Cộng đồng doanh nghiệp – Đại sứ lan toả “sức mạnh mềm” văn hoá Việt Nam với thế giới

0
6
Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước. (Nguồn: talentbold)

Tại Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với Doanh nghiệp lần thứ tư diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô.

Theo bà Thủy, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, Việt Nam đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới.

Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam”.

Với kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam hơn 30 năm, ông Hong Son, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, vai trò văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài trước hết phải chú trọng chữ Tín, đó cũng là cái gốc của văn hóa kinh doanh.

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần thêm sự tự tin để vươn ra biển lớn”, ông Hong Son nhấn mạnh.

Từ góc nhìn truyền thông, ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề cập cách tiếp cận bao quát về văn hóa doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa.

Ông Lê Quang Minh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ ở một thế giới phẳng như bây giờ, vì vậy, họ cần sẵn sàng tâm thế để cạnh tranh, để hòa nhập và phát triển. Hành trình này cần vai trò của truyền thông, góp phần tìm tiếng nói chung cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh hòa nhập toàn cầu.

Còn ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thì nhấn mạnh về những yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường hoạt động đa văn hóa nhằm góp phần tạo nên sự hòa hợp và sức mạnh tổng hợp.

“Doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hợp tác, đồng thời phát huy sức mạnh nội lực để tương tác với đối tác một cách bình đẳng. Sự am hiểu về văn hóa làm việc của nhau là điều rất quan trọng”, ông Hội nói.

Với PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), điều cần kích hoạt, lan tỏa hiện nay là văn hóa sáng tạo trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, từ đó để kịp thời nắm bắt xu thế mới của thế giới.

“Văn hóa sáng tạo của doanh nghiệp cần chú trọng cả những yếu tố dám làm, dám chịu rủi ro, có tính khác biệt, và tất cả cần dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ”, ông Vũ Văn Tích chia sẻ.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here