Theo The New York Times, ngày 12/12/2024, Giáo sư về quan hệ quốc tế KM Seethi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và mở rộng khoa học xã hội liên trường đại học (IUCSSRE), Đại học Mahatma Gandhi (MGU) cho rằng, việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai được đánh giá là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với thế giới. Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tập trung vào những thay đổi lớn, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực cốt lõi như an ninh quốc gia, địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Tình hình địa chính trị thế giới
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Một kịch bản được nhiều chuyên gia dự đoán là sự thỏa hiệp về lợi ích giữa Kiev và Moscow. Ukraine có thể phải nhượng bộ một số khu vực, còn Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục duy trì vai trò trung gian hòa giải.
Đối với châu Âu, ông Donald Trump sẽ tiếp tục có chính sách để các quốc gia thành viên NATO gia tăng chi tiêu quốc phòng. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump từng yêu cầu các nước NATO phải chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Sang nhiệm kỳ thứ hai, những quyết sách của ông có thể sẽ mạnh mẽ hơn, nhằm tăng cường lực lượng quân sự của châu Âu và tái áp dụng nghĩa vụ quân sự ở một số quốc gia.
Ở Trung Đông, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ tiếp tục ủng hộ Israel trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas leo thang và Hezbollah, Iran ngày càng gia tăng can thiệp. Ông Donald Trump sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia của Mỹ và Israel. Song song với đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế xung đột giữa các bên.
Chính sách kinh tế Mỹ – Siêu cường sản xuất
Về kinh tế, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ ưu tiên chiến lược đưa Mỹ trở thành “siêu cường sản xuất”, tập trung vào sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vị Tổng thống tái đắc cử được dự kiến sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp tiên tiến đầu tư vào Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách kinh tế hướng nội có thể kéo theo những điều chỉnh thuế quan mới, gây ra những ảnh hưởng thương mại, đặc biệt với Ấn Độ và một số đối tác lớn. Dù vậy, với kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Ấn Độ đạt 118 tỷ USD và mục tiêu lên 1.000 tỷ USD, cả hai bên sẽ phải tìm cách cân bằng lợi ích và thúc đẩy hợp tác.
Một điểm đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump là cách thức sử dụng truyền thông. Vị Tổng thống Mỹ thứ 47 sẽ tiếp tục tận dụng các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là X (Twitter) – công cụ giao tiếp trực tiếp với người dân mà ông đã sử dụng hiệu quả từ trước. Tỷ phú Elon Musk, người sở hữu nền tảng X và là người ủng hộ mạnh mẽ ông Donald Trump, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ sinh thái truyền thông toàn cầu, biến X thành một “nguồn thông tin theo thời gian thực”.
Trong nỗ lực cải cách bộ máy chính phủ, tỷ phú Elon Musk được dự đoán sẽ đứng đầu một cơ quan đặc biệt do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thành lập nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm ngân sách liên bang khoảng 2.000 tỷ USD. Ngoài ra, tiền điện tử cũng có thể là một trong những lĩnh vực được chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thúc đẩy hợp pháp hóa. Mặc dù còn nhiều thách thức, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho tiền điện tử sẽ là một ưu tiên đáng chú ý trong nhiệm kỳ mới.
Đồng USD và bài toán chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Đồng USD hiện đang nhận được sự chú ý lớn từ thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp nhậm chức vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, những chính sách kinh tế sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tạo ra các tác động hai chiều, vừa thúc đẩy giá trị đồng bạc xanh trong ngắn hạn, vừa đặt ra các thách thức tiềm ẩn cho tương lai.
Trong ngắn hạn, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá nhờ các động lực mạnh mẽ từ cả trong và ngoài nước. Theo các bài viết trên nền tảng Truth Social, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu mới, bao gồm mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng mức thuế 10% đối với Trung Quốc.
Những thuế quan này sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao, buộc người tiêu dùng Mỹ chuyển sang ưu tiên sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp cao và công suất sản xuất nội địa khó mở rộng trong ngắn hạn, một sự mất cân bằng cung cầu là khó tránh khỏi. Khi đó, giá trị đồng USD sẽ phải tăng để khuyến khích nhập khẩu trở lại, giúp cân bằng thị trường. Sự gia hạn các chính sách cắt giảm thuế từng là dấu ấn trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng áp lực lên đồng bạc xanh.
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ mang lại những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, từ an ninh, địa chính trị, kinh tế đến truyền thông. Những chính sách mới với sự ưu tiên lợi ích quốc gia có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đối với nước Mỹ và toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, sự thành công trong các chính sách mới của ông Donald Trump sẽ phụ thuộc vào khả năng triển khai hiệu quả các chính sách đã đề ra, đồng thời là sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế.