Sự phát triển của ngành Halal tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nước tại Đông Nam Á với nhiều chính sách, biện pháp thúc đẩy và các hoạt động quảng bá sôi động. Đáng chú ý, Philippines đã công bố Chiến lược Halal quốc gia.
Philippines vừa qua công bố Chiến lược Halal quốc gia với các mục tiêu: phát triển ngành sản xuất thực phẩm và dịch vụ Halal để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu đi 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) – tại Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ; thu hút 230 tỷ PHP vốn đầu tư vào ngành Halal, tạo 120.000 việc làm trong 5 năm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái Halal toàn cầu và định vị Philippines là cửa ngõ vào thị trường Halal khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Chiến lược Halal quốc gia của Philippines xác định một số ngành ưu tiên bao gồm thực phẩm và các sản phẩm liên quan đến thực phẩm Halal, tài chính Hồi giáo, du lịch, thời trang, dược phẩm và mỹ phẩm Halal. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) là động lực chính hiện thực hóa chiến lược này. Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) là cơ quan đầu mối, phối với các cơ quan liên quan khác (Ủy ban Quốc gia về người Philippines theo đạo Hồi, Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Trung ương, Bộ Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Mindanao) trong việc xây dựng lộ trình đưa Philippines trở thành trung tâm đầu tư và thương mại thân thiện với Halal hàng đầu tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Chính phủ Philippines đang triển khai nhiều sáng kiến quảng bá, hợp tác, huy động vốn để phát triển ngành công nghiệp Halal. DTI vừa ký thỏa thuận hợp tác với Khu tự trị Bangsamoro ở Mindanao, với ngân sách 66 triệu PHP, để quảng bá hàng hóa và dịch vụ Halal địa phương. Hoạt động hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo nhiều việc làm thông qua các hoạt động kinh doanh và du lịch địa phương, đào tạo nhân lực và phục hồi lĩnh vực sáng tạo của đất nước.
Philippines sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá Halal, trước mắt sẽ tổ chức Hội chợ Triển lãm Halal ngày 21 tháng 11 tại Trung tâm Hội nghị SMX, trong đó bao gồm Chương trình đào tạo về chứng nhận Halal và Tuần lễ Đầu tư Philippines nhằm hỗ trợ các MSME phát triển ngành công nghiệp Halal. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc tại Philippines sẽ sớm được chứng nhận Halal sau khi Trung tâm Đào tạo Thương mại Philippine (PTTC), thuộc DTI, đã ký thỏa thuận với các đơn vị ở CALABARZON về đào tạo Halal. Hơn 100 MSME ở khu vực Marawi cũng đang chuẩn bị được chứng nhận Halal.
Ngày 16/10/2023, DTI đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Công ty DKPO. Fulfillment Company, Inc. (DKPO) về việc cung cấp dịch vụ tài trợ không lãi suất cho các MSME nhằm thúc đẩy ngành Halal trong nước phát triển. Thỏa thuận nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có ít hoặc không có khả năng tiếp cận vốn dự trữ, không đủ vốn để thanh toán chi phí hàng hóa, hoặc gặp khó khăn thường xuyên trong tiếp cận vốn từ các ngân hàng truyền thống. Thỏa thuận trên sẽ hỗ trợ MSME thực hiện dịch vụ và chương trình về quản lý hậu cần, kiểm soát và kiểm tra chất lượng, môi giới hải quan, bảo hiểm cũng như tìm nguồn cung ứng và mua sắm toàn cầu.
Ông Antonio Intal, Chủ tịch điều hành của DKPO nhấn mạnh cần có một chương trình hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện để tạo ra tăng trưởng thực chất trong ngành công nghiệp Halal. Chương trình này sẽ tập trung vào giáo dục khởi nghiệp, ươm tạo nguồn tài trợ hạt giống, sau đó là tăng tốc, sau đó là thâm nhập và phát triển thị trường, và cuối cùng là tài trợ tăng trưởng thông qua vốn đầu tư mạo hiểm giao dịch.
Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) của Philippines cho biết DTI hiện có quan hệ đối tác với nhiều bên liên quan và các bên trong hệ sinh thái Halal toàn cầu. Philippines cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước có thể mạnh về Halal trong khu vực bao gồm Malaysia, Indonesia và Brunei Darussalam, để học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn để nâng cao tính chuyên nghiệp và uy tín của ngành Halal Philippines. DTI đang tích cực thúc đẩy xây dựng năng lực và năng lực, trao đổi chuyên gia và công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal. DTI và Bộ Ngoại thương UAE đã ký Thỏa thuận khuyến khích và bảo hộ đầu tư (IPPA) trong dịp Hội chợ triển lãm quốc gia Philippines trong tháng 9/2023 và đang chuẩn bị ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt khác trong lĩnh vực này.
Malaysia khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng số hóa, thông qua nguồn tài trợ kinh doanh và hỗ trợ tài chính phù hợp, để phát triển kinh doanh và ngành công nghiệp Halal. Ngày 20/10. Giám đốc điều hành SME Corporation Malaysia (SME Corp) Rizal Nainy cho biết các doanh nghiệp như SME phải áp dụng nền kinh tế kỹ thuật số và số hóa để thu hẹp khoảng cách, tăng cường hoạt động và thủ tục kinh doanh; Chính phủ và các ngân hàng cần có sự phân bổ vốn đáng kể cho các doanh nghiệp siêu nhỏ vì nhóm này chiếm 97,4% tổng số doanh nghiệp ở Malaysia và được coi là xương sống của nền kinh tế.
Thời gian vừa qua, Malaysia đưa ra nhiều chương trình, tài trợ và quỹ bảo lãnh khác nhau để hỗ trợ các SME chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển ngành công nghiệp Halal.
Singapore có tiềm năng để trở thành trung tâm Halal khu vực và toàn cầu. Tính đến tháng 6/2022, có khoảng 600.000 người Hồi giáo ở Singapore, chiếm 13,6% dân số; 9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Singapore là dành cho các sản phẩm và dịch vụ Halal. Năm 2021, thị trường công nghiệp Halal Singapore được định giá 1,1 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp Halal hàng đầu ở Singapore gồm thực phẩm, tài chính Hồi giáo, dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân. Các công ty hàng đầu của Singapore trong các ngành nêu trên là Ayam Brand và Prima Food (Thực phẩm), Ngân hàng Hồi giáo DBS, KapitalBoost, EthisCrowd (Tài chính Hồi giáo), CCM Pharmaceuticals (Pharmcaceutauica) và Zahara (Mỹ phẩm & Chăm sóc cá nhân)… Các lợi thế cốt lõi có thể giúp Singapore trở thành trung tâm Halal khu vực và toàn cầu bao gồm chứng nhận Halal uy tín, hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các vấn đề liên quan đến halal, nhận thức của người tiêu dùng Singapore về Hlal ngày càng tăng giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Halal trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo và không theo đạo Hồi, cũng như mức độ kết nối chặt chẽ giữa Singapore với các thị trường Halal tiềm năng trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Brunei…
Thái Lan và Malaysia vừa qua nhất trí tăng cường hợp tác thương mại tại khu vực biên giới chung giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm Malaysia vào tháng 10/2023 của tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Thái Lan muốn tranh thủ hợp tác Halal với Malaysia, nhất là việc cấp và công nhận lẫn nhau chứng chỉ Halal để phát triển ngành công nghiệp Halal trong nước. Hiện các doanh nghiệp Thái Lan cũng rất tích cực thâm nhập vào một số thị trường Halal quan trọng tại khu vực như Indonesia và Brunei.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)