Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Belarus năm 2016 đạt 94,5 triệu USD (xuất khẩu 2,5 triệu USD, nhập khẩu 92 triệu USD). Riêng quý I/2017 đạt 37,7 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,4 triệu USD và nhập khẩu đạt 36,3 triệu USD. Các thỏa thuận ký kết được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Belarus, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Nhiều tiềm năng phát triển
Việt Nam và Belarus có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt. Các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế-thương mại như Hiệp định EAEU và Nghị định thư Việt Nam-Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Hiện Việt Nam xuất sang Belarus chủ yếu là thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính…
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Belarus các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất… Hai bên phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á-Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.
Trả lời báo chí Belarus trước chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Belarus có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả hơn trong thời gian tới; tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc, sự tin cậy chính trị và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Belarus, những kết quả hợp tác tích cực đạt được trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế – thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu và Nghị định thư Việt Nam – Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Cần đứng vững trên sân nhà
Rõ ràng, việc “bắt tay” với EAEU sẽ mở ra cơ hội “vàng” với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp, bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ chính EAEU để đứng vững trên “sân nhà”.
Tại kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học- kỹ thuật được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus Vladimir Semashko hài lòng và ghi nhận hợp tác giữa Việt Nam và Belarus về kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật đang từng bước được mở rộng, đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, FTA giữa Việt Nam và EAEU đã có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc FTA giữa Việt Nam-EAEU có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà hiệp định mang lại, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam và Belarus sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại đầu tư, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Theo nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Belarus Lê Ánh, Belarus coi Việt Nam là đối tác kinh tế thương mại truyền thống và quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Thông qua Việt Nam, bạn muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN. Đồng thời, thông qua Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu (trong đó có Belarus) mà Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập tham gia, chúng ta mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại với khu vực này.
Theo Đại sứ Lê Ánh: “Sau khi Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10/2016, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc trao đổi, ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Belarus đã triển khai thời gian qua như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than, Khoáng sản, Tổng Công ty lương thực Miền Nam… Liên doanh lắp ráp ô tô tải và ô tô buýt Belarus-Việt Nam tại Việt Nam cũng đang được khẩn trương xây dựng và có sản phẩm ra mắt tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Triển vọng hợp tác hai nước còn rất lớn, đặc biệt đối với Việt Nam là sản phẩm nông nghiệp, còn Belarus là hàng công nghiệp chế tạo”