Chớp thời cơ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

0
214
Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam những tháng cuối năm 2020. (Nguồn: Vneconomy)

Chịu tác động nặng nề do lũ lụt ở nhiều địa phương, diện tích sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam.

Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam những tháng cuối năm 2020. (Nguồn: Vneconomy)

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), vụ Đông năm 2020, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu diện tích canh tác đạt khoảng 430.000 – 450.000ha, tăng khoảng 10 – 20% so với vụ Đông năm 2019. Sản lượng phấn đấu đạt 4,6 – 4,9 triệu tấn (tăng 10 – 15% sản lượng so với vụ Đông 2019). Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34.000 – 36.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ động tăng diện tích vụ Đông năm 2020 dựa trên những thuận lợi về mặt thị trường. Cụ thể, thời gian qua, Trung Quốc chịu tác động nặng nề của lũ lụt ở nhiều địa phương, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa thể khắc phục kịp khả năng sản xuất. Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể và đây là cơ hội tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản vụ Đông, đặc biệt là nhóm rau, củ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, từ đầu năm đến nay, khu vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro, nguy cơ kép, đó là vừa chịu tác động của dịch Covid-19, vừa phải đối phó với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thiên tai bất thường. Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp vẫn đặt ra 2 mục tiêu phải tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm tốt để vừa đảm bảo lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân vừa đảm bảo xuất khẩu.

Về lương thực, với đặc thù đất nước 100 triệu dân, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nếu không có sản lượng cao nhất thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Điều đáng mừng là đến nay đã tổ chức khá thành công với tổng diện tích đã gieo cấy 6,7 triệu ha.

“Ở các tỉnh phía Bắc, phải tập trung cho được sản xuất vụ Đông, vì vụ Đông thời gian sản xuất ngắn nhưng giá trị kinh tế cao, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh… Nếu tổ chức sản xuất tốt thì 200 – 300 triệu đồng/ha là kết quả hoàn toàn có thể gặt hái được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, “con đường” xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng đã rộng mở, thông thoáng hơn. Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương mới đây cũng đã đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm thông qua các cặp cửa khẩu với Vân Nam.

Đồng thời, phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi… Đặc biệt là việc đề nghị hỗ trợ để đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính quy.

Với lợi thế về vị trí địa lý, Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường này, không chỉ có sự nỗ lực của cơ quan chức năng mà quan trọng hơn bản thân doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, thay đổi phương thức tiếp cận thị trường.

Về phương thức xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn con đường tiểu ngạch khi xuất sang Trung Quốc, bởi xuất khẩu nông sản theo phương thức này sẽ tiết giảm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, mặt trái là sẽ đưa doanh nghiệp đến tình thế bị động và gặp phải không ít rủi ro, thiệt hại. Do đó, hướng đi bền vững cho nông sản là phải từng bước chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với phía Trung Quốc để thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. Ngoài ra, sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp giao lưu, hợp tác và trao đổi, thúc đẩy hành lang kinh tế Côn Minh – Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai phát triển”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here