CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN CỦA TRUNG QUỐC

0
90

Năm 2005, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành “Một số ý kiến về khuyến khích, hỗ trợ và dẫn dắt kinh tế phi quốc hữu bao gồm kinh tế cá thể, tư nhân phát triển” nhằm tạo cú hích cho phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Tại các Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII (2007) và tại Đại hội XIX (2017) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung về phát triển kinh tế tư nhân. Ngày 1/11/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lần đầu tiên có buổi tọa đàm với một số doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc và có bài phát biểu quan trọng về phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế tư nhân Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ, dẫn đến xu thế “quốc thoái, dân tiến” (số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, doanh nghiệp tư nhân tăng). Sau Đại hội 18, nhất là sau Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18, xu thế này phát triển nhanh hơn do Trung Quốc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đến cuối năm 2017, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã vượt 27 triệu, số hộ kinh doanh cá thể vượt trên 65 triệu, với số vốn đăng ký vượt trên 165 nghìn tỷ NDT, nền kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% thành quả đổi mới công nghệ, và hơn 80% việc làm đô thị và hơn 90% số lượng doanh nghiệp. Trong 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, số doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc tăng từ 01 doanh nghiệp năm 2010 lên 28 doanh nghiệp năm 2018.
Nhìn lại sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy một số điểm chính sau:
1. Chính sách của Trung Quốc về phát triển kinh tế tư nhân:
– Về quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, bao gồm: (i) Kiên trì hệ thống kinh tế cơ bản với nội dung cốt lõi là thành phần kinh tế nhà nước là chủ thể, các thành phần kinh tế khác cùng nhau phát triển. Kinh tế nhà nước và tư nhân đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; (ii) Kiên trì hai “không dao động” là: “không dao động củng cố và phát triển chế độ kinh tế nhà nước” và “không dao động khuyến khích, ủng hộ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân”.
– Về xác định vai trò của kinh tế tư nhân: Khẳng định đầy đủ vị trí và vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân là nhân tố nội tại của hệ thống kinh tế Trung Quốc, là thành tựu quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đã trở thành lĩnh vực chủ yếu trong khởi nghiệp và tạo việc làm, chủ thể quan trọng trong sáng tạo công nghệ, nguồn thuế quan trọng của quốc gia, cải cách cơ cấu theo hướng trọng cung, phát triển chất lượng cao và xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, là lực lượng quan trọng cho sự cầm quyền lâu dài của Đảng, thực hiện “hai mục tiêu một trăm năm” và “Giấc mộng Trung Hoa”.
– Về quan hệ giữa khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân: Khẳng định chế độ kinh tế nhà nước và chế độ kinh tế tư nhân nên bổ trợ, bổ sung cho nhau, củng cố và phát triển tốt chế độ kinh tế nhà nước không phải là đối lập với việc khuyến khích, ủng hộ và định hướng phát triển chế độ kinh tế tư nhân, mà là sự thống nhất hữu cơ. Nhà nước bảo hộ quyền tài sản và lợi ích hợp pháp của nhiều thành phần kinh tế, kiên trì quyền lợi bình đẳng, cơ hội bình đẳng, quy tắc bình đẳng, bảo đảm tất cả các thành phần kinh tế có thể sử dụng các yếu tố sản xuất một cách bình đẳng, tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng và được luật pháp bảo vệ như nhau.
2. Các biện pháp của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Trong cuộc gặp với các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc ngày 01/11/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu 6 giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, bao gồm:
Một là, giảm nhẹ gánh nặng thuế và phí cho doanh nghiệp. Cần nắm chắc các công tác liên quan đến việc giảm giá thành trong cải cách kết cấu theo hướng trọng cung, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp một cách thực chất. Cần tăng mức độ giảm thuế, thúc đẩy giảm thuế thực chất đối với các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, hơn nữa cần đơn giản rõ ràng, dễ thực hiện, dễ thao tác, tăng cường cảm giác “được nhận” của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ mới khởi nghiệp có thể thực hiện miễn giảm thuế mang tính phổ biến. Cần căn cứ tình hình thực tế, giảm tỉ lệ phí danh nghĩa đối với bảo hiểm xã hội, ổn định phương thức nộp phí, đảm bảo doanh nghiệp thực sự giảm gánh nặng đối với các khoản phí bảo hiểm xã hội. Vừa phải phòng ngừa trốn thuế với các tiêu chuẩn nghiêm khắc nhất, vừa tránh việc thu thuế không đúng dẫn đến doanh nghiệp đang vận hành bình thường phải ngừng hoạt động. Cần minh bạch và đơn giản hóa hơn nữa các công việc phê duyệt hành chính liên quan đến quản lý đầu tư tư nhân và thu phí liên quan đến doanh nghiệp, quy phạm hành vi của các khâu trung gian, tổ chức trung gian, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh thực hiện bỏ thu phí hành chính sự nghiệp liên quan doanh nghiệp, hạ thấp giá thành cho doanh nghiệp. Cần nhanh chóng phổ biến cách làm tốt của một số địa phương ra toàn quốc.
Hai là, giải quyết vấn đề doanh nghiệp huy động vốn khó, huy động vốn đắt. Cần ưu tiên giải quyết vấn đề huy động vốn khó, thậm chí không thể vay được vốn, của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời từng bước hạ thấp giá thành huy động vốn. Cần cải cách và hoàn thiện cơ chế sát hạch giám sát quản lý và khuyến khích nội bộ đối với tổ chức tài chính, kết nối giữa đánh giá thành tích của ngân hàng với việc phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết các vấn đề không muốn cho vay, không dám cho vay của ngân hàng. Cần mở rộng chuẩn gia nhập thị trường tài chính, mở rộng các kênh huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò các kênh huy động vốn như ngân hàng tư nhân, công ty cho vay vốn nhỏ, đầu tư rủi ro, cổ phiếu và trái phiếu… Đối với các doanh nghiệp tư nhân đứng trước rủi ro khi cam kết thế chấp cổ phần, các cơ quan liên quan và địa phương cần nhanh chóng nghiên cứu áp dụng các biện pháp đặc thù, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh xảy ra các vấn đề như chuyển đổi quyền sở hữu doanh nghiệp. Tăng cường định hướng chính quyền địa phương, tiến hành cứu trợ tài chính cần thiết đối với các doanh nghiệp tư nhân có triển vọng và phù hợp với phương hướng đổi mới cơ cấu kinh tế. Chính quyền cấp tỉnh và các thành phố trực thuộc có thể tự lo vốn xây dựng quỹ cứu hộ mang tính chính sách, vận dụng tổng hợp các biện pháp, giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân trọng điểm then chốt trong khu vực như doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, các ngành mới nổi chiến lược… thoát khỏi khó khăn, với tiền đề nghiêm túc chấm dứt việc vay vốn trái quy định, nghiêm túc phòng ngừa thất thoát vốn nhà nước; coi trọng cao độ vấn đề nợ tam giác, chấn chỉnh hành vi của một số ban ngành chính phủ, doanh nghiệp lớn lợi dụng vị thế lấy lớn ép bé, kéo dài không trả các khoản nợ cho doanh nghiệp tư nhân.
Ba là, tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Cần loại bỏ các loại “cửa kéo rèm”, “cửa kính”, “cửa quay”, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, tạo ra không gian thị trường đầy đủ cho doanh nghiệp trên các phương diện chuẩn gia nhập thị trường, thẩm tra phê duyệt giấy phép, vận hành kinh doanh, mời thầu, đấu thầu, liên doanh quân dân…; cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia cải cách doanh nghiệp nhà nước; cần thúc đẩy thay đổi chính sách ngành nghề từ khác biệt, mang tính lựa chọn chuyển đổi theo hướng đem lại lợi ích phổ quát, mang tính chức năng, loại bỏ các văn bản chính sách trái với quy tắc thị truờng công bằng, mở, minh bạch; thúc đẩy chấp pháp chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh.
Bốn là, hoàn thiện phương thức thực hiện chính sách. Bất kỳ chính sách nào được ban hành, dù lúc đầu mong muốn đạt hiệu quả cao đến đâu đi nữa, cũng cần xét các ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh, cần xem xét sự khác biệt giữa thực tiễn thực hiện chính sách với mong muốn ban đầu, cần xem xét có bị chồng lấn hiệu quả với các chính sách khác không, không ngừng nâng cao trình độ chính sách. Các khu vực, các ban ngành cần xuất phát từ thực tế, nâng cao nghệ thuật công tác và trình độ quản lý, tăng cường phối hợp chính sách, chi tiết hóa, lượng hóa các biện pháp chính sách, chế định các biện pháp đồng bộ liên quan, thúc đẩy các chính sách được thực hiện đến nơi đến chốn, thực hiện chi tiết và thực hiện thực tế, để doanh nghiệp tư nhân tăng thêm cảm giác “được nhận” từ chính sách. Việc giải quyết năng lực sản xuất dư thừa, loại bỏ đòn bẩy tài chính cần phải áp dụng tiêu chuẩn giống nhau đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần sở hữu khác nhau, không được thực hiện chính sách theo quan điểm chủ quan, không được vô cớ cắt hoặc thu hồi khoản vay trước hạn đối với doanh nghiệp tư nhân; nâng cao trình độ thực hiện chức trách của các ban ngành Chính phủ, căn cứ phương hướng điều tiết vĩ mô của quốc gia, tránh đơn giản hóa trong quá trình thực hiện pháp luật vi mô liên quan tới các lĩnh vực kiểm tra an toàn, bảo vệ môi trường, kiên trì cầu thị, mọi việc đều xuất phát từ thực tế, trong thực hiện chính sách không được “cào bằng” đối với mọi sự việc; cần kết hợp công tác cải cách giám sát, kiểm tra; kiểm tra giám sát riêng, thúc đẩy việc thực hiện các phương án cải cách có lợi cho doanh nghiệp tư nhân được thông qua tại Hội nghị Ủy ban cải cách đi sâu cải cách toàn diện Trung ương như bảo hộ quyền sở hữu, tôn vinh tinh thần nhà doanh nghiệp, thẩm tra cạnh tranh công bằng thị trường…
Năm là, xây dựng quan hệ kiểu mới thân thiết, minh bạch giữa chính quyền và doanh nghiệp. Đảng ủy và chính quyền các cấp cần thực hiện đến nơi đến chốn yêu cầu xây dựng quan hệ kiểu mới thân thiết, minh bạch giữa chính quyền và doanh nghiệp, coi ủng hộ doanh nghiệp tư nhân phát triển là nhiệm vụ quan trọng, dành nhiều thời gian và sức lực hơn quan tâm đến sự phát triển, trưởng thành của doanh nghiệp tư nhân, không để nhiệm vụ này trở thành hô khẩu hiệu. Yêu cầu cán bộ lãnh đạo cần giữ đúng giới hạn đúng mực trong quan hệ với doanh nghiệp, điều này không có nghĩa là cán bộ lãnh đạo thờ ơ với yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, mà cần tích cực, chủ động phục vụ doanh nghiệp tư nhân. Người phụ trách chủ chốt các ban ngành và địa phương liên quan cần thường xuyên lắng nghe phản ánh và mong muốn của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, càng cần tích cực hành động, chủ động phục vụ hơn nữa, giúp giải quyết khó khăn thực tế. Cần đưa nội dung liên quan tình hình công tác giúp đỡ và dẫn dắt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục khó khăn, đổi mới phát triển vào phạm vi sát hạch cán bộ. Các tổ chức đoàn thể nhân dân, Hiệp hội Công Thương cần đi sâu tìm hiểu tình hình doanh nghiệp tư nhân, tích cực phản ánh các khó khăn và vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ủng hộ doanh nghiệp cải cách sáng tạo; cần tăng cường định hướng dư luận, tuyên truyền đúng đắn về phương châm, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, kịp thời giải thích rõ một số quan điểm sai trái.
Sáu là, bảo vệ an toàn nhân thân và tài sản cho doanh nghiệp. Để bảo đảm tính ổn định, phát huy tinh thần doanh nghiệp, thì an toàn là yêu cầu cơ bản. Cần đẩy mạnh mức độ đấu tranh chống tham nhũng, thực hiện yêu cầu Đảng quản lý Đảng, quản lý nghiêm toàn diện trong Đảng, để nghiêm trị những phần tử tham nhũng trong Đảng, xây dựng hệ sinh thái chính trị tốt đẹp, kiên quyết phản đối và sửa chữa các hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật như lợi dụng chức quyền mưu cầu tư lợi, giao dịch tiền quyền, tham ô hối lộ, ăn chặn, chèn ép dân chúng… Điều này có lợi cho việc tạo môi trường lành mạnh cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong quá trình thực hiện chức trách, các cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật có lúc cần có sự phối hợp điều tra của người kinh doanh, doanh nghiệp, trong trường hợp này, cần điều tra rõ vấn đề, cũng cần bảo đảm an toàn quyền và lợi ích về nhân thân và tài sản của họ, đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Đối với một số doanh nghiệp tư nhân, trong quá khứ đã từng có một số hành vi không quy phạm, cần xem xét vấn đề dưới góc nhìn phát triển, xử lý trên nguyên tắc “có tội thì xử theo pháp luật, đối với trường hợp tình nghi, không có chứng cứ rõ ràng thì xử lý theo hướng chưa cấu thành tội phạm”, để doanh nghiệp thoát khỏi mặc cảm tâm lý, tiến lên phía trước. Cần điều tra làm rõ sửa sai hàng loạt các vụ án oan sai về xâm hại quyền sở hữu doanh nghiệp. Mới đây Tòa án nhân dân đã xét xử lại mấy vụ án điển hình, nhận được phản ứng rất tốt của xã hội.
3. Một số đánh giá và nhận xét:
Nhìn từ khía cạnh kinh tế – xã hội, việc lần đầu tiên Tập Cận Bình, lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp có những phát biểu về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy một số vấn đề sau:
(i) Môi trường phát triển trong và ngoài nước đang thực sự mang lại các khó khăn cho kinh tế Trung Quốc. Lần đầu tiên, thông cáo của cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 31/10/2018 nêu lo ngại về “áp lực đi xuống ngày càng tăng” và “rất nhiều khó khăn của một số doanh nghiệp và gia tăng các rủi ro tích tụ từ thời gian dài”. Do đó, thời gian tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải đặt ưu tiên cao hơn cho kích thích tăng trưởng nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, trước mắt là đưa GDP bình quân đầu người trong năm 2020 tăng gấp đôi năm 2010. Trong bối cảnh nguồn ngân sách đang chịu sức ép nợ công, Trung Quốc sẽ phải huy động tổng lực từ xã hội, bao gồm nguồn vốn lớn từ tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh sử dụng các công cụ đầu tư của chính phủ.
(ii) Nguy cơ “bất ổn xã hội” do mất việc làm vẫn âm ỉ và có thể bùng nổ nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống. Hiện nay khả năng tạo ra việc làm của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị ảnh hưởng do cải cách trọng cung, cắt giảm năng lực sản xuất. Do đó,việc hỗ trợ cho khu vực tư nhân Trung Quốc là cần thiết do đây là khu vực có vai trò ngày càng quan trọng trong duy trì và tạo mới việc làm (hiện đang tạo ra 80% việc làm đô thị).
(iii) Các lo lắng và bất an trong khu vực tư nhân ngày càng tích tụ và gia tăng. Các vụ bắt giữ, xử lý một số tỷ phú, việc nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, việc hệ thống ngân hàng ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước hơn, doanh nghiệp nhà nước thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp tư nhân… đang tạo ra các luồng dư luận tiêu cực. Sự bất an này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, bao gồm việc thoái vốn ra khỏi nền kinh tế của khu vực tư nhân, chảy máu chất xám do một bộ phận doanh nhân thành đạt chuyển ra nước ngoài sinh sống… Do đó, những phát biểu của Tập Cận Bình có mục đích định hướng dư luận, củng cố lòng tin của khu vực tư nhân (theo cách nói của Chủ tịch Tập là cho uống “định tâm hoàn”) để sát cánh với chính phủ vượt qua các thách thức kinh tế hiện nay.
– Có thể thấy dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một mô hình kinh tế có thể phát huy vai trò của cả hai khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân. Chủ tịch Tập đã từng phát biểu về lý thuyết “hai bàn tay”, theo đó bàn tay vô hình của thị trường có thể cùng hoạt động với bàn tay hữu hình của chính phủ. Phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình về kiên trì hệ thống kinh tế cơ bản và hai “không dao động” càng làm rõ hơn luận điểm này, củng cố vị thế và vai trò của Đảng Cộng sản, nhất là về quân sự và kinh tế. Theo đó, khu vực kinh tế nhà nước cần được tăng cường và củng cố, vai trò của đảng bộ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được nâng cao, vai trò của tổ chức đảng trong khu vực tư nhân được tăng cường./.

Trung Kiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here