Chuyên gia Nhật Bản: Triển vọng trong quan hệ thương mại Việt- Hàn

0
242

Những năm gần đây, trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các ngành nghề công nghiệp, sử dụng nhiều công nghệ mang tính sáng tạo, đồng thời mở rộng hoạt động tại Việt Nam để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng đề ra chính sách hướng Nam mới, trong đó đề cao quan hệ giữa Hàn Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.

Theo phân tích của nghiên cứu viên cấp cao Hidehiko Mukoyama thuộc Viện nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa quan hệ với ASEAN và Ấn Độ lên ngang mức độ với 4 cường quốc trên thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc tập trung mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực mà các nước ASEAN và Ấn Độ cần như giao thông, năng lượng, quản lý nguồn nước, thành phố thông minh hay xe ô tô thế hệ mới.

Xem xét mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và ASEAN một cách tổng quát, Hàn Quốc có xu hướng chú trọng Việt Nam hơn cả. Kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN năm 2019. Tổng kim ngạch các dự án xây dựng, đầu tư trực tiếp hay viện trợ chính phủ ODA của Hàn Quốc tính theo mức lũy kế dành cho Việt Nam cũng lớn nhất.

Hiện có rất nhiều tập đoàn chủ chốt của Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, tạo ra một ấn tượng rằng Việt Nam như một “Hàn Quốc thu nhỏ”. Đáng chú ý nhất, trong những năm gần đây, các hãng xe Hàn Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện và nâng cao thị phần tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài chính nước này cũng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng tới 34 lần kể từ năm 2000. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Việt Nam hiện đang là điểm xuất khẩu số 3 của Hàn Quốc trong 2 năm trở lại đây, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ và dự kiến ​​sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2020. Hàn Quốc từ năm 2014 đến đã vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam (tính lũy kế).

Qua theo dõi động thái liên quan đến đầu tư trực tiếp cũng như kết quả các cuộc khảo sát, có thể thấy rõ một xu hướng rằng, sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, việc quá thiên vào thị trường Việt Nam cũng cần chú ý tới những nguy cơ nhất định.

Thứ nhất, hoàn toàn có khả năng xảy ra mâu thuẫn về thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Kể từ năm 2000 đến nay, thâm hụt trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng tăng, đặc biệt là dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump với chính sách trừng phạt kinh tế Trung Quốc. Bởi vậy, doanh nghiệp Trung Quốc đã lách lệnh trừng phạt bằng cách “xuất khẩu vòng” sang Việt Nam, từ đó xuất khẩu sang Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam từ mức 39,5 tỷ USD trong năm 2018 đã tăng vọt lên 55,8 tỷ USD trong năm 2019, mức tăng chỉ kém so với Mexico. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ, do đó, khi bất bình đẳng thương mại xảy ra, Mỹ sẽ gia tăng sức ép với Việt Nam và đã có những dấu hiệu cho thấy điều này.

Thứ hai, khi thúc đẩy chính sách hướng Nam mới, cũng cần có một chính sách đối ngoại cân bằng hơn nữa trong tương quan quan hệ với Việt Nam và các nước ASEAN khác. Có như vậy, chính sách hướng Nam mới mới có thể thành công.

Vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cần đa dạng hóa hơn nữa các thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam như một biện pháp dự phòng và điều này rất phù hợp với chính sách hướng Nam mới. Để mở rộng quan hệ với các nước ngoài Việt Nam, việc tăng cường hợp tác về giao thông, năng lượng, quản lý nguồn nước, thành phố thông minh hay xe ô tô thế hệ mới… là chìa khóa nắm giữ thành công./.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here