Từ ngày 25-27/6 tại thủ đô Paris (Pháp), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp tổ chức chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Pháp (Vietnam Provincial Roadshow in France – VPR France).
Đây là hoạt đồng nhằm triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Cần Thơ, tỉnh Phú Yên, tỉnh Quảng Ngãi, cùng lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp địa phương liên quan. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO Trần Thị Hoàng Mai tham gia các hoạt động của đoàn.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn Việt Nam đã có các cuộc hội đàm, tiếp xúc và làm việc với ông Philippe Bauduin, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD); bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Vùng Ile-de-France; bà Geneviève Sevrin, Tổng Giám đốc Hiệp hội các thành phố Pháp (CUF); dự Tọa đàm “Tăng cường quan hệ đối tác địa phương Việt Nam-Pháp”.
Đoàn đã gặp và làm việc với các đại diện các địa phương Pháp (Ile-de-France, Bordeaux, Val-de-Marne, Poitiers, Cergy-Pontoise…) và nhiều doanh nghiệp quan trọng của Pháp (Vinci, Dassault Systèmes, Pollutec, Seche Environnement, JCDecaux).
Đoàn còn thăm và làm việc tại một số cơ sở y tế, xử lý rác thải của Paris; thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; gặp và làm việc với Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tại Pháp (AVSE).
Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Vùng Ile-de-France, đã ký Chương trình hành động Hà Nội – Ile-de-France giai đoạn 2018-2021.
Trong các cuộc làm việc, hai bên hoanh nghênh và đánh giá cao sự phát triển tích cực và toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, trong đó quan hệ hợp tác cấp địa phương và giao lưu nhân dân là một trụ cột hợp tác quan trọng có rất nhiều tiềm năng cần được quan tâm thúc đẩy.
Hợp tác cấp địa phương cần được Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Ngoại giao hai nước ủng hộ, cùng đồng hành để tăng cường kết nối, lan tỏa hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, thương mại, đầu tư; hợp tác phát triển; văn hóa; giáo dục-đào tạo; khoa học-công nghệ; môi trường…
Hai bên đánh giá quan hệ hợp tác cấp địa phương Việt-Pháp có truyền thống tốt đẹp lâu năm (khởi động từ năm 1990), có ý nghĩa rất đặc biệt trong tổng thể quan hệ hợp tác cấp địa phương của mỗi bên (hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ hợp tác với 18 tỉnh/thành của Việt Nam).
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, tổ chức thành công Hội nghị hợp tác địa phương Việt-Pháp lần thứ 11 tại thành phố Toulouse vào tháng 4/2019; tiếp tục triển khai các mô hình hợp tác địa phương thành công (Hà Nội-Ile-de-France, Hà Nội-Toulouse, Hải Phòng-Brest, Lào Cai-Aquitaine, Huế-Aquitaine, Yên Bái-Val-de-Marne, Cần Thơ-La Seyne-sur-Mer…) và thúc đẩy thiết lập mới các cặp quan hệ đối tác địa phương.
Hai bên cho rằng bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như y tế, giáo dục, nước và môi trường, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn bền vững thì cần bổ sung những nội dung hợp tác mới (như thành phố thông minh, kinh tế số…) và thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi trong đó tăng cường sự tham gia và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Phía Pháp cam kết tiếp tục nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA cho Việt Nam trong đó nhiều dự án lớn, quan trọng được triển khai với các đối tác là các địa phương của Việt Nam; đánh giá cao vai trò của các địa phương trong việc phối hợp triển khai thực hiện thành công các dự án sử dụng ODA của Pháp tại Việt Nam thời gian qua.
Cơ quan phát triển Pháp (AFD) nhấn mạnh 3 định hướng chính cho các dự án tại các địa phương Việt Nam gồm (i) phát triển đô thị thân thiện với môi trường và tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi; (ii) hỗ trợ lĩnh vực sản xuất để cải thiện hiệu suất, nhất là trên phương diện môi trường và xã hội; và (iii) đối phó với những thách thức của Biến đổi khí hậu; cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai các dự án tại các địa phương nói chung và trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Phú Yên nói riêng.
Các địa phương Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, nhất là các di sản văn hóa thiên nhiên (đăc biệt tại tỉnh Phú Yên), qua đó góp phần thu hút du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại nước ngoài nằm trong chuỗi các hoạt động do Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm đồng hành, hỗ trợ các địa phương tăng cường kết nối hợp tác với các đối tác nước ngoài, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc./.