm nay so với năm ngoái (đạt 3%), nhằm ngăn chặn kinh tế phát triển quá nóng.
Hạ cánh mềm ít khi xảy ra và thường không phải không có những đau đớn.
Năm 1994, việc tăng lãi suất không phải là nguyên nhân tạo ra suy thoái nhưng đã làm thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư trái phiếu và đẩy Quận Cam, bang California vào phá sản. Chúng cũng tác động ra bên ngoài. Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Mexico buộc Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải ra tay cứu vớt.
Vào cuối năm 2015 – đầu 2016, các thị trường biến động trước mối lo sợ rằng kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và phá giá đồng tiền của họ. Tại Mỹ, các nhà máy thu hẹp sản xuất, việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, tăng trưởng sản phẩm nội địa giảm 1,6%.
Nguyên Chủ tịch FED ông Ben Bernake nhận định sự bất ổn của thị trường hiện nay có vẻ không bình thường. Theo ông, điều đáng ngạc nhiên hơn đó là “mặc dù những hiểm họa của chiến tranh thương mại và những rủi ro khác nhưng thị trường vẫn tỏ ra phát triển tốt trong một thời gian dài như vậy”; đồng thời, FED cần phải thận trọng tránh phản ứng quá nhanh trước các chu kỳ của thị trường. Những hành động như vậy của FED sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các nhà đầu tư rằng họ có thể mạo hiểm đầu tư hơn nữa vì đã có FED đứng ra cứu vớt họ. Vào tuần trước, Apple cảnh báo về sự sụt giảm doanh thu do doanh số bán ra trên thị trường Trung Quốc giảm đột ngột, đây là một dấu hiệu cho thấy vai trò trung tâm của thị trường này đối với tăng trưởng toàn cầu.
Hai mươi năm trước, Trung Quốc chiếm 2,5% nhập khẩu của thế giới. Năm 2017, Trung Quốc chiếm 10%. Giờ đây Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của nhiều nước, là khách hàng chủ chốt của các nhà xuất khẩu Mỹ do đó Mỹ khó có thể không bị tác động khi Trung Quốc giảm tăng trưởng.
Sự phát triển của thị trường trái phiếu, theo truyền thống báo hiệu suy thoái, cũng đưa ra những cảnh báo: sự thu hẹp dần khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn. Khoảng cách này đặc biệt giãn ra khi mà FED nâng lãi suất ngắn hạn. Khi lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn, cái mà người ta thường gọi là đường cong lãi suất đảo ngược (inverted yield curve), nó thường là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế đang phát triển chậm lại và cần có một lãi suất thấp hơn. Một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong vòng một hoặc hai năm tiếp theo đó.
(Bài viết của các tác giả Greg Ip, Nick Timmiraos và Eric Morath đăng tải trên tờ Wall Street Journal ngày 07/01 do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston tổng hợp.)