Ngày 12/5/2020, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, trong tháng 4/2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1 điểm phần trăm so với tháng 3/2020 (4,3%). Mức tăng này thấp hơn dự báo của Reuters (3,7%). Cụ thể, khu vực thành thị tăng 3%, khu vực nông thôn tăng 4%; giá thực phẩm tăng 14,8%, giảm 3,5 điểm phần trăm, trong đó giá thịt gia súc tăng 66,7%, riêng giá thịt lợn tăng 96,9% (giảm nhẹ so với mức 116,4% của tháng 3 và mức kỷ lục 135,2% của tháng 2/2020)… Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2020, CPI của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn đứng trước nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn CPI tăng cao của Trung Quốc đã qua và sẽ theo xu hướng giảm trong tương lai. Dự kiến CPI trong quý III sẽ tăng khoảng 3% và quý IV tăng 1,7%.
Về chỉ số giá sản xuất (PPI), trong tháng 4/2020, PPI giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 5/2016 và thấp hơn đáng kể so với dự báo của Bloomberg trước đó là khoảng 2,5%. Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2020, PPI giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho rằng PPI giảm do sự sụt giảm của giá dầu thô và giá hàng hóa toàn cầu. Nguyên nhân chỉ số PPI giảm sâu có thể do áp lực đối với nền kinh tế trong và ngoài nước đã khiến các nhà sản xuất không thể tính giá như mong muốn đối với sản phẩm của mình.
Việc các chỉ số CPI và PPI chững lại đã cho thấy lượng cầu thấp của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi chính phủ Trung Quốc đang hy vọng rằng lượng cầu trong nước sẽ tăng nhanh để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bất ổn, những con số trên cho thấy có thể Trung Quốc sẽ cần có các biện pháp kích thích kinh tế.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia phân tích thuộc Capital Economics cho rằng, các con số PPI và CPI trong tháng 4 phù hợp với minh chứng rằng lượng cầu hiện vẫn rất thấp và hồi phục chậm hơn lượng cung; chỉ số PPI suy yếu cho thấy rằng có thể trong tháng 4 những khó khăn về tài chính đối với các hãng công nghiệp vẫn chưa được giải quyết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cuối tuần qua đã cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách để khắc phục thiệt hại kinh tế, nhưng vẫn chần chừ không muốn triển khai gói cứu trợ quy mô lớn như thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Evans-Pritchard cho rằng, với điều kiện việc làm suy yếu cùng với sự giảm mạnh nhu cầu từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ còn tạo áp lực lên giá của bên cầu thêm một thời gian nữa; bên cạnh đó, giá thực phẩm và năng lượng nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, khiến lạm phát giảm theo, điều này sẽ loại bỏ được những quan ngại của PBOC về tác động của biện pháp tiền tệ đối với lạm phát.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)