Chủ nghĩa bảo hộ phản tác dụng

0
251
(Reuters)
(Reuters)

Cũng như người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden khuyến khích mua hàng Mỹ nhiều hơn thay vì tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ mang lại kết quả rất hạn chế, đáng lẽ Mỹ nên đấu tranh cho quy tắc có đi có lại, vì điều đó có lợi cho Mỹ.

Thật bất ngờ đối với những ai tin rằng Joe Biden sẽ lật ngược chính sách kinh tế của Donald Trump. Không những không từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ của người tiền nhiệm, ngược lại, tân Tổng thống Mỹ lại đang lên kế hoạch củng cố nó, dù có nguy cơ làm suy yếu chủ nghĩa đa phương và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà chưa chắc người lao động Mỹ sẽ được hưởng lợi.

Ngày 25/01/2021, năm ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh qui định bắt buộc chính quyền phải mua hàng Mỹ nhiều hơn. Theo đó, một sản phẩm để được coi là “sản xuất tại Mỹ” phải có trên 50% thành phần cấu tạo đến từ các doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, một công ty Mỹ có thể trúng thầu ngay cả khi có mức giá cao hơn 20% so với đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Thị trường mua sắm công hiện đạt giá trị hơn 600 tỷ đô la và trong những tháng tới, sẽ được bổ sung thêm kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ đô la. Tân Tổng thống mong muốn khoản chi ngân sách này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và việc làm ở Mỹ.

Chi phí quá lớn

Điều gì có thể hợp lý hơn về chính trị? Donald Trump thắng cử năm 2016 dựa vào chủ trương bảo vệ nạn nhân của toàn cầu hóa, bắt đầu từ khu vực bầu cử có đông người lao động da trắng tại các bang công nghiệp Midwest. Cũng từ khu vực này, Đảng Dân chủ tìm cách thu hút cử tri bằng các chính sách bảo hộ tương tự. Nhưng không phải cứ tiếp tục duy trì chính sách dưới thời Donald Trump mà Joe Biden sẽ thành công trong việc đưa các nhà máy và việc làm trở lại đất Mỹ.

Về mặt này, có thể thấy nhiệm kỳ Donald Trump còn nhiều hạn chế. Phải thừa nhận Donald Trump là người đã thức tỉnh thế giới trước việc Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, nhưng các biện pháp bảo hộ mà ông áp dụng là phản tác dụng so với mục tiêu ban đầu.

Đầu tiên, theo nghiên cứu mới đây của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, chính sách “mua hàng Mỹ” đã làm đội chi phí đối với người đóng thuế Mỹ vì làm tăng đáng kể chi phí mua sắm công. Một vị trí việc làm được duy trì  nhờ các biện pháp bảo hộ có chi phí lên tới 250.000 đô la. Khoản ngân sách này lẽ ra phải được sử dụng hợp lý hơn dành cho các hoạt động đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp.

Tiếp đó, thuế đánh vào hàng nhập khẩu dẫn đến tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ nhưng không có bất kỳ tác động đột biến nào đến việc di dời các cơ sở sản xuất về Mỹ. Trong 4 năm qua, thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục gia tăng và đạt mức cao kỷ lục.

Tiếp bước Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ chỉ có các kết quả tương tự. Nếu như kỳ vọng bảo vệ việc làm cho người Mỹ là chính đáng, nó phải được thực hiện thông qua việc Mỹ quay trở lại cơ chế thương mại đa phương vốn bị chính quyền tiền nhiệm đơn phương rời bỏ. Thay vì hướng tới chủ nghĩa bảo hộ mang tính cơ học, Mỹ sẽ giành lại được lợi ích từ việc đấu tranh cho các quy tắc có đi có lại, điều này sẽ tạo thuận lợi cho họ tiếp cận với các thị trường mới ở nước ngoài.

Chính sách của Joe Biden có nguy cơ không mang lại hiệu quả cho người lao động Mỹ và có tác động xấu tới quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vào thời điểm lẽ ra Mỹ và EU phải cùng chung chiến tuyến để đấu lại Trung Quốc nhằm buộc nước này phải tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here