Công nghệ Trung Quốc trước sức ép tấn công của Mỹ

0
172
Chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang (Nguồn: The Economist)

Gần đây, Mỹ đã phát động làn sóng gây sức ép nhằm vào lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) của Trung Quốc, theo đó không chỉ các chi nhánh ở nước ngoài mà ngay cả công ty mẹ của TikTok và WeChat  tại Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi bị bao vây và phong tỏa. Một số chính khách Mỹ còn ra sức mở rộng sáng kiến “Mạng sạch”, tấn công các doanh nghiệp mạng và KHCN của Trung Quốc.

Chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang (Nguồn: The Economist)

Mỹ tấn công toàn diện lĩnh vực công nghệ Trung Quốc
Đầu tháng 8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tấn công các doanh nghiệp KHCN Trung Quốc thông qua việc ký hai sắc lệnh hành chính, cấm người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance và công ty mẹ của WeChat là Tencent kể từ ngày 21/9. Cùng thời gian này, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật cấm nhân viên Chính phủ liên bang sử dụng thiết bị được trang bị để tải các phần mềm ứng dụng như TikTok hay WeChat do các công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp. Trước đó, vào tháng 7/2020, Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật tương tự. Hiện nay, các dự luật liên quan chỉ còn chờ lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và đệ trình Tổng thống Mỹ ký ban hành. Một trong những nội dung nổi bật của dự luật này là cấm quan chức Chính phủ Mỹ, nghị sỹ Quốc hội và người làm công cho Chính phủ và Quốc hội Mỹ dùng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác để tải phần mềm ứng dụng TikTok cũng như các chương trình ứng dụng khác do doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp.

Không chỉ chính phủ, mà ngay cả người dân Mỹ cũng bắt đầu có những hành động đối phó với TikTok. Gần đây, một đài truyền hình Mỹ đưa tin, trong một năm qua có khoảng 20 bạn trẻ tại bang California và Illinois thông qua cha mẹ mình tiến hành tố cáo tập thể với nội dung: TikTok đánh cắp các thông tin cá nhân như nhận diện khuôn mặt, địa điểm và người liên lạc của họ, thậm chí còn có cả thông tin về tín ngưỡng tôn giáo và giới tính, đồng thời chuyển dữ liệu này về Trung Quốc khi chưa nhận được sự đồng ý. Giới phân tích quốc tế cho rằng hành động Mỹ tấn công và vây hãm lĩnh vực KHCN của Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi công nghệ 5G, lan sang lĩnh vực an ninh mạng cũng như như các chương trình ứng dụng mạng. Theo đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc sẽ gặp nhiều trở ngại tại thị trường nước ngoài trong tương lai. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông, nền tảng mua bán trực tuyến, kỹ thuật điện toán đám mây và xây dựng cáp quang của Trung Quốc sẽ đối diện với những thách thức lớn khi mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Tẩy chay các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc là hành động cho thấy Tổng thống Donald Trump tiếp tục nâng cấp tiến trình “loại bỏ Trung Quốc”. Học giả Trung Quốc đang sống tại Mỹ, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Trung Quốc thuộc dự án pháp trị của Hiệp hội Luật sư Mỹ, Ngu Bình phân tích, sau khi sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ có hiệu lực, hoạt động cung cấp dịch vụ tại Mỹ của Wechat là phạm pháp, và các doanh nghiệp Mỹ hợp tác với WeChat cũng là phạm pháp. Nghĩa là Chính phủ Mỹ sẽ thực thi lệnh cấm toàn diện đối với TikTok và WeChat. Lý do được đưa ra là TikTok và WeChat đã tự động thu thập lượng lớn dữ liệu thông tin của người dùng, trong khi đây là điều luật pháp Mỹ nghiêm cấm.
Công nghệ mạng của Trung Quốc gặp thách thức ở nước ngoài

Theo một báo cáo nghiên cứu mới nhất của Morgan Stanley, trong các doanh nghiệp mạng Trung Quốc, thì Tập đoàn YY có khoảng 7% thu nhập từ thị trường Mỹ. Trong số các doanh nghiệp phần mềm, Agora (thành lập năm 2013, cung cấp nền tảng tương tác thời gian thực trên mạng trong phạm vi toàn cầu) là doanh nghiệp có tỷ lệ thu nhập tại Mỹ cao nhất (Agora) lên đến 8%. Mặc dù Tencent có khoảng 2% thu nhập tại Mỹ…, nhưng nếu như các nước khác cũng thắt chặt hoạt động của các doanh nghiệp KHCN Trung Quốc, thì ảnh hưởng tới thu nhập của Tencent có thể lên đến 8%.

Hiện nay, tài sản ở nước ngoài của Tencent lên đến khoảng 500 tỷ nhân dân tệ, các ứng dụng trò chơi của WeChat thuộc Tencent có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, nếu như các nước phương Tây và Ấn Độ cùng liên kết tẩy chay WeChat, thì tiềm lực tăng trưởng lâu dài của Tencent sẽ giảm mạnh. Thực tế cho thấy, ngày 6/7, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cấm WeChat tại Mỹ, giá cổ phiếu của Tencent đã giảm 0,98%. Còn đối với Alibaba, do nghiệp vụ thương mại điện tử cơ bản là tại Trung Quốc, nên ảnh hưởng không lớn. Một doanh nghiệp khác của Trung Quốc mà phía Mỹ chú ý là Công ty mạng cáp quang biển Huawei. Các quan chức tình báo Mỹ từng nêu rõ, Công ty mạng cáp quang biển Huawei hiện có khoảng 100 tuyến cáp quang đáy biển, chiếm gần 25% lượng cáp quang biển toàn cầu và đây là hiểm họa rình rập lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông của Trung Quốc cũng bị cấm cửa tại Mỹ, như nghiệp vụ B2B (Business to Business, hình thức kinh doanh thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) cung cấp thông tin giữa Trung Quốc với bên ngoài cho các doanh nghiệp thương mại điện tử của China Telecom.

Phó giáo sư gốc Hoa của trường Đại học Clemson (Clemson University) của Mỹ, Từ Gia Kiện nhận định, do sự vây hãm của Mỹ, doanh nghiệp KHCN Trung Quốc sẽ không còn cơ hội dựa vào việc bỏ thầu giá rẻ để giành được các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mạng như lắp đặt hệ thống cáp quang, các trạm phát sóng hay cung cấp dịch vụ mạng không dây tại thị trường nước ngoài, dẫn đến tiềm lực tăng trưởng giảm mạnh, ngay cả các chương trình ứng dụng mạng. Điều đáng nói là các doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ có kế hoạch cấm cửa đều là doanh nghiệp “đầu tàu” của Trung Quốc, và thị trường nước ngoài là một trong những điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp này. Dự báo, trong tương lai thị trường nước ngoài  của các công ty này có thể sẽ bị thu hẹp, thậm chí ngay tại các nước dọc  theo sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) cũng sẽ gặp thách thức lớn.

Sức ép tâm lý lớn về thiệt hại kinh tế
Theo giới phân tích quốc tế, thu nhập từ thị nước ngoài của Tencent chỉ là một bộ phận nhỏ của tập đoàn này. Tuy nhiên, hành động của Mỹ khiến Tencent chịu sức ép tâm lý lớn khi muốn mở rộng nghiệp vụ tại thị trường nước ngoài. Tổng giám đốc Vlam Asset Manangement Limited của Hong Kong, Lâm Thiếu Dương nhận định, trên 95% thu nhập của Tencent là ở thị trường Trung Quốc, tỷ lệ thu nhập tại thị trường nước ngoài chỉ khoảng 4%, trong đó tại Mỹ chỉ khoảng 2%. Do vậy, hành động này của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến Tencent, nhưng sức ép tâm lý sẽ rất lớn, thị trường lo ngại sẽ còn nhiều biện pháp trừng phạt tiếp theo của Mỹ nhằm vào Tencent. Còn đối với TikTok của ByteDance, sắc lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump chính là ép ByteDance nhanh chóng hoàn tất thương vụ bán toàn bộ TikTok cho Microsoft của Mỹ. Trước đó Microsoft cho biết sẽ hoàn tất thương vụ đàm phán mua lại TikTok trước ngày 15/9, bao gồm mua lại nghiệp vụ của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, tiến tới mua lại nghiệp vụ của TikTok trên toàn cầu, bao gồm cả tại Ấn Độ và châu Âu.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), Tôn Hưng Kiệt nhận định, Mỹ tấn công TikTok và Wechat là có ba lý do chủ yếu. Một là, tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc trước bầu cử. Hai là, các chính khách Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo lấy danh nghĩa an ninh quốc gia để tấn công TikTok và WeChat, trên thực tế là bôi nhọ doanh nghiệp Trung Quốc, gắn mác không tin cậy đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN của Trung Quốc thông qua cái gọi là chiến tranh lạnh Trung-Mỹ. Ba là, tiếp theo sau tranh chấp về chủ quyền đất liền (Hong Kong), chủ quyền biển (Biển Đông), công nghệ mạng trở thành tiêu điểm mới của cuộc đọ sức Trung-Mỹ. Việc TikTok và WeChat bị tấn công cho thấy chỉ cần doanh nghiệp Trung Quốc trở thành đầu tàu trong bất kỳ lĩnh vực nào, thì Mỹ đều không thể chấp nhận và bị tấn công là điều không thể tránh khỏi.

Chuyên gia Tôn Hưng Kiệt cho rằng một chi tiết đáng chú ý là nội bộ Nhà Trắng đã xuất hiện tiếng nói bất đồng về vấn đề tấn công TikTok, như cố vấn thương mại của Nhà Trắng, Peter Navarro phản đối các doanh nghiệp Mỹ như Microsoft mua lại TikTok. Vì thế, từ một góc độ khác có thể thấy, hành động tấn công TikTok lần này là một phần kết quả từ sự hỗn loạn của bầu cử Mỹ. Khác với Huawei liên quan đến công nghệ then chốt và người tổ chức chuỗi cung ứng, TikTok chỉ là công nghệ ứng dụng mạng hoặc là sản phẩm đã được thị trường hóa. Mỹ sẽ còn nhiều đòn tấn công nhằm vào Trung Quốc, nhưng quan hệ Trung-Mỹ vẫn giữ được lằn ranh đỏ. Hai nước đều nhận thức rõ lằn ranh đỏ của quan hệ hai nước được thể hiện trên hai phương diện. thứ nhất, chiến tranh không phải là sự lựa chọn của hai bên. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các cường quốc hạt nhân chưa từng bùng nổ chiến tranh; thứ hai, hai bên tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế thương mại. Mặc dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước gặp phải một số khó khăn, nhưng đang được quán triệt thực hiện, đây là nhận thức chung vốn có của hai bên.

Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Lưu Khúc so với  Huawei, hành động tấn công của Mỹ đối với TikTok càng không có giới hạn. Việc trực tiếp thông qua phương thức sắc lệnh hành chính, không chỉ phá vỡ các nguyên tắc pháp lý nền tảng của thương mại quốc tế, mà còn phá vỡ giới hạn giữa Chính phủ Mỹ với thị trường, điều này cũng có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với Mỹ. Lưu Khúc cho rằng Trung Quốc sẽ không hành động ngang ngược như Mỹ, nhưng cũng không để bị Mỹ dắt mũi.

Nhìn từ cấp độ chiến thuật, Trung Quốc giống như đang ở trong thế phòng thủ, nhưng chỉ cần bảo đảm duy trì xu hướng phát triển như hiện nay, bên bị động là Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung xây dựng cục diện phát triển mới “tuần hoàn kép”, vòng tuần hoàn lớn trong nước và vòng tuần hoàn quốc tế tương tác thúc đẩy lẫn nhau, trong đó vòng tuần hoàn lớn trong nước đóng vai trò chủ thể để từng bước tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, Mỹ mới bất chấp thủ đoạn phá hoại tiến trình phát triển của Trung Quốc. Lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc hiện nay là Mỹ cứ tấn công, còn Trung Quốc cứ phát triển.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here