Nhìn lại thành quả mở cửa thị trường nông sản năm 2022, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, đàm phán có quá trình tích lũy từ nhiều năm trước nhưng năm 2022 các loại nông sản được sự chấp thuận khá nhiều của các nước.
Đồng thời đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; xuất khẩu lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang… sang Trung Quốc và mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Dù kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về mặt cơ cấu, sản xuất đối mặt với giá vật tư, nguyên liệu đầu tăng cao; thị trường bị tác động bởi xung đột Nga – Ukraine, chính sách bảo vệ sản xuất của một số nước; yêu cầu nhập khẩu ngày một khắt khe… nhưng năm 2022 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều kỷ lục mới được ghi nhận trên các mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê… thị trường nước ngoài, đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt. Điển hình như sầu riêng, khoai lang, tổ yến… vào Trung Quốc; bưởi sang Mỹ; nhãn sang Nhật Bản; chanh, bưởi sang New Zealand…
Năm 2023 được dự báo, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực mở cửa nhiều thị trường hơn với nhiều mặt hàng hơn.
Tuy nhiên, nhận định về tình hình, ông Hoàng Trung nhấn mạnh đến “quan trọng là những gì đã mở cửa được phải duy trì bền vững và mở rộng thị phần. Vào được một thị trường mới là thành công của đàm phán, nhưng giữ được và phát triển mới là thành công của ngành hàng đó”.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những yêu cầu bắt buộc liên quan đến kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Gắn theo từng yêu cầu thị trường, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp đều hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, nông dân xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện có trên 300.000 ha cây trồng đã có mã số vùng trồng.
Để đáp ứng nhu cầu nông dân, doanh nghiệp và mở rộng thị phần xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã phân cấp, hướng dẫn cho các đơn vị chuyên môn ở địa phương thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Với cách làm như vậy, diện tích được cấp mã số vùng trồng sẽ được mở rộng nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này cũng góp phần định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cơ cấu thị trường, mà nhiều sản phẩm trái cây hay lúa gạo của Việt Nam đã đặt chân được vào châu Âu – nơi mà trước đây Thái Lan “thống trị”. Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục đa dạng thị trường, bao gồm cả Trung Quốc; tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch gồm cả đóng gói, bao bì…
Đối mặt với các rủi ro chung, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất làm sao đảm bảo sản phẩm giữ được chữ tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để xuất khẩu loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu rất lớn.
Ngành nông nghiệp đã tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau; hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về việc đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới tại tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” tổ chức ngày 28/10, ông cho biết “chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè, ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt. Khi nào đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến.
“Nhiều khi chúng ta hào hứng quá, chúng ta quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường”, Tổng Tư lệnh ngành Nông nghiệp nói.
Năm 2022, ngành nông nghiệp tháo gỡ nhiều rào cản thương mại và mở cửa nhiều thị trường, nhờ đó xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 53,22 tỉ USD. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.
Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có kim ngạch trên trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước. Ngành tích cực tháo gỡ các rào cản thương mại, nhờ đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.
Cụ thể, ngành đã đẩy mạnh thực hiện các đề án như: thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ, xây dựng báo cáo Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ và Tổ điều hành thị trường trong nước.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu; ứng phó linh hoạt với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Chu Văn