Chương 5. NHỮNG CÔNG VIỆC NGOẠI GIAO KINH TẾ HÀNG NGÀY Ở CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
1. Đối tượng phục vụ
Với tư cách là cơ quan thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại, Cơ quan đại diện (CQĐD) có nhiệm vụ thực hiện công tác NGKT cho các cơ quan, tổ chức sau:
1.1. Trong nước:
Các cơ quan trong nước là đối tượng phục vụ trực tiếp của CQĐD, bao gồm:
- Bộ Ngoại giao và các Bộ/Ngành liên quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Tòa án…
- Địa phương trong nước (chủ yếu tỉnh và các sở liên quan).
- Doanh nghiệp trong nước, không phân biệt loại hình sở hữu.
- Người dân trong nước.
1.2. Sở tại:
Công việc của CQĐD cũng phần nào phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp và người dân nước sở tại trong việc phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam:
- Doanh nghiệp và người dân nước sở tại.
- Các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp và địa phương sở tại.
1.3. Tổ chức quốc tế (đặt tại sở tại)
2. Mục đích
Các công việc NGKT hàng ngày ở CQĐD đều nhằm thực hiện các nội dung trong công tác NGKT, nhằm mục tiêu là chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục đích công tác NGKT được quy định tại Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về “tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, bao gồm:
(1) Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề kinh tế, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế;
(2) Đột phá, mở quan hệ với các đối tác;
(3) Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, tiến hành hoạt động quảng bá quốc gia, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động và đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế – thương mại để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
(4) Đôn đốc thực hiện các cam kết, thỏa thuận với các đối tác quốc tế;
(5) Hỗ trợ các ngành, địa phương đào tạo cán bộ đối ngoại và ngoại giao kinh tế;
(6) Phát huy lợi thế mạng lưới các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác NGKT.
3. Nội dung công việc
Các công việc của CQĐD được tập trung thành 2 mảng lớn là nghiên cứu và tác nghiệp:
3.1. Nghiên cứu:
Nghiên cứu nói chung là lĩnh vực công tác quan trọng, có tính quyết định tới chất lượng công tác của cán bộ ngoại giao từ cấp thấp đến cấp cao ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Vì ngoại giao là lĩnh vực tổng hợp nên diện nghiên cứu rất rộng từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, báo chí, lãnh sự, lễ tân.
Nghiên cứu kinh tế ở cơ quan đại diện khá rộng, từ việc nghiên cứu tình hình kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, tác động của chúng trên khu vực và nước ta, đưa ra những cảnh báo có tính chiến lược đến việc nghiên cứu một số mặt hàng với những chu kỳ sản xuất, tiêu thụ, thay đổi công nghệ, tác động thuận/nghịch đối với sản xuất trong nước, dự báo cơ hội, thách thức cụ thể. Tất nhiên, ở địa bàn nào, dù lớn hay nhỏ, cũng phải nghiên cứu kinh tế địa bàn, tổ chức quốc tế liên quan. Và cuối cùng là nghiên cứu vĩ mô, cũng như động thái để mở rộng quan hệ kinh tế giữa ta và địa bàn sở tại, trong đó việc giúp đỡ doanh nghiệp là một trong những yêu cầu lớn. Tuy nhiên, cũng phải “liệu cơm, gắp mắm”, cơ quan lớn cần làm nhiều hơn, đầy đủ hơn; cơ quan trung bình, cơ quan nhỏ và cơ quan gọn nhẹ, tùy theo sức của mình mà chọn những vấn đề nghiên cứu thiết thực nhất, có lợi nhất cho đất nước, đáp ứng nhu cầu trong nước. Nghiên cứu kinh tế ở cơ quan đại diện có nhiều điểm khác với việc nghiên cứu kinh tế ở các đơn vị đối ngoại và kinh tế đối ngoại ở trong nước. Những điểm khác chủ yếu gồm (i) nghiên cứu để trực tiếp phục vụ tác nghiệp hàng ngày, (ii) phải thiết lập quan hệ và tận dụng mạng lưới nghiên cứu ở nước sở tại, (iii) thực hiện một phần chuyên đề hoặc vấn đề nghiên cứu lớn mà trong nước chủ trì, (iv) thời gian nghiên cứu thường ngắn, có khi rất ngắn nên chủ yếu dựa vào ý kiến của viên chức, học giả ở nước sở tại về vấn đề này. Tuy nhiên, trong nghiên cứu độc lập trung và dài hạn , cần chú ý:
- Tầm nhìn dài hạn, gắn quan hệ kinh tế với quan hệ chính trị trên cơ sở xác định vị trí của nước ta trong quan hệ quốc tế nói chung và chính sách kinh tế đối ngoại của nước sở tại, trong chính sách hợp tác phát triển của tổ chức quốc tế hữu quan.
- Trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng mà nước sở tại, tổ chức quốc tế hữu quan có khả năng đáp ứng những yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
a. Mục đích nghiên cứu:
Việc nghiên cứu của CQĐD có thể phục vụ cho các mục đích theo các cấp độ sau đây:
- Cấp độ 1: Để tác chiến hoặc cung cấp thông tin (đây là dạng nghiên cứu mà các cơ quan đại diện thường tiến hành, đặc biệt các cơ quan cỡ trung bình và gọn nhẹ)
- Cấp độ 2: Để cố vấn, tham mưu.
- Cấp độ 3: Để dự báo tình hình và kiến nghị giải pháp.
Theo đó các cấp độ nghiên cứu càng cao sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu của cấp độ trước đó. Phương châm nghiên cứu là cố gắng tăng cường nghiên cứu sâu ở các cấp độ 2 và 3 để tăng cường vai trò tham mưu của CQĐD.
b. Nội dung nghiên cứu:
(i) Nghiên cứu cơ bản:
- Chính sách kinh tế đối nội của sở tại:
- Thành tựu, tiềm năng kinh tế và chính sách kinh tế đối ngoại của nước sở nói chung và trên các lĩnh vực nguồn vốn, thương mại quốc tế, khoa học – kỹ thuật – công nghệ (có so sánh với những nước cùng trình độ phát triển).
- Môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế đối ngoại để cung cấp thông tin và đánh giá khả năng hợp tác kinh tế song phương dưới cấp độ chính phủ và doanh nghiệp từ đó đánh giá khả năng của ta thu hút nguồn vốn, thâm nhập thị trường (nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta), tranh thủ sự chuyển giao tri thức và công nghệ có giá trị cần thiết cho nước ta cũng như thu hút du lịch, xuất khẩu lao động (tuỳ địa bàn).
- Nghiên cứu cơ chế chính sách, các quy định về các hoạt động kinh tế đối ngoại (đầu tư, thương mại, lao động nước ngoài…), các rào cản thương mại ở địa bàn và cơ chế xử lý tranh chấp thương mại địa bàn. Nghiên cứu cơ cấu tổ chức điều hành kinh tế (Nhật Bản: Bộ Kinh tế công thương bao gồm cả cơ quan nghiên cứu chính sách kinh tế trung ương, có riêng cơ quan phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ…), nghiên cứu cơ cấu ngành lập pháp, tư pháp… của sở tại để thông tin thủ tục duyệt ODA phải qua những cơ quan nào, tranh chấp thương mại cần phải gõ ở cửa nào…
- Những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với nước ta trong quan hệ kinh tế với nước sở tại, phân tích lợi thế so sánh giữa họ và ta trong quan hệ với nước sở tại.
- Nghiên cứu sâu về thị trường (thông tin chung và nghiên cứu sâu về những mặt hàng lớn mà ta quan tâm): hệ thống phân phối, phương thức thanh toán, chính sách bảo hộ, quy định vệ sinh thực phẩm…
- Chính sách kinh tế đối ngoại:
- Tình hình quan hệ kinh tế song phương và chính sách đối với Việt Nam. Các hiệp định kinh tế song phương hai bên đã ký kết.
- Đánh giá quá trình và thực trạng quan hệ hợp tác kinh tế song phương nhằm dự báo triển vọng và phương hướng mở rộng tăng cường quan hệ hợp tác.
- Chính sách kinh tế đối ngoại đối của nước sở tại với khu vực Đông Nam Á và thế giới.
(ii). Nghiên cứu động thái:
- Công việc này bao gồm theo dõi và nghiên cứu tình hình diễn biến kinh tế hàng ngày của sở tại: các vấn đề về tài chính, tỉ giá, lạm phát, thương mại, đầu tư, hợp tác giáo dục…, thay đổi nhân sự và các vấn đề kinh tế của sở tại, như:
- Những thay đổi hoặc điều chỉnh đáng kể trong chính sách và quan hệ kinh tế đối ngoại của nước sở tại tiếp theo những thay đổi trong đường lối chính sách đối ngoại (thường xảy ra sau những sự biến chính trị lớn dẫn đến sự thay đổi lực lượng cầm quyền, người lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, tương quan lực lượng giữa các lực lượng chính trị trong nước).
- Những thay đổi quan trọng trong chính sách hợp tác quốc tế của tổ chức quốc tế hữu quan (thường xảy ra khi một hội nghị cấp cao của tổ chức này quyết định chuyển hướng hoạt động, thay đổi lĩnh vực, đối tượng ưu tiên hợp tác hoặc sau khi có sự thay đổi người lãnh đạo chủ chốt phản ánh sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các lực lượng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức quốc tế hữu quan).
- Yêu cầu của nghiên cứu động thái:
- Phải khẩn trương và kịp thời dự báo những khả năng khác nhau có thể tác động thuận/ nghịch đến quan hệ hợp tác với nước ta để cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thời phải có kế hoạch cập nhật nghiên cứu trong một thời gian nhất định.
- Phải dựa vào những nguồn thông tin đáng tin cậy và có chiều sâu; các thông tin nhạy cảm phải được thẩm tra.
(iii). Nghiên cứu về các tổ chức quốc tế tại sở tại:
- Chức năng và nhiệm vụ, chính sách và lĩnh vực hợp tác phát triển ưu tiên, ngân sách dành cho các hoạt động thực tiễn (operational activities).
- Ảnh hưởng của các nước tài trợ chính cho hoạt động hợp tác phát triển đối với việc xác định nội dung và phương hướng về chính sách và lĩnh vực hợp tác ưu tiên với các nước đang phát triển.
- Những hình thức hỗ trợ phát triển của tổ chức quốc tế (như tài trợ, cho vay ưu đãi hoặc trợ giúp kỹ thuật về xây dựng chính sách, năng lực và thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, v.v..).
- Các vấn đề thủ tục, cơ sở pháp lý cần chú ý trong việc tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế hữu quan (nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động thông qua và thực hiện dự án, mở rộng dự án…).
- Khả năng về chất xám và chuyên gia giỏi ta cần tranh thủ.
- Quan hệ hợp tác với Việt Nam và triển vọng tăng cường mở rộng quan hệ trong đó có thái độ của những người lãnh đạo chủ chốt đối với nước ta và những người trực tiếp phụ trách quan hệ hợp tác với Việt Nam.
- Kinh nghiệm một số nước trong việc tranh thủ sự trợ giúp của tổ chức quốc tế hữu quan.
(iv). Nghiên cứu kinh tế quốc tế và khu vực:
- Cơ quan đại diện có điều kiện thuận lợi, hỗ trợ công tác nghiên cứu kinh tế quốc tế và khu vực của Bộ Ngoại giao và các Bộ/Ngành khác do tiếp cận được những nguồn tài liệu và thông tin nghiên cứu có giá trị. Công việc hỗ trợ có thể được thực hiện qua các nhiệm vụ sau:
- Tại các CQĐD lớn: Nghiên cứu vai trò của kinh tế nước đó với xu thế phát triển của kinh tế thế giới vì các nước này có chính sách kinh tế toàn cầu và tình hình và chính sách của các nước lớn có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu như vấn đề TPP của Mỹ, việc xử lý nợ của châu Âu, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc…
- Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển, xu thế phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn có trụ sở đóng tại địa bàn sở tại, hoặc có chi nhánh lớn hoạt động trên địa bàn sở tại. Nhiệm vụ nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam vì giúp hiểu rõ hơn xu thế vận động của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các tập đoàn kinh tế lớn (các công ty xuyên quốc gia) đã trở thành một chủ thể quan trọng của nền kinh tế thế giới, có tác động lớn tới sự vận động, phát triển của nền kinh tế toàn cầu, cũng như các quan hệ kinh tế quốc tế.
- Cung cấp những báo cáo hàng năm hoặc định kỳ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu kinh tế quốc tế có uy tín được xuất bản, lưu hành ở nước sở tại về:
- Tình hình và quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế và khu vực.
- Thành tựu và chiều hướng phát triển khoa học – kỹ thuật – công nghệ trên thế giới.
- Sự vận động của các luồng FDI, ODA trên thế giới và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia.
- Tùy theo khả năng của cơ quan đại diện, tổng hợp và báo cáo về Bộ Ngoại giao những đánh giá, nhận định của các nhà nghiên cứu, học giả, chính giới… nổi tiếng về những báo cáo nói trên, kể cả dư luận tại địa bàn.
- Sau đây là gợi ý danh mục chọn lọc một số báo cáo kinh tế xuất bản hàng năm để các cơ quan đại diện tham khảo:
- World Development Report (của Ngân hàng Thế giới ,http://wdronline.worldbank.org/).
- World Economic Outlook (Quỹ tiền tệ Quốc tế, www.imf.org).
- World Economic Survey (Ủy ban Kinh tế, Văn hóa, Xã hội LHQ, http://www.un.org/en/ecosoc/).
- World Investment Report (Tổ chức LHQ về Thương mại và Phát triển, www.unctad.org).
- World Competitiveness Report (Diễn đàn Kinh tế Thế giới, www.weforum.org).
- Annual Report of Development Assistance Committee (OECD, www.oecd.org).
- World Economic and Social Survey (Các Ủy ban Kinh tế khu vực của Liên hợp quốc, www.un.org/esa/policy/wess/)
- Asian Development Bank (Ngân hàng Phát triển châu Á, www.adb.org
3.2. Tác nghiệp:
Tác nghiệp là nhóm công việc hàng ngày và chiếm nhiều thời gian nhất trong CQĐD. Các công việc tác nghiệp bao gồm:
a. Thông tin:
Thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của CQĐD được quy định rõ tại Mục 2, điều 6, Luật Cơ quan đại diện: “Cung cấp thông tin, giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của quốc gia tiếp nhận”. Thông tin CQĐD cung cấp là thông tin hai chiều, bao gồm thông tin về Việt Nam để quảng bá cho sở tại và thông tin về sở tại cho các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam:
(i). Thông tin về sở tại:
Các CQĐD có thế mạnh trong việc cung cấp thông tin về sở tại do có sự hiểu biết sâu về địa bàn và đối tác nước ngoài. Thông tin chủ yếu cung cấp theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương, doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan đại diện có thể chủ động tập hợp những thông tin về tiềm năng và cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động để có thể đáp ứng kịp thời những yêu cầu tìm kiếm thông tin của các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong nước. Cơ quan đại diện cần tận dụng website của mình để cung cấp thông tin chung một cách nhanh nhất và cho nhiều đối tượng nhất. Website của cơ quan đại diện phải được cập nhật thường xuyên, ít nhất 6 tháng 1 lần. Tất nhiên, website của cơ quan đại diện không chỉ bao gồm các vấn đề kinh tế mà còn bao gồm các vấn đề chính trị, văn hóa, cộng đồng, lãnh sự …. Văn phòng Bộ Ngoại giao, Vụ Báo chí và các vụ chức năng nên thường xuyên kiểm tra các website của các cơ quan đại diện và khuyến nghị việc đăng tải và cập nhật các thông tin cần thiết.
(ii). Quảng bá về Việt Nam:
- Thực hiện tuyên truyền, quảng bá tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế về kinh tế, văn hoá, xã hội, đất nước, danh lam thắng cảnh, cơ hội và môi trường đầu tư-kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc giới thiệu về:
- Đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam;
- Tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, du lịch và lao động của Việt Nam;
- Thông tin chung về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam;
- Khả năng và nhu cầu hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế – xã hội.
- Trên thực tế, giới thiệu, quảng bá về kinh tế Việt Nam là công việc thường xuyên mà CQĐD đã và đang làm dưới nhiều hình thức, bằng nhiều công cụ, trong nhiều dịp khác nhau và đã có nhiều kinh nghiệm tốt. Các cơ quan chức năng trong nước luôn có những kế hoạch cụ thể và những sản phẩm đa dạng trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, thế mạnh và đóng góp chính của cơ quan đại diện là làm cho việc giới thiệu, quảng bá nói trên có hiệu quả thiết thực bằng việc xác định đúng đối tượng, những nội dung ưu tiên cần truyền đạt đáp ứng những yêu cầu về thông tin của nước sở tại và mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và nước sở tại.
- Một trong những hình thức quảng bá chung có hiệu quả về Việt Nam, trong đó có kinh tế Việt Nam là sử dụng website của cơ quan đại diện. Các website của các cơ quan đại diện nên được chuẩn hóa để trong nước có thể đăng tải, cập nhật các thông tin chung của nước ta để giới thiệu cho các đối tác, người dân và bạn bè quốc tế ở nước sở tại. Có lẽ nên làm cuộc điều tra xã hội và xem xét kỹ các website của các cơ quan đại diện để cải tiến việc đưa tin, cập nhật thông tin, tránh trường hợp khá phổ biến hiện nay là nhiều mục trong website thông tin vừa thiếu lại quá cũ, có mục không có thông tin trong thời gian khá dài. Thêm vào đó, hầu hết các website của CQĐD không có mục các hiệp định, thỏa thuận của nước sở tại đã ký với nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế, hạn chế việc hiểu biết của người dân và doanh nghiệp đối với hành lang pháp lý về hợp tác và kinh doanh giữa hai nước.
b. Đột phá, mở rộng quan hệ:
- Đột phá để hàng hóa và dịch vụ mới của nước ta vào nước sở tại là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng lại vô cùng cần thiết. Không có bước đi đầu tiên thì không thể có những bước đi tiếp theo; không có việc khai phá, mở đường thì không thể có dòng người và phương tiện ngày càng lớn. Cơ quan đại diện có trách nhiệm đột phá mở đường và là người thích hợp nhất để làm việc này vì (i) có quan hệ cụ thể và sâu rộng với nước sở tại, (ii) sử dụng tổng hợp các mối quan hệ, trong đó có chính trị, văn hóa để tác động mở đường, (iii) sử dụng các mối quan hệ, kể cả quan hệ cá nhân để vận dộng chính giới, tài giới nhằm đưa một dịch vụ mới, mặt hàng mới của nước ta vào nước sở tại. Trong trường hợp này vài trò của Đại sứ là rất quan trọng, có tính quyết định. Kinh nghiệm đột phá đưa một dịch vụ mới ( lao động), thị trường mới có khá nhiều. Thí dụ, trước đây, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã mở đường đưa lao động Việt Nam vào thị trường Malaysia, Đại sứ Nguyễn Đức Hùng mở đường đưa lao động vào Canada, Đại sứ Trần Ngọc An mở đường đưa lao động vào Phần Lan, Đại sứ Chu Công Phùng mở đường đưa đầu tư và hàng Việt Nam vào Myanmar, một vài Đại sứ đưa người trong nước vào làm viên chức tổ chức quốc tế, trong đó có tài chính quốc tế ….
- Các đồng chí làm công tác kinh tế có nhiều kinh nghiệm cho biết, bí quyết đột phá mở đường thắng lợi điều đầu tiên là (i) lòng ham mê, tâm đắc, yêu thích công việc, tiếp đến là (ii) ý chí bền bỉ , quyết tâm, khó khăn không nản, liên tục vận động, (iii) huy động nhân lực và tài chính của cơ quan vào công việc và Đại sứ phải nói được tiếng thông dụng ở nước sở tại. Sáng kiến, cách làm hay chỉ nảy nở trên nền tảng lòng ham mê, yêu thích đối với công tác kinh tế mà không phải ai cũng có.
- Tham gia xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; vận động tranh thủ viện trợ và quảng bá về du lịch Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận; xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp tại quốc gia tiếp nhận khi có yêu cầu.
- Hỗ trợ đoàn ra, đoàn vào:
- Cơ quan đại diện có thể làm tốt vai trò cầu nối, xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi thông qua tư vấn về nội dung đàm phán, thời điểm cử đoàn, cấp bậc trưởng đoàn, các cuộc tiếp xúc mong muốn với quan chức chính phủ (nếu cần).
- Nếu được yêu cầu, cơ quan đại diện có thể cử người tham gia, giúp vận động hành lang ở nước sở tại, đọc và góp ý kiến dự thảo văn bản thoả thuận…
- Đối với các đoàn ra chỉ có mục đích thăm dò, công việc chủ yếu của cơ quan đại diện là tham vấn về những khả năng thiết lập quan hệ và giúp thực hiện những cuộc tiếp xúc với các đối tác liên quan và nhân vật có thẩm quyền.
- Hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa các địa phương của nước ta với nước bạn:
- Hoạt động và thoả thuận hợp tác thường xuất phát từ quan hệ chính trị, văn hóa, địa lý sẵn có và được thúc đẩy cụ thể hoá bằng các quan hệ trao đổi văn hoá, du lịch và quan hệ kinh tế. Cơ quan đại diện có khả năng vận dụng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước để thúc đẩy hoạt động và thoả thuận hợp tác, nhất là trong các dịp kỷ niệm các mốc lớn về quan hệ ngoại giao song phương.
- Các cuộc thăm viếng lẫn nhau giữa các địa phương hợp tác là dịp tốt để mở rộng quan hệ trong lĩnh vực kinh tế mà hai bên đều mong muốn và có tiềm năng hợp tác, nhất là đối với những địa bàn của nước bạn có thực lực kinh tế (như là địa bàn của các tập đoàn kinh tế lớn, các cơ sở đào tạo kinh tế có uy tín, địa bàn có khả năng thu hút khách du lịch và xuất khẩu lao động…). Cơ quan đại diện có khả năng đóng góp vào kết quả của các cuộc thăm viếng này bằng việc phát huy những thế mạnh của cơ quan đại diện, nhất là sự tương tác giữa quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế.
- Hỗ trợ thông tin về các tổ chức phi chính phủ: cơ quan đại diện có thể hỗ trợ các địa phương, nhất là địa phương nghèo, thúc đẩy quan hệ và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại địa bàn sở tại hoặc các tổ chức NGO quốc tế có tầm hoạt động quốc tế, thông qua chương trình viện trợ xã hội – nhân đạo về xoá đói giảm nghèo, phụ nữ, cũng như các chương trình và khu vực ưu tiên (target areas).
c. Đồng hành:
Triển khai nhiệm vụ của cơ quan đại diện hỗ trợ đồng hành cùng tổ chức, cá nhân Việt Nam sau tại Nghị định 08/CP, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều sáng kiến và biện pháp nhằm đẩy mạnh sự phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Các công việc đồng hành của CQĐD bao gồm:
- Hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc: Khó khăn vướng mắc gồm nhiều loại, nhiều mức độ. Phạm vi hỗ trợ của cơ quan đại diện là tìm hiểu nguyên nhân, bên chịu trách nhiệm chính và trên cơ sở đó đề xuất ý kiến giải quyết theo hướng:
- Trước hết là hòa giải, đóng vai trò như một trọng tài, giải quyết mâu thuãn tranh chấp có lý , có tình, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan nhằm duy trì môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi và lâu dài. Hạn chế đưa vấn đề ra tòa án vì chi phí cao, thời gian dài và các đối tác của ta có nhiều hạn chế về văn hóa và tài chính để theo kiện. Tuy nhiên, nếu vấn đề phải đưa ra tòa án, cơ quan đại diện phải hỗ trợ đối tác của ta về thủ tục, luật pháp để có được một phán quyết công bằng, hợp lý.
- Vừa bảo vệ lợi ích của ta vừa duy trì quan hệ hợp tác.
- Vận dụng sự tương tác giữa quan hệ chính trị với quan hệ kinh tế.
- Đàm phán thương lượng tìm giải pháp tốt nhất đối với ta khi giải quyết vấn đề có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.
- Đối với những vấn đề do phía ta gây nên hoặc có thể nhân nhượng thì không nên kéo dài việc giải quyết.
- Giúp làm đại diện cho địa phương, hiệp hội ngành hàng. Cơ quan đại diện có thể cung cấp địa chỉ và có sự phân công trong nội bộ cán bộ chịu trách nhiệm liên hệ với tổ chức, địa phương, doanh nghiệp hữu quan trong nước và tiếp xúc không chính thức với đối tác nước ngoài có yêu cầu đặt quan hệ .
- Giúp vận động trong đấu thầu: Đấu thầu quốc tế hiện còn là vấn đề tương đối mới với các doanh nghiệp của ta vì nhiều lẽ, như tiềm lực, uy tín quốc tế của các doanh nghiệp của ta còn khiêm tốn, chưa có kinh nghiệm nhất là chưa có hiểu biết cần thiết về luật lệ, tập quán kinh doanh ở nước sở tại. Cơ quan đại diện có thể hỗ trợ về thông tin theo yêu cầu và tham gia vận động những nhân vật đã xây dựng được quan hệ đối tác tin cậy.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm tra đối tác về uy tín, khả năng tài chính, công nghệ sẽ giảm bớt rủi ro lừa đảo kinh tế thương mại, giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm bớt sự mất mát đáng kể đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp tại nước sở tại:hỗ trợ các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp; tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng; bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Bảo hộ quyền chính đáng của doanh nghiệp và người dân trong quan hệ kinh tế với các đối tác tại nước sở tại, bao gồm cả việc bảo hộ lãnh sự.
d. Vận động người Việt Nam ở nước ngoài:
Nghị quyết 36 – NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 26-3-2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết nói trên ban hành kèm theo Quyết định 110/2004/QĐ-TTG ngày 23-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20-5-1998 và Nghị định 51/1999/NĐ-CP ngày 8-7-1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) đều xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng cho xây dựng và phát triển đất nước.
Người Việt Nam vốn cần cù và chịu khó học hỏi nên nhiều người gặt hái được không ít thành công trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến thức quản lý kinh tế, công nghệ tiên tiến, am hiểu và tiếp cận thị trường… của nước ngoài do đó tận dụng được nguồn lực quý giá này sẽ giúp ích rất nhiều cho kinh tế Việt Nam. Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.
(i). Mục đích, yêu cầu vận động:
- Động viên và phát huy khả năng và tiềm năng về mọi mặt (kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, quản lý, kinh doanh, đào tạo, giáo dục, tư vấn…) của kiều bào góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
- Khuyến khích kiều bào vận dụng những quan hệ của mình với giới trí thức, giới kinh doanh, các cơ sở khoa học, kỹ thuật công nghệ, quản lý, đào tạo, tư vấn… và các tổ chức quốc tế để làm cầu nối và góp phần cho việc phát triển các quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.
- Gắn liền việc phát huy tinh thần và tình cảm hướng về cội nguồn của kiều bào với việc vận động kiều bào đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, có lợi cho đất nước, đồng thời cũng có lợi cho chính kiều bào.
(ii). Đối tượng và nội dung vận động:
Đối với giới trí thức
- Mọi lứa tuổi đều có khả năng đóng góp riêng của mình. Theo chuyên ngành và thế mạnh riêng của từng người, kiều bào có khả năng đóng góp trên nhiều lĩnh vực:
- Những trí thức đã và đang làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu có nhiều tiềm năng về mặt khoa học kỹ thuật, đào tạo và quản lý… có khả năng đóng góp tốt cho các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, giảng dạy…
- Những chuyên gia công nghệ cao trong các ngành kỹ nghệ, các hãng, xưởng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khả năng làm cầu nối cho những dự án về hợp tác chuyển giao công nghệ, tư vấn…
- Một số trí thức, sau một thời gian làm việc trong các ngành kỹ nghệ, đã có chỗ đứng vững chắc cả về uy tín cũng như chuyên môn trong ngành của mình nay có kế hoạch tự đứng ra kinh doanh, lập cơ sở kinh doanh trong nước.
- Nội dung vận động:
- Tư vấn về các vấn đề kinh tế, phát triển, khoa học kỹ thuật, công nghệ… ở tầm vĩ mô (chiến lược, xu hướng…).
- Chuyển giao tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản trị kinh doanh, kể cả bí quyết kỹ thuật trong phạm vi được phép.
- Huấn luyện, đào tạo, giảng dạy.
- Tư vấn, thẩm định dự án.
- Làm cầu nối cho các mối quan hệ hợp tác khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo… với giới trí thức ở nước sở tại, kể cả tìm kiếm nguồn tài trợ cho hoạt động hợp tác.
- Trực tiếp hỗ trợ công tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng.
- Đầu tư phát triển công nghệ phù hợp với khả năng của mình và yêu cầu của đất nước.
Đối với giới doanh nhân:
- Thông tin về các cơ hội đầu tư: Phối hợp với ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan hữu quan giới thiệu danh mục các dự án và địa bàn kêu gọi đầu tư kinh doanh, đặc biệt các địa bàn địa phương là quê hương của đối tác.
- Giới thiệu các hình thức đầu tư: trực tiếp (đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước) hoặc gián tiếp theo Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam (góp vốn, mua cổ phần, mua cổ phiếu…)
- Khuyến khích kiều bào vận dụng các quan hệ tốt ở nước sở tại để phát huy vai trò cầu nối, môi giới thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước sở tại.
- Tuỳ địa bàn khuyến khích kiều bào:
- Hình thành các kênh phân phối, kinh doanh hàng Việt Nam ở nước ngoài.
- Tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp của kiều bào và doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nước sở tại hoặc vào nước thứ ba.
Một số cơ quan đại diện, tùy theo điều kiện của đại bàn, đã thành lập một số tổ chức nghề nghiệp cho cộng đồng như Câu lạc bộ kinh tế người Việt, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ….
4. Kết luận
Do hạn chế về nhân lực, CQĐD nên chủ động trong công tác nghiên cứu, tránh tình trạng chạy theo công việc sự vụ. Các CQĐD cũng cần:
- Tranh thủ sự phối hợp và hỗ trợ của Vụ Khu vực và các Vụ Kinh tế
- Tham khảo ý kiến với những người có hiểu biết sâu về địa bàn trong đoàn ngoại giao và giới nghiên cứu khi có những vấn đề cần được làm sáng tỏ trong quá trình nghiên cứu.
- Tùy theo tình hình thực tế của cơ quan đại diện, xây dựng và bồi dưỡng những thói quen nghiệp vụ trong công tác nghiên cứu kinh tế cũng như các lĩnh vực khác như lòng yêu thích, tính tính cần cù, cẩn thận …
- Xây dựng được mạng lưới ở nước sở tại và xây dựng được bộ tài liệu cơ bản và thường xuyên cập nhật bộ tài liệu này.