Cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh Thương mại leo thang

0
138
(ảnh đại diện)
(ảnh đại diện)

Việt Nam có lẽ là nước duy nhất có cái nhìn lạc quan ở mức độ nhất định đối với căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ do các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm chuỗi cung ứng mới để đối phó với rào cản thuế quan. Việt Nam, với đặc điểm dân số lớn, chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng như hiện nay đang có lợi thế trong việc tranh thủ những bất ổn từ cuộc thương chiến này.

Năm 2018, FDI của Việt Nam tăng 9%, đạt 19,1 tỉ USD và là năm tăng trưởng thứ 6 liên tiếp. Các nhà sản xuất và bán lẻ lớn như Foxconn, Samsung, Nitendo, Apple và Fast Retailing đã bắt đầu chuyển dịch hoặc đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng tăng vốn đầu tư hơn 100% chỉ trong năm 2018, đưa Trung Quốc từ vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 lên thứ 3 tại thị trường này.

Tuy nhiên, dịch chuyển địa chính trị cho Việt Nam những cơ hội trong ngắn hạn, nhưng cũng tạo ra những nguy cơ dài hạn. Các nhà phân tích đã cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc thương chiến và những hạn chế của Việt Nam hiện nay, bao gồm hệ thống luật pháp lỏng lẻo và trình độ sản xuất thấp. Ngoài ra vấn đề  chất lượng lao động cũng cần được lưu ý. Việt Nam còn thiếu một đội ngũ công nhân có tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. 40% các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự. Một đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm cho phép các thể chế không thuộc nhà nước cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng, tạo điều kiện cho thanh niên dễ tham gia vào đội ngũ lao động hơn, qua đó giải quyết được sự thiếu hụt về kỹ năng.

Ngoài ra, với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, công nghệ tự động hóa sẽ hạn chế những lợi ích Việt Nam có thể gặt hái từ việc mở rộng sản xuất. Các nhà máy sẽ cần ít lao động hơn, sẽ cần các công việc có mức lương cao hơn cho các kỹ thuật viên có tay nghề, thậm chí từ nước ngoài. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này một cách bền vững, Việt Nam, khác với Trung Quốc không thể phụ thuộc vào quy mô thị trường rộng lớn để khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài trụ lại, dù lương chi trả gia tăng. Thêm nữa, việc tập trung quá nhiều vào các nhà máy sẽ tạo ra một lực lượng công nhân chỉ có thể làm việc trong các công xưởng sản xuất, thiếu các kỹ năng hiện đại, và rồi sẽ bị tụt hậu sau một thời gian ngắn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, gần đây, Đại diện ILO ghi nhận Chính phủ Việt Nam quan tâm thúc đẩy phát triển các kỹ năng về dịch vụ khách sạn,  dịch vụ số và nông nghiệp công nghệ cao. Những năm qua, ngành dịch vụ tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đạt tỉ lệ 41% trong nền kinh tế (2018), sau đó là ngành sản xuất chiếm 35%. Tăng trưởng FDI được dẫn dắt bởi nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm điện tử, tự động, thiết bị y tế và dệt may. Nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội, từ tỉ lệ 42% năm 1989. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng như gạo, cà phê, điều, tiêu; và nông nghiệp vẫn tiếp tục tạo thêm công ăn việc làm trong các lĩnh vực chế biến thức ăn và đóng gói. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục đầu tư về giáo dục, chú trọng vào đào tạo một loạt các kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu hiện nay của công nghiệp và yêu cầu của nền kinh tế tương lai, thay vì chỉ tập trung tận dụng Cuộc chiến Thương mại Trung-Mỹ hiện nay.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here