Trong cuộc trả lời phỏng vấn với mạng Deutsche Welle (Đức), Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Wuttke cho rằng “Hành động của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc thực sự là sự tách rời và mang tính phá hoại, như thể “một con bò đực xông vào cửa hàng đồ sứ”, gây cản trở chuyển giao công nghệ và làm suy yếu hệ thống tài chính. Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc sẽ theo dõi sát những tác động đối với kinh tế Châu Âu. Ông Wuttke cho rằng, điều quan trọng là “để Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình và thực sự mở cửa thị trường. Dồn Trung Quốc vào chân tường không phải là cách làm đúng đắn”.
Cũng theo ông Wuttke, các công ty EU không có ý định rút khỏi thị trường Trung Quốc. Mặc dù các nước châu Âu đang khuyến khích di rời dây chuyền sản xuất các sản phẩm chủ lực về Châu Âu, nhưng từ góc độ của nhà sản xuất, việc di rời có thể dẫn dến chi phí cao hơn, các sản phẩm của EU sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Đây không hẳn là điều tốt lành đối với kinh tế Châu Âu.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đã trích dẫn kết quả một cuộc “Khảo sát niềm tin kinh doanh 2020”, được đăng trên mạng Deutsche Welle (Đức) ngày 12/9, chỉ ra rằng có tới 62% thành viên cho biết sẵn sàng và nhiều khả năng sẽ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc nếu nước này mở rộng hơn nữa tiếp cận thị trường; gần một nửa số thành viên cho biết chuẩn bị tái đầu tư từ 5% đến 10% thu nhập hàng năm của họ vào Trung Quốc; 1/3 cho rằng khoản đầu tư sẽ lớn hơn.
Bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các công ty EU vẫn lạc quan về sự phát triển kinh tế dài hạn và lợi nhuận thị trường, đồng thời không có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc vào tháng 2/2020, hầu hết các thành viên của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết duy trì các khoản đầu tư đang triển khai hoặc đã lên kế hoạch, và chỉ 11% xem xét việc điều chỉnh kế hoạch, đây là tỷ lệ thấp nhất trong thập kỷ qua. Kể từ tháng 2, không có thông tin cho thấy doanh nghiệp có ý định dịch chuyển khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn.
Theo ông Wutek, Trung Quốc là thị trường đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, buộc phải tìm giải pháp để nâng cao khả năng chống chọi và phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, “không nên nhầm lẫn điều này với việc rút khỏi Trung Quốc”
Các công ty đa quốc gia Châu Âu ở Trung Quốc lập kế hoạch kinh doanh không chỉ dựa trên tình hình trong một hoặc hai năm, mà còn tập trung vào sự phát triển dài hạn từ 10 đến 20 năm tới. Dịch bệnh ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty ở Trung Quốc, nhưng tiềm năng thị trường, nhân lực và lợi thế công nghệ của Trung Quốc vẫn khó thay thế trong ngắn hạn.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2020, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc với tổng kim ngạch song phương đạt 2,81 nghìn tỷ NDT (khoảng 401,4 tỷ USD), tăng 1,4%, chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc xuất sang Châu Âu 1,72 nghìn tỷ NDT, tăng 5,3%; nhập khẩu từ Châu Âu 1.09 nghìn tỷ NDT, giảm 4,1%. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt EU trở thành đối tác lớn hàng đầu của Trung Quốc./.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc