Chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump sẽ không ngăn chặn được đà thăng tiến của Trung Quốc

0
94

Nhiều người đang lo lắng là chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về dài hạn có thể sẽ làm suy giảm thương mại thế giới. Một số khác, nhất là những người ủng hộ ông Trump, hy vọng những chính sách cứng rắn có thể ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, những lo ngại về tác động dài hạn có lẽ đã được thổi phồng quá mức và hy vọng ngăn chặn đà thăng tiến của Trung Quốc không có cơ may thực hiện được.

Thương mại có 3 lý do để phát triển. Trước tiên, mỗi quốc gia có những nguồn tài nguyên khác nhau của riêng mình: nước có dầu lửa, nước có đồng; một số nước buôn bán chuối, nước khác buôn bán lúa mỳ. Nếu thương mại ngừng lại, sự thịnh vượng của thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Thương mại cũng phản ảnh sự khác nhau về giá nhân công. Các nước có giá nhân công rẻ thì sản xuất hàng hóa chế tạo cần nhiều nhân lực và nhập máy móc từ những nước mà giá nhân công cao. Tác động của điều này tại các nước phát triển có thể xấu đối với một số người lao động nhưng lại tốt đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp. Nhưng có thể rất tốt đối với tất cả các nước đang phát triển vì những nước này ưu tiên cho việc cân bằng giữa đầu tư nước ngoài và của doanh nghiệp địa phương. Thành công ngoạn mục về mặt kinh tế của Trung Quốc có thể đã không thể có nếu không có việc thương mại bắt đầu bằng việc dựa trên sự khác nhau về giá nhân công. Tuy vậy, trong tương lai, thương mại loại này có thể sẽ ít quan trọng đi, do giá lương tại Trung Quốc hiện đang tăng nhanh nên lợi thế về giá nhân công cũng giảm nhanh.

Cuối cùng, chuyên môn hóa và sản xuất theo dây chuyền, công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các sản phẩm nhãn mác riêng của từng nước cũng là những yếu tố buộc các nước giàu phải trao đổi thương mại với nhau.

Khi các mối quan hệ thương mại như trên đã được hình thành, việc thay đổi bất ngờ thuế hải quan sẽ làm đảo lộn nghiêm trọng. Do vậy, các chính sách của Tổng thống Mỹ rõ ràng về ngắn hạn là một mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhưng về dài hạn, thương mại giữa các châu lục có mức thu nhập đầu người gần như tương đương nhau sẽ ít bị ảnh hưởng.

Vấn đề mấu chốt là cần xem quy mô cần thiết đến đâu để ưu tiên sản xuất dây chuyền, trong khi vẫn duy trì sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp. Nếu một nước như Ai-len chẳng hạn, với dân số chỉ 5 triệu người, mà tìm cách tự chủ đối với mọi sản phẩm thì thu nhập sẽ chỉ bằng một phần nhỏ của mức hiện nay. Thậm chí nếu những nước khác lớn hơn như Anh, Pháp, Đức mà cố tìm cách tự cung tự cấp thì tình hình cũng sẽ rất khó khăn. Ngược lại, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có nền kinh tế tầm cỡ châu lục, có thể thực hiện được gần như tất cả các dây chuyền sản xuất mà vẫn duy trì được sự cạnh tranh mạnh mẽ trong nội bộ nước họ.

Điều có thể bị thiệt hại nếu không có thương mại thế giới – và hơn thế nữa nếu không có làn sóng đầu tư – sẽ là việc chuyển giao kiến thức, công nghệ và các kỹ năng thực hành. Sự cất cánh kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu nhờ giá nhân công rẻ, nhưng cũng được hỗ trợ nhờ việc chuyển giao kiến thức ồ ạt. Mặc dù một phần nhỏ chuyển giao này này là nhờ gián điệp công nghiệp, nhưng phần lớn vẫn là chuyển giao tự động, hợp pháp và không thể tránh khỏi.

Hiện nay Mỹ đang lo ngại về sức mạnh công nghệ tăng nhanh của Trung Quốc: Các doanh nghiệp hối tiếc vì mất đi các khoản thu kinh tế nhờ sự vượt trội công nghệ và sở hữu trí tuệ, còn giới diều hâu trong ngành an ninh quốc gia lo ngại về những hậu quả địa chính trị do sự sói mòn về ưu thế công nghệ của Mỹ. Do vậy, đánh thuế hải quan đối với các sản phẩm Trung Quốc là một câu trả lời cho những mối quan ngại này và việc hạn chế Trung Quốc đầu tư trong các doanh nghiệp công nghiệp cao là nhằm giải quyết trực tiếp mối đe dọa này.

Nhưng đã quá muộn. Nếu Chính quyền Mỹ trong những năm 1980 đến 1990 đã cấm tất cả doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, thay vì thúc đẩy Trung Quốc mở cửa kinh tế, thì có lẽ sự thăng tiến của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, mặc dù không thể ngăn chặn mãi sự thăng tiến này. Trung Quốc hiện nay tự chủ thăng tiến, với một thị trường nội địa rộng lớn và ngày càng trù phú giúp tăng trưởng ít phụ thuộc vào xuất khẩu. Trước việc lương bổng tăng cao, Trung Quốc thúc đẩy mạnh ứng dụng người máy robot, và các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng phát triển sáng tạo trong các lĩnh vực thông minh nhân tạo, sản xuất xe hơi điện và năng lượng tái tạo. Hơn nữa, chương trình « Made in China 2025 » sẽ góp phần thay đổi hướng tới sản xuất các sản phẩm giá trị cao nhờ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).

Dù Mỹ có tấn công Trung Quốc mạnh mẽ về thương mại và đầu tư thì điều này cũng không làm thay đổi nhiều đối với sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Giữa thời điểm xáo trộn hiện nay do Tổng thống Mỹ gây ra, ưu tiên quan trọng nhất phải là làm sao cho những thách thức này không bị trầm trọng thêm hơn bởi những hạn chế tai hại đối với thương mại.

Adair Turner, Chủ tịch Viện nghiên cứu New Economic Thinking (đăng trên Les Echos) 10/09)

(Đại Sứ Quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here