Chuyển đổi số để lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không mất “mặt trận”, mất thị trường

0
10
Quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn. (Nguồn: Vietnambiz)

Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững” diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế – xã hội. Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024″ do Google – Temasek công bố mới đây ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm 2023.

Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

Theo Google – Temasek, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Đây cũng chính là thời điểm để xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới”, báo cáo nêu rõ.

Thời gian qua, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể như tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành công thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng và dịch vụ logistics.

Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương địa phương, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm đưa ra đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương hiệu quả, bền vững.

Về vấn đề bán buôn, bán lẻ, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, vai trò lớn trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế.

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh

Nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi số, giới chuyên gia phân tích, quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn. Trong khi đặc tính của thương mại điện tử là không có ranh giới, do đó, nếu các địa phương, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không chuyển đổi sẽ bị mất “mặt trận”, mất thị trường.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here