Cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019

0
90

Theo dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%. Còn theo kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF), nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,84% ở kịch bản cơ sở và 7,02% ở kịch bản cao. Đồng thời, việc chúng ta cam kết và thực hiện mở cửa quốc tế với những hiệp định thương mại như CPTPP, FTA… đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng ẩn chứa thách thức lớn với thị trường nội địa, sức cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Bài viết này phân tích một số cơ hội và thách thức, đồng thời đặt ra nhiệm vụ phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

1. Cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019
Thứ nhất, năm 2019, CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam, kèm theo đó là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn trong việc thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên, nhất là các ngành sản xuất, dịch vụ như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo…

Đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế, đặc biệt đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU và các nước thành viên với giá cả cạnh tranh hơn. Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội này để thu hút đầu tư FDI của các nước thành viên. Một nền kinh tế mà thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài thì sẽ có cơ hội để cải thiện sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, thông qua thành viên của hiệp định mới là ở các nước có nền kinh tế phát triển cao, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chúng ta sẽ học tập, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành hệ thống pháp luật nước ta, cũng như việc quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, chúng ta mở rộng được quan hệ đối ngoại, tránh việc phụ thuộc vào một vài cường quốc khác, dễ bị chi phối về kinh tế.

Ngoài ra, mở cửa hội nhập sẽ giúp chúng ta tiếp nhận được kinh nghiệm mới trong công tác quản lý, tiếp thu công nghệ mới, là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Theo đánh giá, CPTPP giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,32% tương đương 1,7 tỷ USD, việc làm tăng từ 20.000 đến 26.000 lao động mỗi năm, số người nghèo giảm 0,6 triệu người cho đến năm 2030, xuất khẩu tăng 4-6%/năm.

Thứ hai, kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2018 là điều kiện thuận lợi, tạo đà cho tăng trưởng năm 2019. Năm 2018, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao; trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm đã đề ra. Tăng trưởng kinh tế GDP đạt mức cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-6,7%), gắn liền với cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng bước đầu được cải thiện theo hướng bền vững, hiệu quả, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tạo ra động lực mới để phát triển.

Thứ ba, kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được đảm bảo, lạm phát được dự báo trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì tốt, dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức cao là căn cứ để đảm bảo tỷ giá và lãi suất không có biến động quá lớn là điều kiện thuận lợi ổn định kinh tế vĩ mô giúp cho tăng trưởng kinh tế 2019.

Thứ tư, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ hơn khi Việt Nam buộc phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, FTA về cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời Chính phủ cũng đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

2. Thách thức cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019
Việc Mỹ cấm vận đối với Iran gây ra thực tế giá dầu giảm mạnh. Trong giai đoạn 2019-2020, biến động đối với mặt hàng nhiên liệu sẽ vẫn là ẩn số. Nhiều chuyên gia nhận định có thể đẩy giá dầu đạt mức 100 USD/thùng, đồng thời cảnh báo không nên đặt nhiều kỳ vọng vào Saudi Arabia, nước được cho là sẽ giúp bình ổn giá dầu thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến Việt Nam do Việt Nam là một nước nhập khẩu ròng đối với mặt hàng xăng dầu. Hàng năm, Việt Nam đã nhập khẩu ròng xăng dầu các loại khoảng 4,5-5 tỉ đô la Mỹ, kết quả này có nghĩa là giá dầu càng cao thì thâm hụt thương mại đối với mặt hàng này sẽ càng lớn.

Đồng thời, giá dầu tăng cao sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình, đối với Việt Nam, trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người/GDP còn thấp, sự tác động của giá dầu khi tăng cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, vì giá năng lượng thường ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Brexit hỗn loạn của Anh hay tình trạng nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng tới thương mại đầu tư, cũng như tăng trưởng của thị trường trong nước, căng thẳng thương mại cùng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan đang ngày càng gia tăng là một xu thế điển hình. Điều này là do nhiều quốc gia đang tăng cường bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Rộng hơn nữa, cuộc chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường đối với thị trường ngoại hối, tài chính, từ đó ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Với độ mở kinh tế lên tới 90% của nền kinh tế hiện nay, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có thể chịu tổn thương nặng nề trước các cú sốc tài chính, thương mại nếu nền tảng trong nước không vững chắc.

Bên cạnh đó việc thực thi FTA, CPTPP sẽ tạo ra những tác động tích cực thông qua việc giảm thuế quan cho các doanh nghiệp Việt Nam vào các thị trường đối tác. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ tác động từ các biện pháp phi thuế quan sẽ không nhiều bởi các hàng rào bảo hộ như an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, nguyên tắc xuất xứ… gia tăng. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí này thì sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu, dù là có FTA.

Thậm chí, mô hình tăng trưởng mặc dù có sự cải thiện song chưa rõ rệt, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn lực như vốn đầu tư và tín dụng, trong khi chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực này chưa cao. Điều này là do tình trạng lãng phí, thất thoát, chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng vẫn chưa được giải quyết căn bản. chất lượng thể chế quản lý đầu tư công Việt Nam còn chưa tốt so với thông lệ quốc tế mặc dù Luật Đầu tư công đã được ban hành. Cùng với đó, sự sụt giảm tỷ trọng đầu tư công chưa đi cùng với gia tăng tương xứng của đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Cơ cấu vốn đầu tư chậm thay đổi, vốn đầu tư Nhà nước chiếm 37,6%. Chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học – công nghệ ở mức thấp có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế và khả năng thu hút các dòng vốn tới Việt Nam. Chỉ có trên 23% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Trong số lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì có hơn 50% thuộc nhóm trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chiếm 5,6%. Cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Đánh giá nhân viên trong thời đại số, doanh nghiệp nhận định người lao động còn yếu ở các kỹ năng sử dụng công nghệ tự động hóa, phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống, với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 35,7%, 21,7%, 17,9%. Lãnh đạo các doanh nghiệp đều thừa nhận công nghệ di động (mobility), cảm biến thông minh (smart sensors) và điện toán đám mây (cloud computing) là 3 công nghệ mang lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp với xu hướng gia tăng đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho những công nghệ tiên tiến này còn quá thấp.

Hiện tại, có đến gần 40% doanh nghiệp chưa đầu tư cho bất kỳ công nghệ nào. Có đến 50% doanh nghiệp cho rằng kết quả sản xuất, kinh doanh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định, 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.

Về tổng thể, NCIF nhận định, tăng trưởng năm 2019 có thể vẫn giữ mức cao nhờ kế tiếp đà tăng từ năm 2018, nhưng trong trung và dài hạn, khi nền kinh tế trong nước “ngấm đủ” tác động từ bên ngoài sẽ dẫn tới những hệ quả lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế và chuỗi sản xuất trong nước, lúc đó mới là ảnh hưởng lớn nhất. Đặc thù nền kinh tế Việt Nam khi gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh, trong khi chuyển hóa được các cơ hội lại chậm. Vì thế, nếu không tranh thủ giai đoạn này tích lũy các thuận lợi để tạo nền tảng vững vàng thì sẽ khó chống chịu được các cú sốc trong thời gian tới.

3. Nhiệm vụ cho Việt Nam trong năm 2019
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 8/11/2018; theo đó 12 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6% – 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% – 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% – 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1% – 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% – 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24% – 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; Phấn đấu thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế; tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,5%…

Để thực hiện được những chỉ tiêu đề ra, năm 2019 và tiếp theo, Việt Nam tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./.

ThS. Đoàn Trần Nguyên
Khoa Kinh tế cơ sở, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here