Chuyên gia quốc tế: Đã đến lúc Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh bền vững

0
64
Tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyên gia Kauujnni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), và Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP), mới đây đã có bài phân tích đăng trên tờ Asia Times (Hong Kong), chỉ ra tầm quan trọng của việc Việt Nam lập kế hoạch phát triển bền vững nền kinh tế xanh, đảm bảo các lợi ích mà đại dương mang lại cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.

Theo bài viết, ở Việt Nam, kinh tế biển và các tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần một nửa GDP. Bao phủ hơn 3/4 hành tinh, các đại dương hấp thụ tới 30% lượng khí carbon do con người tạo ra – một vùng đệm lớn trước tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Giống như không khí sạch và nước ngọt, đại dương là lợi ích công cộng toàn cầu. Không gì sánh được với đại dương với vai trò là một hệ sinh thái quan trọng và lớn nhất trên hành tinh. Hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào các hệ sinh thái biển, ven biển và đa dạng sinh học để kiếm sống.

Nền kinh tế xanh toàn cầu – gồm dầu và khí đốt, nghề cá, du lịch biển và ven biển, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo và các hệ sinh thái biển và ven biển – đóng góp khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP của thế giới. Với bờ biển dài hơn 3.000 km, kinh tế biển và các tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần một nửa GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, các đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, mất oxy và nóng lên. Nếu không được kiểm soát, điều đó sẽ tác động tàn phá đối với cả cuộc sống dưới biển và cuộc sống trên đất liền, cuối cùng là sự tồn tại của con người và hành tinh của chúng ta.

Các đánh giá gần đây cho thấy mực nước biển dâng 1m sẽ ảnh hưởng đến 11% dân số Việt Nam và 7% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mực nước biển dâng, biến đổi khí hậu cuối cùng có thể khiến 38‐46% dân số Việt Nam phải hứng chịu lũ lụt.

Ngoài ra, ô nhiễm đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa, đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người và sinh vật biển. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra hàng năm, trong đó chỉ 10-15% được tái chế. Khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra đại dương mỗi ngày.

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam quyết tâm đóng góp một phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đang xây dựng các kế hoạch mạnh mẽ để phát triển bền vững nền kinh tế xanh, đảm bảo các lợi ích mà đại dương mang lại có thể được bảo vệ, gìn giữ và cải thiện để cung cấp cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.

Đây sẽ là chìa khóa quan trọng nếu Việt Nam đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) làm việc với các đối tác để xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho kinh tế biển.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang hỗ trợ VASI xác định 6 ngành kinh tế biển và hình dung tiềm năng của nền Kinh tế Xanh của đất nước bằng cách đánh giá sự đóng góp của các ngành này đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Các dự án khác của UNDP trong nước, như quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM) – kết hợp quản lý các hoạt động của con người với bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng – hỗ trợ phát triển bền vững, gồm quản lý vùng biển và ven biển, lưu vực sông và các hệ sinh thái liên quan khác.

Trong khi Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cũng như phát triển năng lượng tái tạo – đặc biệt là gió ngoài khơi và các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng sinh học và du lịch – điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác.

Vì lý do này, cần có quy hoạch không gian biển quốc gia mạnh mẽ và toàn diện, gồm cả quy hoạch tổng thể vượt qua ranh giới cấp tỉnh, có thể giúp Việt Nam tập trung ưu tiên đầu tư công và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ xanh phát thải carbon thấp, các lĩnh vực như năng lượng gió và thủy triều ngoài khơi, công nghiệp, giao thông vận tải và du lịch biển.

Việc thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên vẫn là điều cần thiết, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ và quy mô cao hơn dự đoán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Chỉ cần một chút chậm trễ, những kế hoạch và hành động này có thể là quá muộn.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể và đáng ghi nhận trong việc thiết lập một hệ thống khu bảo tồn toàn diện, cho đến nay là16 khu vực biển như phá Tam Giang – Cầu Hai ở miền Trung.

Khoảng 12 triệu ha đất ngập nước trên toàn quốc cung cấp nguồn sinh kế chính và thu nhập bổ sung cho khoảng 20 triệu người, đóng vai trò là vùng đệm chống triều cường và bể chứa carbon, đồng thời ngăn chặn xâm nhập mặn.

UNDP đang hỗ trợ phục hồi và tái sinh 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và sinh kế.

Điều quan trọng là thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ, dân tộc thiểu số cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác trong nền kinh tế xanh, gồm cơ hội trong các hoạt động liên quan đến biển, để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế và xã hội của họ, đồng thời cho phép họ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng cơ hội cống hiến.
Cần đảm bảo rằng phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến đại dương là điều cơ bản để bảo vệ nền kinh tế xanh. Đây là thách thức không chỉ đối với chính phủ và người dân Việt Nam, mà đối với cả thế giới.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here