COVID-19 làm lộ những lỗ hổng của tiến trình toàn cầu hóa

0
148
Đại dịch COVID-19 đang phơi bày sự mong manh của hệ thống toàn cầu hóa. (Nguồn: Telegraph)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở thành thử thách thực sự đối với tiến trình toàn cầu hóa. Các chuỗi cung ứng quan trọng bị phá vỡ, nhiều quốc gia tích trữ nguồn y tế và áp dụng hạn chế đi lại, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đã buộc thế giới phải đánh giá lại nền kinh tế toàn cầu đa liên kết.

Đại dịch COVID-19 đang phơi bày sự mong manh của hệ thống toàn cầu hóa. (Nguồn: Telegraph)

Dễ bị tổn thương

Trên thực tế, toàn cầu hóa không chỉ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, mà còn tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các quốc gia và doanh nghiệp, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc bất ngờ. Rõ ràng, đại dịch này đang phơi bày thực tế là các công ty và quốc gia đều dễ bị tổn thương trong tình hình hiện nay.

Theo bài phân tích mới đây trên tạp chí Foreign Affairs, bài học về dịch COVID-19 để lại không phải là sự thất bại của toàn cầu hóa, mà hơn hết là sự mong manh của tiến trình này, bất chấp những lợi ích mà nó mang lại. Trong nhiều thập kỷ qua, các công ty tư nhân đã không ngừng tìm cách loại bỏ công suất dư thừa, vốn đem lại sự thịnh vượng chưa từng có. Những nỗ lực này cũng làm giảm lượng tài nguyên chưa sử dụng trong toàn bộ nền kinh tế. Trong thời điểm bình thường, công suất dư thừa được coi là thước đo nhàn rỗi, hoặc thậm chí sự lãng phí năng lực sản xuất.

Tuy nhiên đây lại là vấn đề nảy sinh trong thời kỳ khủng hoảng, việc thiếu các lựa chọn sản xuất thay thế có thể khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ, như những gì thế giới đã chứng kiến trong ngành y tế do hậu quả của virus SARS-CoV-2 gây ra. Các nhà sản xuất vật tư y tế trọng yếu “choáng ngợp” trước sự gia tăng nhu cầu toàn cầu, trong khi bản thân các quốc gia cũng cạnh tranh các nguồn tài nguyên với nhau. Kết quả này tạo ra sự thay đổi trong động lực giữa các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, khi những quốc gia có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với dịch bệnh hoặc sẽ tích trữ các nguồn lực cho chính mình, hoặc sẽ hỗ trợ cho những nước khác và mở rộng ảnh hưởng của họ trên quy mô toàn cầu.

Ý niệm truyền thống về toàn cầu hóa là tạo ra một thị trường quốc tế thịnh vượng, cho phép các nhà sản xuất xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách thay thế một nhà cung cấp này bằng một nhà sản xuất khác khi cần thiết. Chuyên môn hóa tạo ra hiệu quả cao hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng. Thế nhưng, toàn cầu hóa cũng tạo ra một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau phức tạp. Các công ty nắm bắt chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra một mạng lưới sản xuất kết nối nền kinh tế thế giới. Các linh kiện của một sản phẩm nhất định hiện có thể được sản xuất tại hàng chục quốc gia, song thúc đẩy chuyên môn hóa đôi khi lại khiến việc thay thế trở nên khó khăn, đặc biệt đối với các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao. Và khi sản xuất hướng ra toàn cầu, các quốc gia cũng trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn, khi không bên nào có thể kiểm soát tất cả hàng hóa và linh kiện mà nền kinh tế của họ cần.

Trong bối cảnh đó, đại dịch COVID-19 đang phơi bày sự mong manh của hệ thống toàn cầu hóa. Một số lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành có mức độ dư thừa cao và sản xuất được trải rộng trên nhiều quốc gia, có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này tương đối tốt. Trong khi đó, những lĩnh vực khác có thể bị đẩy đến bờ vực sụp đổ nếu dịch bệnh ngăn một nhà cung cấp sản xuất một sản phẩm quan trọng và được sử dụng rộng rãi. Một ví dụ điển hình là các nhà sản xuất ô tô trên khắp Tây Âu đang cảm thấy lo lắng trước sự thiếu hụt các linh kiện điện tử cỡ nhỏ khi công ty MTA Advanced Cars Solutions buộc phải tạm ngừng sản xuất tại những nhà máy của hãng ở Italy.

Những “bản ngã xấu xí”

Trước đây, các nhà chế tạo có thể đã xây dựng kho dự trữ vật tư để phòng vệ trong thời điểm xảy ra khủng hoảng như vậy. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, thay vì trả tiền để dự trữ các linh kiện cần thiết cho việc sản xuất một sản phẩm nhất định, các công ty phần lớn dựa vào các chuỗi cung ứng trực tiếp và kịp thời.

Một khi đại dịch toàn cầu xảy ra, yếu tố “kịp thời” nhanh chóng trở thành “quá muộn”, một phần là do các hệ quả về chuỗi cung ứng. Ước tính, sản lượng điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu có thể giảm 12% trong quý này, trong bối cảnh phần lớn các linh kiện đều được chuyên môn hóa sản xuất bởi một vài nhà sản xuất châu Á.

Tình trạng “thắt cổ chai” trong sản xuất cũng đang cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19. Các vật tư y tế quan trọng để chế tạo bộ dụng cụ xét nghiệm mà các phòng thí nghiệm sử dụng để phát hiện virus đang cạn kiệt hoặc hết hàng ở nhiều quốc gia. Khi virus SARS-CoV-2 lây lan, một số chính phủ bộc lộ những “bản ngã xấu xí” của mình.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là nhà sản xuất chủ chốt khẩu trang y tế, chiếm khoảng một nửa sản lượng toàn cầu. Dịch bệnh lây lan tại Trung Quốc buộc chính phủ nước này phải đẩy mạnh sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời nhập khẩu một lượng lớn khác từ nước ngoài. Trung Quốc chắc chắn cần số khẩu trang y tế này, nhưng kết quả của làn sóng thu mua này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung khác. Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế. Đức cũng có động thái tương tự, cho dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), vốn luôn tự hào là thị trường chung duy nhất và không giới hạn giao thương tự do giữa các quốc gia thành viên. Nhiều quan chức EU phàn nàn rằng những hành động như vậy sẽ làm suy yếu sự đoàn kết và ngăn cản EU áp dụng cách tiếp cận chung để chống lại chủng virus mới, song những cảnh báo này nhanh chóng bị phớt lờ.

Chính sách “bần cùng hóa láng giềng” (thu lợi quốc gia dựa trên việc làm tổn hại đến lợi ích các nước khác) có nguy cơ leo thang khi cuộc khủng hoảng trở nên ngày càng khốc liệt, bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong nguồn cung cấp trang thiết bị y tế khẩn cấp. Vấn đề trở nên rất nghiêm trọng đối với Mỹ, khi nước này đã chậm trễ trong việc áp dụng chính sách nhất quán đối với đại dịch COVID-19. Không có gì ngạc nhiên khi Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng biện minh cho hành động rút khỏi các thỏa thuận thương mại toàn cầu, cho rằng Washington cần phải đưa các chuỗi cung ứng thiết yếu trở lại nước Mỹ.

Trong khi Chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng đại dịch để kéo lùi hội nhập toàn cầu, Trung Quốc lại đang sử dụng khủng hoảng để thể hiện vai trò sẵn sàng lãnh đạo của mình. Là quốc gia đầu tiên bùng phát đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã hứng chịu nhiều đau đớn và thiệt hại trong ba tháng qua. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang bắt đầu hồi phục, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang chống chọi với dịch bệnh này. Điều đó đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất Trung Quốc, khi tìm cách tăng cường hoạt động trở lại nhưng phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ yếu từ các nước đang gặp khủng hoảng.

Mặt khác, hậu dịch COVID-19 cũng mang lại cho Trung Quốc một cơ hội to lớn để tác động đến hành vi của các quốc gia khác. Bất chấp những sai lầm ban đầu, Bắc Kinh đã học được cách chống lại chủng virus mới này và đây chính là những kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc. Khi Italy gặp khó khăn trong đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc đã ngỏ lời hỗ trợ và cung cấp trang thiết bị y tế. Rõ ràng, Bắc Kinh đang tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy thiện chí và mở rộng ảnh hưởng của mình.

Khi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đối phó với dịch COVID-19, họ sẽ phải đối mặt với thực tế là nền kinh tế toàn cầu sẽ không còn vận hành như họ từng nghĩ. Toàn cầu hóa đòi hỏi sự chuyên môn hóa ngày càng tăng của lao động giữa các quốc gia, một mô hình tạo ra hiệu quả phi thường, nhưng cũng có những “lỗ hổng” rất lớn.

Các cú sốc như đại dịch COVID-19 đã phơi bày những “lỗ hổng” này. Tình trạng chuyên môn hóa sản xuất có thể tạo ra sự mong manh bất ngờ trong những thời điểm khủng hoảng, khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều lỗ hổng khác bị phơi bày. Kết quả có thể là một sự thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu. Một khi sức khỏe và sự an toàn của người dân bị đe dọa, các quốc gia có thể quyết định chặn xuất khẩu hoặc nắm bắt các nguồn cung cấp quan trọng, sẵn sàng làm tổn thương các đồng minh và nước láng giềng. Đại dịch COVID-19 đang định hình lại yếu tố địa-chính trị của toàn cầu hóa và sự thoái lui của toàn cầu hóa vô hình trung sẽ trở thành một công cụ gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với các quốc gia có tiềm lực.

Việt Khoa

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here