Cơ hội để ổn định thị trường dầu mỏ thế giới

0
183
Đây là thời điểm chín muồi để Nga có thể sắp sếp lại các trật tự trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là vấn đề thị phần.

Sau nhiều bất đồng, Saudi Arabia và Nga đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô “lịch sử” trong cuộc họp trực tuyến của OPEC cùng các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, còn gọi là OPEC+. “Cuộc chiến” giá dầu Nga-Saudi Arabia khép lại mở ra hy vọng về sự ổn định trên thị trường dầu mỏ thế giới, trong bối cảnh thị trường này đang rơi vào khủng hoảng sau khi giá dầu giảm sâu do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Đây là thời điểm chín muồi để Nga có thể sắp sếp lại các trật tự trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là vấn đề thị phần.

Một “cuộc chiến” dầu mỏ
Thời gian qua, sự bùng phát dịch COVID-19 khiến hoạt động đi lại trên toàn cầu bị dừng lại đột ngột, nhu cầu đối với nhiên liệu cho máy bay, xăng và dầu diesel giảm mạnh và làm giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ (tới 30 triệu thùng/ngày tương đương 30%), từ đó tác động nghiêm trọng tới giá dầu thế giới trong khi chuỗi sản xuất vẫn không thay đổi. Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 23% và giá dầu Brent Biển Bắc giảm tới 25%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, đưa giá dầu về gần mức 30 USD/thùng. Điều này đòi hỏi các nước đã từng ký kết bản Tuyên bố hợp tác, tìm cách khôi phục sự ổn định và đưa thị trường dầu mỏ thế giới về thế cân bằng.
Trước thực trạng này, Ủy ban kỹ thuật thuộc Liên minh OPEC+ muốn giảm sản lượng dầu mỏ để ổn định giá dầu, đồng thời khuyến nghị các nước tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 0,6-1,0 triệu thùng/ngày trong quý II/2020. Theo đó, các nước OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,7 triệu thùng/ngày so với mức khai thác vào tháng 10/2018 và sẽ giữ nguyên mức này cho tới cuối năm nay.

Trên thị trường dầu mỏ thế giới, Nga và Saudi Arabia có vai trò đặc biệt quan trọng. Saudi Arabia là nước xuất khầu dầu mỏ lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), còn Nga – một nước ngoài OPEC nhưng có vai trò quan trọng không kém trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ. Hai nước từng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong việc duy trì trần khai thác nhằm kiểm soát giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ tại Vienna, Áo ngày 6/3 vừa qua, các nước tham dự đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác nhằm bình ổn giá dầu sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Cụ thể, OPEC do Saudi Arabia đứng đầu đề xuất các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, cắt giảm sản lượng thêm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, hết hạn vào cuối tháng 3/2020, cho đến cuối năm nay để thích nghi với đà đi xuống của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh.

Tuy nhiên, đề xuất trên của Riyadh và các nước thành viên OPEC đã không nhận được sự ủng hộ của Nga. Nga tuyên bố từ ngày 1/4, sẽ không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng. Việc Nga không thông qua đề xuất trên của OPEC đã khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và Nga, được ký kết năm 2017, chính thức kết thúc. Sau thông tin về kết quả cuộc họp tại Vienna, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 9% xuống còn 45,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 10,1% xuống mức 41,28 USD/thùng. Đáp trả động thái từ phía Nga, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm mạnh giá bán và tăng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Iraq, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố giảm giá bán dầu. Như vậy, một cuộc chiến giá dầu đã diễn ra đúng thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng và trở thành đại dịch.

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia lao sâu khi ngày 30/3, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5 đồng thời khẳng định sẽ không một mình chịu trách nhiệm giảm sản lượng trong khi các nhà sản xuất khác không tuân thủ việc cắt giảm.

Các chuyên gia cho rằng, đằng sau quyết định không thông qua đề xuất của OPEC là một sự toan tính chiến lược của Nga. Đã từ lâu Nga muốn duy trì và mở rộng ảnh hưởng trên thị trường năng lượng thế giới. Và đây là thời điểm chín muồi để Nga có thể sắp sếp lại các trật tự trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là vấn đề thị phần. Cũng nhân cơ hội này, Nga muốn giáng thêm một đòn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, khiến vị thế của nước này không còn được duy trì. Còn về phía Saudi Arabia, từ trước đến nay, nước này luôn muốn nắm quyền lực trong việc điều phối các động thái cắt giảm sản lượng của các nước OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác. Saudi Arabia quyết định tăng sản lượng dầu, một mặt ép Nga quay trở lại bàn đàm phán, mặt khác nhằm đến ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và thoát khỏi sự “chỉ đạo” của Mỹ đối với các nước OPEC.

Thị trường hỗn loạn

Việc OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, không đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã gây lo ngại về nguy cơ leo thang của cuộc chiến giá dầu khiến giá dầu toàn cầu rơi vào hỗn loạn, đồng thời tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu cuộc chiến giá kéo dài và vượt tầm kiểm soát. Người đứng đầu Cơ quan Năng lương Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu mỏ của thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày, hay 20% tổng cầu, trong bối cảnh 3 tỷ người hiện đang chấp hành các lệnh phải ở trong nhà do dịch COVID-19.

Cú sốc kép từ dịch COVID-19 và sự gia tăng nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga sau khi hai nước này không thể đi đến thỏa thuận giới hạn sản lượng đã khuấy đảo các thị trường dầu thô vốn đã mất khoảng một nửa giá trị trong tháng 3. Trong khi đó, nhà phân tích về năng lượng Carsten Fritsch của Commerzbank Research cho rằng trong khi nhu cầu đang giảm do những hạn chế ngày càng được thắt chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, hành động của Saudi Arabia và Nga có thể được cho là “hành động tự hủy diệt”.

Trên thực tế, sau bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia về cắt giảm sản lượng dầu mỏ, giá dầu thế giới đã sụt giảm mạnh. Với Saudi Arabia, các chuyên gia đánh giá, Saudi Arabia đã tích trữ đủ nguồn tiền cho phép duy trì giá dầu ở mức thấp, nhưng ngành năng lượng nước này chiếm tới khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu và 2/3 nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, nếu giá dầu không phục hồi và chỉ bằng một nửa mức giá có thể cân bằng ngân sách (mức giá để cân bằng ngân sách khoảng 84 USD/thùng), nền kinh tế Saudi Arabia sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, với kịch bản giá dầu Brent ở mức 35 USD/thùng, ngân sách của Saudi Arabia trong năm nay có thể thâm hụt hơn 100 tỷ USD. Trong khi đó, giá dầu thô được dự báo có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Điều đó khiến nền kinh tế Saudi Arabia chịu nhiều tổn thất và tham vọng cải tổ nền kinh tế khó có thể được thực hiện.

Không giống như Saudi Arabia, với dự trữ dầu mỏ và khí đốt lên tới hơn 150 tỉ USD, Nga có đủ nguồn dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong 6-10 năm, ngay cả khi giá dầu thô dao động từ 25-30 USD/thùng, mặc dù mức giá ấy không tối ưu để cân bằng ngân sách. Về lý thuyết, ngân sách của Nga hiện đang cân bằng khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng với sản lượng hiện nay. Giảm sản lượng dầu mỏ sẽ khiến giá dầu tăng trong dài hạn nhưng cũng khiến doanh thu từ dầu mỏ của Nga suy giảm trong ngắn hạn.

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia không chỉ ảnh hưởng tới hai nước này mà còn được dự báo sẽ ảnh hưởng tới cả Mỹ. Phần lớn sản lượng dầu mỏ của Mỹ đến từ các nhà sản xuất dầu đá phiến, nhiều công ty trong số này hiện rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Giá dầu mỏ thấp có thể vĩnh viễn xóa sổ những người chơi yếu nhất và làm suy giảm nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ trong một thời gian dài. Việc tăng sản lượng khai thác của Saudi Arabia và Nga, sẽ khiến giá dầu tiếp tục hạ thấp, có thể xuống mức 20 USD/thùng, buộc các công ty dầu đá phiến Mỹ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải phá sản.

Thêm một thỏa thuận “lịch sử” Nga-Saudi

Trong nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ vốn đang rơi vào khủng hoảng sau khi giá dầu giảm sâu, ngày 9/4, Saudi Arabia và Nga đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô “lịch sử” trong cuộc họp trực tuyến của OPEC cùng các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, còn gọi là OPEC+. Cụ thể, Nga và Saudi Arabia đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng, từ ngày 1/5 tới. Trong đó, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày. Các thành viên khác trong OPEC+ đồng ý cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước khác cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày.

Chi tiết cuối cùng của thỏa thuận sơ bộ này vẫn chưa được hoàn tất, song tờ Arab News dẫn các nguồn từ Saudi Arabia cho hay các chi tiết này có thể được công bố trong cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia giữ chức Chủ tịch, được tổ chức trong ngày 10/4.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga, thành viên nhóm đàm phán của Nga, ông Kirill Dmitriev cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng và lịch sử, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra, chúng ta đã đồng ý gạt bỏ bất đồng và thúc đẩy thỏa thuận bao gồm các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu thô khác”.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Saudi Arabia và Nga đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô không những được đánh giá là “cài đặt” lại liên minh OPEC+, trong bối cảnh Saudi Arabia và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng dẫn đến cuộc chiến giá dầu, mà còn giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ cũng như ổn định thị trường năng lượng toàn cầu vốn đang chao đảo do giá dầu sụt giảm mạnh hiện nay và hạn chế các vấn đề tiêu cực đang xảy ra và tránh các tác động không mong muốn về ngắn, trung và dài hạn với thị trường dầu mỏ thế giới.

Thanh Lâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here