Trong những năm qua, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế tại địa phương, công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh đã thu được nhiều thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý báu, là cơ sở để công tác đối ngoại của tỉnh trong thời gian tới không ngừng đổi mới, đảm đương tốt nhiệm vụ đi trước, mở đường và tạo lập môi trường ổn định, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII đã xác định mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại là: Tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí của tỉnh là cửa ngõ giao lưu chính của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và là mắt xích quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam – ASEAN với Trung Quốc… Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tiếp tục xác định: Phát huy tối đa vai trò cửa ngõ, đầu mối quan trọng của ASEAN với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác biên giới, hợp tác kinh tế cửa khẩu; tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch… Trong triển khai thực hiện, công tác đối ngoại của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc, tỉnh đã bám sát định hướng“Chú trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung đường biên giới”, tỉnh đã triển khai hợp tác toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, qua đó đã gắn kết hoạt động hợp tác quản lý biên giới với phát triển kinh tế, văn hoá và an ninh, quốc phòng của hai bên. Đặc biệt hai bản hợp tác đã ký (năm 2015, 2016) giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây là cơ sở quan trọng cho quá trình thúc đẩy hợp tác toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng, xây dựng khu hợp tác qua biên giới Móng Cái – Đông Hưng, kết nối hạ tầng giao thông, hợp tác quản lý lao động qua biên giới, thương mại, du lịch, giáo dục, đào tạo… Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Đông về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu xây dựng Đặc khu kinh tế; cơ chế hợp tác trong hành lang kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh… Thông qua các quan hệ hợp tác này, tỉnh Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam – ASEAN – Trung Quốc.
Trong quan hệ hợp tác với Lào, trên tinh thần hữu nghị đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh và thắt chặt quan hệ kết nghĩa với 3 tỉnh Bắc Lào (Hủa Phăn, Luang Prabang, Xayaburi). Trên cơ sở các bản hợp tác đã ký, tỉnh Quảng Ninh và ba tỉnh Bắc Lào thường xuyên có các hoạt động trao đổi đoàn cũng như các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng nhân kỷ niệm các ngày lễ, Quốc khánh, Tết cổ truyền, ngày kiến giao của hai nước… Với các hoạt động thiết thực từ phía tỉnh Quảng Ninh như hàng năm hỗ trợ đào tạo 30 suất học bổng cho sinh viên Lào học tập tại tỉnh Quảng Ninh; ủng hộ 20 tỷ đồng để xây dựng trường học tại tỉnh Luang Prabang, Xayaburi; xây dựng “Công viên Hữu nghị Quảng Ninh – Hủa Phăn”… đã thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó, bền chặt đối với các địa phương của Lào.
Bên cạnh những đối tác truyền thống, tỉnh Quảng Ninh đã nắm bắt và khai thác các lợi thế của tỉnh để tăng cường thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác mới, tiềm năng như: San Diego (Hoa Kỳ), Dubai (UAE), Phúc Kiến (Trung Quốc), Shizuoka, Osaka (Nhật Bản), Jeju (Hàn Quốc), Zanzibar (Tanzania), Irkutsk (Nga)…
Trong hợp tác đa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tham gia nhiều thể chế và diễn đàn hợp tác như: Hợp tác Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam- Trung Quốc, Ủy ban công tác liên hợp giữa Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây với bốn tỉnh Việt Nam, hợp tác trong Diễn đàn Du lịch Đông Á (EATOF), tham gia Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới… Khuôn khổ hợp tác trong các diễn đàn đa phương đã mở rộng biên độ hội nhập, tạo thế đan xen lợi ích, củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh phát triển.
Với vai trò là đại diện một số hoạt động đối ngoại của Trung ương tại địa phương, tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương đón nhiều đoàn khách quốc tế và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện đảm bảo nghi lễ đối ngoại, trọng thị và giới thiệu với bạn bè và cộng đồng quốc tế về một hình ảnh Quảng Ninh năng động và mến khách. Hình ảnh và vị thế của tỉnh đã được nâng cao trong nước và trên cả diễn đàn khu vực và thế giới. Với tiềm năng, thế mạnh cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế.
Sức mạnh của đối ngoại
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác đối ngoại của Quảng Ninh ngày càng diễn ra sôi nổi, cả bề rộng và chiều sâu. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo: Chương trình hành động của Tỉnh ủy số 17-CTr/TU ngày 10/7/2013 và Kế hoạch số 2346/QĐ-UBND ngày 09/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 15/8/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Đây là những văn bản chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, làm rõ và thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế của tỉnh và thành lập ba Tiểu ban Chỉ đạo liên ngành về các lĩnh vực: (i) Chính trị, an ninh, quốc phòng; (ii) Kinh tế; (iii) Văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo nhằm vận hành linh hoạt bộ máy phục vụ công tác hội nhập quốc tế trên phạm vi toàn tỉnh. Nhận thức, tư duy và hành động về hội nhập quốc tế không ngừng được nâng cao, đồng thời nhận diện được các lợi thế của tỉnh là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi, hoạt động thương mại biên giới sôi động…, trong những năm qua, tỉnh đã chủ động hội nhập để phát triển. Kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước, quy mô và tiềm lực kinh tế tiếp tục tăng, GRDP giá hiện hành năm 2015 đạt khoảng 100.300 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD, gấp 1,76 lần so với năm 2010 và gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước. GRDP theo kế hoạch năm 2016 tăng 10 đến 10,5%. Thu ngân sách luôn đứng trong nhóm năm tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách trong cả nước với tổng thu ngân sách năm 2015 đạt trên 34.000 tỷ đồng, trong đó xuất nhập khẩu đạt 14.302 tỷ đồng và thu nội địa đạt 19.771 tỷ đồng. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quy trình thủ tục hành chính về dự án đầu tư được rút ngắn thời gian (giảm 55% thời gian) so với quy định của Chính phủ. Chỉ số PCI năm 2013, 2014 đều đứng trong tốp năm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đặc biệt năm 2015 Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ ba và là tỉnh có chỉ số PCI cao nhất trong khu vực phía Bắc.
Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao để phục vụ phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với hàng trăm lượt các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Điểm nhấn của ngoại giao kinh tế là các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh. Tại các hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, biên bản ghi nhớ với các nội dung về phát triển du lịch, nông nghiệp, môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và hợp đồng với các đối tác nước ngoài về lập tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, và các quy hoạch vùng tỉnh khác… Hiệu ứng tích cực sau mỗi hội nghị được minh chứng bằng số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đã tăng lên rõ rệt. Tính đến tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh có 119 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 5,5 tỷ USD; 11 dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang được thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 4.800 tỷ đồng. Các dự án cơ bản triển khai thực hiện tốt, phù hợp với mục tiêu viện trợ; vận động 93 dự án và tổng giá trị viện trợ 11,7 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến từ Mỹ, Australia, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Canada, Liên hợp quốc…
Hội nhập trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo và các lĩnh vực khác gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội có nhiều tiến bộ. Văn hóa đối ngoại được triển khai dưới nhiều hình thức như thường niên tổ chức Lễ hội Hoa Anh đào; Lễ hội Carnaval Hạ Long; Hội thi giao lưu hát đối hữu nghị Việt – Trung trên sông biên giới; cử các đoàn nghệ thuật tham gia các sự kiện văn hoá ở nước ngoài; hợp tác văn hóa với Quảng Tây, Hải Nam (Trung Quốc), Gangwon (Hàn Quốc), Luang Prabang (Lào), Cebu (Philippin), Nhật Bản… đã làm cho văn hoá trở thành sức mạnh mềm với nhiệm vụ mở đường cho quan hệ của tỉnh Quảng Ninh và địa phương, đối tác nước ngoài, là chất xúc tác thúc đẩy ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, là công cụ quảng bá mạnh mẽ văn hoá và hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh. Trong lĩnh vực giáo dục, các chương trình hợp tác đào tạo ở nước ngoài của tỉnh ngày càng được mở rộng như: Chương trình hợp tác đào tạo với thành phố Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông, Bắc Kinh (Trung Quốc); thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo tại Singapore, Đức, New Zealand, Australia…
Là địa phương có đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển với Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng phát triển kinh tế – xã hội gắn với công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ then chốt như: sử dụng nguồn vốn địa phương và đầu tư từ Trung ương để tăng cường phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào biên giới và dân tộc, chăm lo đội ngũ già làng, trưởng bản vùng dân tộc ít người và vùng biên giới; đẩy mạnh việc gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Về cơ bản quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Năm nhiệm vụ quan trọng
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước. Xây dựng thành công Đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển toàn diện sau năm 2030. Cùng với đó là mục tiêu tích cực, chủ động xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đây là nhiệm vụ lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất: Thực hiện tốt phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các hoạt động đối ngoại. Chú trọng phát triển quan hệ toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trên cơ sở thực hiện các bản thỏa thuận đã ký. Đẩy mạnh hợp tác xây dựng và phát triển các khu kinh tế biên giới, hợp tác kinh tế cửa khẩu. Tăng cường hợp tác với các địa phương của các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các nước khu vực Đông Nam Á (Lào, Campuchia), các nước khu vực Châu Âu, Mỹ, các nước trong diễn đàn EATOF. Phát huy tối đa vai trò cửa ngõ, cầu nối quan trọng giữa ASEAN với Trung Quốc.
Thứ hai: Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với địa phương các nước có điều kiện tương đồng với tỉnh. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tập trung quảng bá hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh tới các nước trên thế giới qua đó hình thành mối quan hệ chắc chắn với các đối tác kinh tế có uy tín, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới với hình thức và mức độ phù hợp nhằm tạo thế đan xen về lợi ích và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ ba: Thực hiện tốt công tác đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh. Phối hợp với Trung ương tổ chức tốt các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa đối ngoại tại địa phương. Triển khai thực hiện kế hoạch ngoại giao văn hóa của tỉnh cũng như các hướng dẫn của Trung ương nhằm đưa các nét văn hóa, truyền thống độc đáo của tỉnh Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế, làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại, cơ hội giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực.
Thứ tư: Tăng cường phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút Kiều bào về đầu tư và phát triển tại quê hương; quản lý các chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài đảm bảo yêu cầu về chính trị đối ngoại và đúng quy định pháp luật.
Thứ năm: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh thông qua việc đổi mới và xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với đường lối của Đảng, với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch về phẩm chất, vững mạnh về chuyên môn, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại giỏi ngoại ngữ, tinh thông nghiệp vụ để đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để công tác đối ngoại của tỉnh thu được nhiều kết quả hơn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh trân trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách về Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc); tạo điều kiện về nguồn lực trong việc xây dựng các công trình biên giới, cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng và các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu để tỉnh Quảng Ninh thực sự trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cầu nối thị trường ASEAN với Trung Quốc.
Bước vào nhiệm kỳ đại hội mới – thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, trên đà kết quả đạt được, dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ và sự quản lý thống nhất của chính quyền, tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn tin tưởng công tác đối ngoại trong thời gian tới sẽ được thực thi đồng bộ, phát huy tối đa sức mạnh để phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
UBND tỉnh Quảng Ninh.