Mới đây UNCTAD đã công bố Báo cáo của Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi với tựa đề “Chuyển đổi thương mại và phát triển trong một thế giới rạn nứt hậu đại dịch”,[1] trong đó đưa ra lộ trình cho các lĩnh vực y tế, sản xuất, sự thịnh vượng và khôi phục nền kinh tế toàn cầu vốn bị gián đoạn bởi Covid-19 và hướng đến Hội nghị UNCTAD-15, sẽ được tổ chức tại Barbados dự kiến từ ngày 3-8/10/2021.
Báo cáo nhận định cuộc khủng hoảng Covid-19 đóng vai trò vừa đẩy nhanh vừa kéo lùi những xu thế vốn đã bắt rễ trong nền kinh tế toàn cầu. Xét về tác động tiêu cực, đại dịch đánh vào thế giới trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng gia tăng, triển vọng kinh tế sụt giảm, tính dễ tổn thương ngày càng tăng trước biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương suy yếu. Tuy nhiên, có một con đường vững chắc để thoát khỏi tình trạng này: việc tăng cường năng lực sản xuất của tất cả các nước có thể tạo ra nền tảng của đồng thuận đa phương mới nhằm đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tổng thư ký UNCTAD cho rằng đại dịch Covid-19 đòi hỏi cần có những khởi động mới về kinh tế và tri thức. Theo ông, “việc xây dựng năng lực sản xuất nhằm thúc đẩy chuyển đổi cấu trúc và đa dạng kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng giúp vượt qua tình trạng đứt gãy của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và giải quyết những thách thức mới do đại dịch Covid-19 gây ra”.
Trong báo cáo này, Tổng thư ký UNCTAD Kituyi nêu lên những vấn đề chính mà các nước thành viên UNCTAD có thể tìm được đồng thuận và định hình thảo luận tại Khóa họp UNCTAD-15 sắp tới. Tổng thư ký Kituyi cảnh báo rằng để đạt được các mục tiêu SDGs đòi hỏi chủ nghĩa đa phương mới cho toàn cầu hóa đang thay đổi. Ông kêu gọi việc huy động mạnh mẽ các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu và chuyển hướng viện trợ quốc tế tốt hơn. “Kể từ Khóa họp UNCTAD cách đây 4 năm, sự gia tăng đứt gãy và phân tách nền kinh tế toàn cầu đe dọa việc đạt được các mục tiêu SDGs. Những đứt gãy này bao gồm sự gia tăng bất bình đẳng dẫn đến thổi bùng lên bất mãn của người dân đối với quản trị toàn cầu, khoảng cách về công nghệ số ngày càng sâu sắc và những tổn thương không đồng đều của các nước trước biến đổi khí hậu. Những đứt gãy này cũng bao gồm sự tách biệt ngày càng tăng giữa đầu tư trong nền kinh tế thực và các thị trường tài chính nở rộ dẫn đến việc thiếu đầu tư tài chính cho Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 trong khi vẫn làm gia tăng các gánh nặng nợ công và chu chuyển tài chính ngầm. Bản thân hệ thống đa phương cũng thể hiện những dấu hiệu rạn nứt, do chịu nhiều sức ép gia tăng từ những cọ sát thương mại và công nghệ cũng như chủ nghĩa dân tộc kinh tế.”
Cần làm gì để có đột phá ở Khóa họp UNCTAD-15 tại Bridgetown (Barbados)
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Kituyi kêu gọi các nước tận dụng Khóa họp UNCTAD-15 như một cơ hội hàn gắn các “vết thương đa phương”, xây dựng “chủ nghĩa đa phương tự cường” và giải quyết các đứt gãy kinh tế đã tạo điều kiện cho Covid-19 tác động đến triển vọng thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Để làm được điều này, các nước cần có chính sách quốc gia mạnh mẽ ứng phó với Covid-19 như gia tăng sự hồi phục của các chính sách công nghiệp và đưa ra mô hình chuyển đổi để tái định hình tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo của UNCTAD cho rằng, việc nắm bắt các cơ hội mới trong sản xuất quốc tế đòi hỏi cần phải tái cân bằng các chiến lược phát triển giữa các nhu cầu toàn cầu, khu vực và trong nước. Báo cáo kêu gọi Khóa họp UNCTAD ở Bridgetown cần thảo luận chi tiết việc công nhận phi các-bon hóa cũng như số hóa như một hình thức chuyển đổi cơ cấu toàn cầu, trong đó coi khả năng sản xuất chuyển đổi là yếu tố cốt lõi của sự thích ứng và thịnh vượng. Theo cách này, các gói kích thích liên quan đến đại dịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư xanh hướng đến sản xuất năng lượng tái tạo, giao thông sạch và sản xuất hiệu quả về năng lượng; cần nhấn mạnh các nỗ lực phục hồi xanh, đặc biệt xét đến những thách thức rất lớn mà các quốc đảo nhỏ đang phát triển phải đối mặt do sự sụp đổ của ngành du lịch và sự bùng nổ gánh nặng nợ nần do Covid-19.
Ngoài ra, Khóa họp UNCTAD-15 sẽ cần phải tập trung thúc đẩy nỗ lực cải thiện khoảng trống tài khóa và tiếp cận thanh khoản quốc tế cho các nước đang phát triển, bao gồm việc tận dụng tất cả các hợp phần của cấu trúc tài chính phát triển và làm cho nó hoạt động hiệu quả hơn. Điều đó cũng có nghĩa cần thúc đẩy các đề xuất của UNCTAD nhằm cải thiện việc tái cấu trúc nợ, ban hành mới quyền rút vốn đặc biệt và hỗ trợ “Quỹ Marshall y tế” toàn cầu.
Suy nghĩ lại về toàn cầu hóa
Nhiệm vụ mới trước mắt của chủ nghĩa đa phương là cần kết hợp khéo léo sự can dự gia tăng của Nhà nước trong nền kinh tế, vốn được thúc đẩy bởi những phản ứng mang tính dân tộc chủ nghĩa ứng phó đại dịch với nhu cầu “toàn cầu hóa được quản trị tốt hơn” và phản ứng quốc tế tốt hơn. Những nỗ lực gần đây nhằm cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc hiện chỉ mới bắt đầu tận dụng đúng mức chuyên môn kinh tế của Liên Hiệp Quốc, bao gồm UNCTAD, về các vấn đề liên quan đến phát triển nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu; một môi trường kinh tế toàn cầu tạo điều kiện cho SDGs cần gia tăng phối kết hợp các nỗ lực tập thể của các quốc gia và khu vực tư nhân. Nó đòi hỏi một Liên Hiệp Quốc được tăng cường năng lực, tập trung vào khía cạnh sản xuất của tính bền vững kinh tế, tận dụng chuyên môn kỹ thuật toàn cầu nhằm hỗ trợ tất cả các nước đạt được SDGs.
Cam kết với SDGs, chuyển từ cứu trợ theo kiểu “băng cứu thương” (band-aids) sang “viện trợ tốt hơn” (better aids)
Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại các nỗ lực nhằm đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Bất chấp việc UNCTAD và nhiều tổ chức quốc tế khác đã cảnh báo trước khi đại dịch diễn ra, những đứt gãy trong nền kinh tế toàn cầu đã làm gián đoạn phát triển.
Năm 2014, UNCTAD đã ước tính thiếu hụt đầu tư cần thiết nhằm đạt được mục tiêu ở các nước đang phát triển là 2.500 nghìn tỷ đô-la. Covid-19 có nguy cơ làm gia tăng thiếu hụt vốn đầu tư vốn đã rất lớn này. Theo Tổng thư ký UNCTAD Kiyuti, “những nguồn lực quan trọng cần có thêm đã không xuất hiện trong 4 năm qua.” Hiện nay đang thiếu tiến triển hợp lý trong việc đầu tư vào 10 lĩnh vực chủ chốt. Trong khi đã có tiến triển rõ nét trong một số lĩnh vực bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, lương thực và nông nghiệp, y tế, chúng chưa đủ để tạo ra những chuyển đổi cần thiết.
Nhóm chuyên gia liên cơ quan của Liên Hiệp Quốc về tài trợ cho phát triển cũng nhiều lần chỉ ra rằng việc huy động nguồn lực tiếp tục là một thách thức lớn đối với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Điều này phần lớn là do sự thiếu nỗ lực chung nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ SDGs. Sự thiếu tiến triển trong tính bền vững kinh tế dường như một phần là do sự sứt mẻ tình đoàn kết quốc tế và thiếu ý chí chính trị chung do sự khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương.
Về cách tiếp cận ODA và viện trợ, Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh, các nước viện trợ cần công nhận rằng ODA và viện trợ quốc tế tốt nhất là nên hướng đến việc giải quyết các điều kiện nền tảng và nguyên nhân gốc rễ của tình trạng kém phát triển, hơn là chỉ đóng vai trò như “băng cứu thương cho những triệu chứng”; hệ thống phát triển của Liên Hiệp Quốc cần coi trọng cách tiếp cận toàn cầu về khía cạnh sản xuất của các vấn đề kinh tế.
Báo cáo kêu gọi tất cả các nước, bao gồm các nước phát triển cũng như đang phát triển, thừa nhận những thách thức chung mà thế giới đang đối mặt do những thay đổi hiện nay trong trong toàn cầu hóa. Kết quả dự kiến của Khóa họp UNCTAD-15 tại Bridgetown cần phải gắn với những nỗ lực rộng lớn hơn của Liên Hiệp Quốc như đối thoại về việc cung cấp tài trợ cho phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19, vốn đã được UNCTAD hỗ trợ trước đó và hơn thế nữa.
Cuối cùng, Tổng Thư ký UNCTAD Kituyi cho rằng Liên Hiệp Quốc và UNCTAD cần đối mặt với thách thức phục hồi lòng tin vào chủ nghĩa đa phương bằng cách cân nhắc làm thế nào để ứng phó với các lực lượng toàn cầu hóa vốn đã thúc đẩy sự bất bình đẳng và dễ tổn thương để lèo lái con thuyền theo hướng mang lại sự thịnh vượng cho tất cả.
[1] https://unctad.org/webflyer/transforming-trade-and-development-fractured-post-pandemic-world
(Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ)