Chuyển đổi kép: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam

0
15
Chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu. (Nguồn: VGP

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh) là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

Ông đưa ra thông tin trên tại Hội thảo về Phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” diễn ra mới đây.

Đồng quan điểm, chia sẻ thêm về Việt Nam, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết, câu chuyện chuyển đổi kép với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam, cùng nhiều các tổ chức phát triển, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hay khối kinh doanh như các Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới chuyển đổi kép.

Trong bối cảnh Việt Nam có tới 98% doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và vừa, 20% do phụ nữ làm chủ, để phát triển bền vững không thể chỉ có doanh nghiệp lớn tiên phong, mà cần đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nhóm yếu thế làm chủ không bị để lại phía sau.

Thời gian tới, để chuyển đổi kép thành công, ông Lê Việt Anh cho rằng, Việt Nam cần chú trọng những vấn đề như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi kép.

Thứ hai, đích đến của chuyển đổi kép đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và chúng ta cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.

Thứ ba, việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thứ tư, việc triển khai chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.

“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kép”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.

Có thể khẳng định, chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế – xã hội bền vững.

Quá trình chuyển đổi xanh sẽ giảm thiểu tác động môi trường của quá trình công nghiệp hóa, đảm bảo tính bền vững lâu dài và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu. Đồng thời, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở ra các cơ hội thị trường mới.

Bằng cách tích hợp các ưu tiên kép này, Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ, giúp đất nước nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here