Tổng thể không chỉ là tổng của tất cả các mối quan hệ riêng. Người ta kỳ vọng rằng, một Việt Nam hùng mạnh, có vị trí chiến lược ở phía Nam Trung Quốc, sẽ ở vị thế tốt hơn theo đuổi chính sách đa phương nhằm cân bằng Trung Quốc mà không gây ra xung đột.
Trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong 50 năm qua, với tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 – 30/11 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Bài phân tích của Nghiên cứu viên cao cấp Ấn Độ S D Pradhan trên tờ Times of India cho rằng, Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhật Bản-Việt Nam (CSP) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mối quan hệ hợp tác nâng cao được đánh dấu bằng thỏa thuận được ký kết gần đây trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước (27-30/11/2023), tượng trưng cho 3 ý nghĩa:
Thứ nhất, CSP có ý nghĩa to lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Với vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong ASEAN và vị trí chiến lược của nước này, tất cả các bên liên quan trong đó có Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ lâu đã tìm kiếm sự ủng hộ của Việt Nam cho tầm nhìn của FOIP. Việt Nam đã nâng tầm quan hệ với 3 nước thuộc nhóm “Bộ tứ” và Hàn Quốc. Với Australia và Singapore, Việt Nam sẽ sớm nâng cấp quan hệ lên mức này.
Tất cả các quốc gia này và một số thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philippines đều quan ngại trước chính sách của Trung Quốc và mong muốn có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Điều quan trọng là Việt Nam cũng có mức độ hợp tác tương tự với Trung Quốc và Nga, cho phép nước này đóng vai trò then chốt trong việc quản lý các vấn đề nhằm tránh xung đột. Nhật Bản cũng đã tương tác với Hàn Quốc và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Điều này tạo thành một đòn bẩy bổ sung đảm bảo rằng tình hình vẫn nằm trong giới hạn có thể quản lý được.
Nhật Bản và Việt Nam, trong khi nâng cấp quan hệ, nhấn mạnh quan điểm của tất cả các nước đều quan tâm đến hòa bình. Họ nhấn mạnh không nên có bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS và tự do hàng hải, hàng không. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, không phương hại đến quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. Nhật Bản bắt đầu tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam mở đường cho sự hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực như thương mại và an ninh khi Tokyo tìm cách đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Bước đi này đưa Nhật Bản trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Mối quan hệ giúp gắn kết hơn nữa với Việt Nam trong việc hoạch định chính sách hòa bình và kiểm soát sự quyết đoán của Trung Quốc. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản bao gồm chính sách kiềm chế Trung Quốc.
Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và năm 2023, thương mại song phương đạt 50 tỷ USD. Hai nhà lãnh đạo quyết định tăng cường hơn nữa “mối liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế”. Có sự thống nhất quan điểm giữa hai quốc gia.
Nhật Bản muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc, trong khi Việt Nam đang tìm cách giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phía Bắc. Giờ đây, Nhật Bản sẽ ở vị thế tốt hơn để chuyển công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam và có được chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Thứ ba, sự nâng cấp này chứng tỏ rằng Việt Nam đang theo đuổi chính sách đa phương một cách cân bằng bằng cách phát triển quan hệ với tất cả các nước mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Bên cạnh đó, mối quan hệ giúp ích nhiều hơn nữa cho Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hai bên quyết định tăng cường hiệu quả của các cơ chế đối thoại, tham vấn quốc phòng giữa hai nước và chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng cho Bộ Quốc phòng. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải thông qua đào tạo chung, chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực giữa Lực lượng Cảnh sát biển của hai nước. Việt Nam cũng dự kiến được hưởng lợi từ chương trình viện trợ quân sự mới của Tokyo, được gọi là Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA). Điều có thể dẫn đến nhiều cuộc tập trận, tuần tra chung, chia sẻ thông tin và tăng cường hỗ trợ để xây dựng năng lực phòng thủ của Việt Nam. Nó cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida hứa hỗ trợ “một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, công nghiệp hóa và hiện đại với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045”. Nhật Bản cũng cam kết thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng quy mô lớn tại Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA. Hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản theo chiến lược hợp tác phát triển mới của Nhật Bản, bao gồm “Đồng sáng tạo cho sáng kiến chương trình nghị sự chung” trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe. “Tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ” và “Thúc đẩy nguồn nhân lực có trình độ cao” được nhấn mạnh.
Việt Nam bày tỏ sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Bức tranh lớn hiện lên là mối quan hệ được nâng cấp của Việt Nam với nhóm “Bộ tứ” và các nước khác trong khu vực giúp đảm bảo hòa bình trong khu vực và đạt được các mục tiêu của FOIP.
Tổng thể không chỉ là tổng của tất cả các mối quan hệ riêng. Người ta kỳ vọng rằng một Việt Nam hùng mạnh, có vị trí chiến lược ở phía Nam Trung Quốc, sẽ ở vị thế tốt hơn theo đuổi chính sách đa phương nhằm cân bằng Trung Quốc mà không gây ra xung đột. Các hiệp định nâng cao vị thế của Việt Nam trên toàn cầu như một đối tác không thể thiếu của FOIP.
Tuy nhiên, cần thận trọng đối với vị thế ngoại giao của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trái ngược với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của nước này ở các khu vực khác như Trung Á và Ấn Độ Dương. Khía cạnh này cần được xem xét cẩn thận, đặc biệt đối với các quốc gia như Ấn Độ, để đảm bảo sự hiểu biết toàn diện về các động thái địa chính trị rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Thọ Anh