Chuyên gia HSBC: Doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để bắt kịp nhu cầu khách hàng

0
63
Tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất truyền thống. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Ông Bùi Duy Khánh, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp, Khối thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) riêng quý III/2023 đạt 5,33%, GDP 9 tháng tăng 4,24%. Như vậy, khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm 2023 có thể chưa đạt được.

Tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất truyền thống. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Triển vọng kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Outlook) 2024 diễn ra gần đây.

Theo ông Khánh, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự ảnh hưởng từ xuất nhập khẩu và các nhóm ngành phụ trợ. Nhưng hiện tại, hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều đang suy giảm.

Khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới chưa hồi phục sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, HSBC đưa ra kỳ vọng cho năm nay không quá lạc quan, vẫn còn áp lực cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, gần đây, áp lực lạm phát đã tăng trở lại, hiện khoảng 3,6%, do giá lương thực, thực phẩm và giá dầu đang chững lại.

Tuy nhiên, theo quan điểm của HSBC, mục tiêu 4,5% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra sẽ được kiểm soát tốt.

Mục tiêu mà HSBC đề ra là lạm phát kiểm soát dưới 3,4%, có nghĩa lạm phát đang tương đối trong tầm kiểm soát, khi chi phí đầu vào cũng như các yếu tố bất ổn tác động đến giá hàng hóa, lương thực thực phẩm cũng như các yếu tố tác động trong tương lai gần.

Với bối cảnh lạm phát như vậy, Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, bằng cách đưa ra lãi suất điều hành ngày càng giảm. Với lạm phát trong tầm kiểm soát, lãi suất cơ bản đang ở mức thấp, HSBC kỳ vọng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất điều hành nào nữa từ phía Ngân hàng Nhà nước mà sẽ duy trì như mức hiện tại.

Cũng theo Ngân hàng này, cán cân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm tương đối tốt. Đặc biệt, nguồn tiền đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất, khoảng 80-85%.

Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp, Khối thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam kỳ vọng: “Các nhà đầu tư nước ngoài với những dự án dài hơi và ngành hàng mang tính thiết yếu sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Kỳ vọng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam khả quan hơn trong thời gian tới”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất truyền thống.

“Doanh nghiệp càng lớn thì lượng đơn hàng sụt giảm càng sâu do sức mua kiệt quệ. Sự phục hồi ở một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới là ‘đốm sáng’ trong bức tranh chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cơ hội nào cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều bạn trẻ có kiến thức và sự nhạy bén đã khởi nghiệp rất thành công. Nhiều startup khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên bản địa cho ra các sản phẩm giá trị cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới được thị trường đón nhận tích cực”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, lượng đơn hàng lớn sẽ khan hiếm trong thời gian tới nhưng số lượng đơn hàng nhỏ sẽ tăng lên. Giải pháp cho các doanh nghiệp hiện nay chính là nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để bắt kịp nhu cầu khách hàng.

Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống cũng phải cập nhật, đón đầu các xu hướng và cải tiến sản phẩm, tận dụng mọi cơ hội vượt qua thách thức trước mắt.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here