Ngày 14/5/2020, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn có bài viết với nhan đề “Chính sách tài chính tích cực của Trung Quốc cần phát huy tính tích cực, hiệu quả hơn” đăng trên “Nhân dân Nhật báo”, nội dung chính như sau:
Tại Hội nghị về triển khai công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh chính sách tài khóa cần chủ động và triển khai tích cực, hiệu quả hơn như giảm thuế quy mô lớn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp. Đây là quyết sách lớn của Ban chấp hành TW Đảng, chỉ ra hướng đi cho chính sách tài khóa năm nay sau khi nắm bắt xu hướng phát triển trong và ngoài nước, phân tích tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Chính sách tài khóa tích cực năm 2020 cần cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả, tăng điều chỉnh theo chu kỳ, kiên quyết thực hiện tốt “6 ổn định”[1], thực thi toàn diện nhiệm vụ “6 bảo đảm”[2], hoàn thành trận chiến quyết định vượt qua nghèo đói, xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
(1) Chính sách tài khóa cần phát huy tích cực, hiệu quả hơn, là nhu cầu khách quan của phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, là yêu cầu cần thiết để thực hiện xã hội khá giả toàn diện, là nhu cầu thực tế áp lực tăng trưởng sụt giảm của nền kinh tế, Trung Quốc hiện đang đối mặt với những nhân tố không xác định tương đối lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy thực thi chính sách tài khóa tích cực cần phải phát huy tích cực, hiệu quả hơn, tăng tỷ lệ thâm hụt thích hợp, phát hành trái phiếu chính phủ chống dịch đặc biệt, tăng quy mô trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, củng cố và mở rộng hiệu quả của việc cắt giảm thuế, phí… Giải pháp này sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ cấu cung ứng và tăng nhu cầu trong nước, giảm những cú sốc và thách thức ngắn hạn đối với nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển lành mạnh.
Dịch bệnh tác động rất lớn đến thu ngân sách. Thu ngân sách âm trong quý 1/2020 [3]nên dự kiến thu ngân sách của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ thấp hơn năm trước.
(2) Nội hàm chính của chính sách tài khóa tích cực cần làm tốt những việc:
– Giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách, giảm bớt mâu thuẫn của thu chi tài khóa, ổn định và thúc đẩy niềm tin thị trường; thực thi giảm thuế, hạ phí để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp; mở rộng đầu tư của chính phủ thông qua trái phiếu chính phủ chống dịch đặc biệt, trái phiếu đặc biệt chính quyền địa phương; tăng cường cân đối thu chi ngân sách và giảm tác động của tình hình dịch bệnh.
– Cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản thu chi tài chính, chi tiêu khoa học; tăng cường quản lý hiệu quả, ngăn chặn hành vi tham nhũng, ăn chặn.
– Chính phủ làm tốt công tác thắt lưng buộc bụng, các bộ, ban ngành trung ương cần đi đầu làm tốt công tác này; tài chính địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các loại chi tiêu chung, kiểm soát kinh phí hội nghị; nghiêm cấm việc xây dựng hoặc mở rộng các tòa nhà chính quyền.
– Kiên quyết ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn nợ của chính phủ; cải thiện cơ chế giám sát nợ chính quyền địa phương; tăng cường giám sát và truy cứu trách nhiệm.
(3) Các giải pháp cụ thể của chính sách tài khóa tích cực càng phát huy tích cực hơn:
(i) Duy trì chủ thể thị trường, tập trung hỗ trợ giải cứu và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh: cắt giảm thuế, phí; giảm chi phí sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp; giảm và miễn tiền thuê bất động sản nhà nước; tiếp tục kích thích tiêu dùng; hỗ trợ thiết lập nền tảng dịch vụ công chuyên nghiệp, tích cực thực hiện chính sách giảm phí và bổ sung bảo lãnh tài chính doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
(ii) Bảo đảm việc làm người dân là ưu tiên hàng đầu của chính sách tài khóa, tìm mọi cách để ổn định việc làm: sử dụng hiệu quả các quỹ như quỹ trợ cấp việc làm, quỹ cải thiện kỹ năng nghề, quỹ bảo hiểm thất nghiệp; ưu tiên hỗ trợ việc làm đối với các đối tượng như sinh viên tốt nghiệp đại học, lao động nhập cư; tăng cường các dịch vụ bảo đảm sinh kế và việc làm cơ bản cho người thất nghiệp, mở rộng phạm vi bảo hiểm thất nghiệp;
(iii) Hỗ trợ phát triển đổi mới và nâng cấp công nghiệp, ổn định vốn ngoại thương cơ bản và bảo đảm của chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp: (i) thúc đẩy sản xuất phát triển chất lượng cao; hướng dẫn vốn tài nguyên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng; tiếp tục hỗ trợ khai thác và sử dụng khí tự nhiên như khí đá phiến; (ii) tăng cường hỗ trợ đối mới công nghệ, tăng cường hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin Covid; (iii) ổn định ngoại thương cơ bản.
(iv) Hỗ trợ thực hiện chiến lược phục hồi nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực.
(v) Làm tốt công tác bảo đảm nguồn tài chính để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo và cải thiện sinh kế người dân.
(vi) Tăng cường hỗ trợ các nguồn tài chính địa phương, bảo đảm hoạt động sinh kế cơ bản của người dân và bảo đảm vận hành ở cấp cơ sở. Ngoài ra, thực hiện các chính sách tài khóa và thuế đa dạng, linh hoạt để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hồ Bắc, thúc đẩy tăng tốc sản xuất, khôi phục thành phố, vận hành ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế-xã hội toàn diện của tỉnh Hồ Bắc.
[1] 6 ổn định được đề cập tại cuộc họp Bộ Chính trị 7/2018: (i) ổn định việc làm; (ii) ổn định tài chính; (iii) ổn định ngoại thương: (iv) ổn định đầu tư nước ngoài; (v) ổn định đầu tư; (vi) ổn định dự báo.
[2] 6 bảo đảm lần đầu tiên được đề cập tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 17/4/2020: (i) Bảo đảm việc làm; (ii) bảo đảm sinh kế cơ bản của người dân; (iii) bảo đảm thị trường; (iv) bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực; (v) bảo đảm chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng; (vi) bảo đảm vận hành ở cấp cơ sở.
[3] Thu ngân sách của Trung Quốc trong quý 1/2020 đạt 4.598,4 tỷ NDT, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)