Chính sách thương mại của các nước G20 và các thành viên của WTO đã giúp ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ leo thang

0
63
(Internet)
(Internet)

Báo cáo Giám sát Thương mại lần thứ 25 của WTO về các biện pháp thương mại của G20 trong giai đoạn từ giữa tháng 10/2020 đến giữa tháng 5/2021 được WTO công bố ngày 28/6/2021, trong bối cảnh thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19[1]. Theo Báo cáo này, sự kiềm chế chính sách thương mại của các nền kinh tế G20 và nhiều thành viên WTO khác đã ngăn chặn sự leo thang mang tính tàn phá của các biện pháp bảo hộ thương mại có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế thế giới.

Cũng trong ngày 28/6/2021, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, cùng với TTK OECD Mathias Cormann và TTK UNCTAD Isabelle Durant cũng đã ký Bản tóm tắt chung của WTO, OECD và UNCTAD về các biện pháp thương mại và đầu tư của G20[2]. Đồng thời, OECD và UNCTAD cũng công bố Báo cáo về các biện pháp đầu tư của G20[3].

Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, trong khi Báo cáo của WTO cho thấy các biện pháp hạn chế thương mại đang giảm dần, các nền kinh tế G20 còn nhiều việc phải làm để đảm bảo chu chuyển tự do của các đầu vào và nguồn cung cấp y tế quan trọng. Các hạn chế thương mại cản trở nỗ lực trong việc tăng cường sản xuất vắc-xin, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đồng thời cản trở việc phân phối vắc-xin một cách công bằng. Chính sách vắc-xin là chính sách thương mại và cần phải làm mọi cách để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch, điều sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm này, sự lãnh đạo của G20 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho sự trở lại của tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.

Báo cáo này cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về một loạt lĩnh vực khi các quốc gia bắt đầu giải quyết những thách thức của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Báo cáo cũng lưu ý rằng hệ thống thương mại đa phương đã duy trì chu chuyển thương mại, trong đó WTO đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng mở và tránh các chính sách hạn chế thương mại.

Về số lượng, các nền kinh tế G20 đã thực hiện 140 biện pháp thương mại và liên quan đến thương mại trong lĩnh vực hàng hóa kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó 101 biện pháp (72%) mang tính chất tạo thuận lợi thương mại và 39 biện pháp (28%) mang tính chất hạn chế thương mại. Việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan nhập khẩu và thuế nhập khẩu chiếm 60% các biện pháp tạo thuận lợi thương mại được thực hiện và một số nền kinh tế G20 đã giảm thuế đối với nhiều loại hàng hóa như PPE, chất khử trùng, thiết bị y tế và dược phẩm. Trong giai đoạn xem xét, ba nền kinh tế G20 đã tạm thời loại bỏ thuế nhập khẩu đối với vắc-xin COVID-19, nâng tổng số 10 thành viên G20 có thuế suất tối huệ quốc (MFN) bằng 0 trong lĩnh vực này. Các lệnh cấm xuất khẩu chiếm hơn 90% tổng số các biện pháp hạn chế được ghi nhận.

Các nền kinh tế G20 cũng tiếp tục bãi bỏ các biện pháp đã thực hiện để ứng phó với đại dịch vào giữa tháng 5/2021. Ngoài ra, khoảng 22% các biện pháp tạo thuận lợi thương mại COVID-19 của các nền kinh tế G20 và 49% các biện pháp hạn chế thương mại COVID-19 đã được chấm dứt. Phạm vi thương mại của các biện pháp tạo thuận lợi thương mại liên quan đến COVID-19 được thực hiện kể từ đầu đại dịch được ước tính là 215,7 tỷ USD, trong khi của các biện pháp hạn chế thương mại liên quan đến COVID-19 là 135,7 tỷ USD. Theo ước tính sơ bộ của Ban Thư ký WTO, phạm vi thương mại của các biện pháp hạn chế thương mại vẫn còn hiệu lực (98,8 tỷ USD) cao hơn một chút so với các biện pháp tạo thuận lợi thương mại (96,5 tỷ USD). Đối với các sản phẩm không liên quan đến đại dịch, các nền kinh tế G20 đã thực hiện 35 biện pháp tạo thuận lợi thương mại mới và 26 biện pháp hạn chế thương mại mới. Mức trung bình hàng tháng của các biện pháp tạo thuận lợi thương mại là mức thấp thứ ba được ghi nhận kể từ năm 2012 và của các biện pháp hạn chế thương mại là thấp thứ hai kể từ năm 2012. Mức độ bao phủ thương mại ước tính của các biện pháp tạo thuận lợi nhập khẩu được áp dụng trong giai đoạn rà soát (438 tỷ USD) vượt đáng kể phạm vi thương mại của các biện pháp hạn chế nhập khẩu (123,89 tỷ USD), cho thấy sự quay trở lại xu hướng bình thường đã được nêu kể từ khi bắt đầu thực hiện giám sát thương mại năm 2009.

Trong giai đoạn khảo sát, việc gia hạn các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế liên quan đến COVID-19 đã vượt quá mức chi tiêu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhưng tốc độ chi tiêu đã chậm lại và hầu hết các biện pháp dường như chỉ mang tính chất tạm thời. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nền kinh tế G20 đã thông báo 618 biện pháp hỗ trợ COVID-19 cho WTO, và 290 biện pháp khác được xác định từ các nguồn công khai và trang web của chính phủ. Các biện pháp này bao gồm viện trợ không hoàn lại, các khoản cho vay hoặc các gói kích thích nhằm vào các lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, bao gồm nông nghiệp, y tế, hàng không, giao thông, du lịch, giáo dục và văn hóa, cũng như các biện pháp tài khóa và tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) nói riêng.

Lĩnh vực dịch vụ ở tất cả các nền kinh tế G20 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và nhiều biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ vốn đã được áp dụng sớm trong thời kỳ đại dịch đã được gia hạn nhằm giải quyết những thách thức mà lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ các biện pháp dịch vụ mới được các nền kinh tế G20 đưa ra kể từ quý 3 năm 2020 đã chậm lại đáng kể.

Ngoài ra, việc đề xuất các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đạt mức thấp nhất sau khi đạt đỉnh vào năm 2020. Mức trung bình hàng tháng của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại (15) là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2012.

[1] https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/report_trdev_jun21_e.pdf

[2] https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/g20_joint_summary_jun21_e.pdf

[3] https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/g20_oecd_unctad_report_jun21_e.pdf

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here