Chính sách kinh tế – thương mại của Tổng thống Donald Trump và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

0
223
  1. Chính sách kinh tế – thương mại.

Ngày 29/4/2017 đánh dấu 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Theo thống kê của Nhà Trắng, Donald Trump là Tổng thống ban hành nhiều quy định nhất trên nhiều lĩnh vực trong 100 ngày đầu nhậm chức (ký 13 Nghị quyết luật xét lại của Quốc hội (Congressional Review Act Resolution), ban hành 30 sắc lệnh hành pháp và trình Quốc hội 28 dự luật). Trong đó có nhiều quy định về kinh tế – thương mại mang đậm tính “hướng nội” và “lợi ích dân tộc vị kỷ”, nổi lên một số đặc điểm như sau:

  1. Về chính sách kinh tế, Tổng thống Trump chủ trương kích thích tăng trưởng thông qua:

Thứ nhất, cải cách thuế với việc ký ban hành Sắc lệnh đơn giản hoá các thủ tục thuế quan; Sắc lệnh về cải thiện thu thuế và thực thi thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.

Thứ hai, tăng đầu tư công với việc chủ trương trình dự luật đầu tư một nghìn tỷ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng trong nước với nguyên tắc “mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”.

Thứ ba, khuyến khích sản xuất trong nước với việc đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% hiện nay xuống còn 15 %; ban hành sắc lệnh Mua hàng Mỹ và thuê hàng Mỹ.

Thứ tư, coi năng lượng là trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng với việc ban hành Sắc lệnh thúc đẩy độc lập năng lượng và tăng trưởng kinh tế; Sắc lệnh cho phép tái triển khai dự án xây dựng các đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access.

  1. Về chính sách thương mại, chương trình nghị sự thương mại của Chính quyền Tổng thống Donald Trump xác định bốn hành động để thực hiện mục tiêu trên, bao gồm: bảo vệ quyền chủ quyền của Mỹ trong các chính sách thương mại; thực hiện chặt chẽ luật thương mại Mỹ; sử dụng tất cả các thế mạnh của Mỹ để các quốc gia khác mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Mỹ, bảo vệ và thực thi hiệu quả luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và thương lượng các thoả thuận thương mại thuận lợi hơn với các thị trường quan trọng trên thế giới.

Theo đó, Tổng  thống Donald Trump  chủ trương thúc  đẩy thương mại tự do

nhưng công bằng thông qua:

Thứ nhất, bảo hộ thương mại trong nước; ban hành Sắc lệnh về Báo cáo toàn diện thâm hụt thương mại nhằm xác định rõ các đối tác có thâm hụt thương mại “đáng kể” để có đối sách giảm thâm hụt thương mại; Sắc lệnh xử lý các vi phạm và lạm dụng các thoả thuận thương mại gây bất lợi cho Mỹ; tuyên bố không tuân thủ các phán quyết của WTO trong các tranh chấp thương mại nếu phán quyết này ngược với lợi ích của Mỹ.

Thứ hai, thúc đẩy thoả thuận thương mại song phương thay vì đa phương; ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thúc đẩy đàm phán thương mại với nhiều nước, trong đó có một số đối tác chủ chốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a…

  1. Đánh giá và triển vọng.

Nhìn chung, chính sách kinh tế – thương mại của Tổng thống Donald Trump mang màu sắc của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ. Bản chất là coi “lợi ích nước Mỹ trên hết”, “thương mại phục vụ tất cả người dân Mỹ”. Tuy nhiên, do nhiều lực cản từ nội bộ và bên ngoài, chính sách của Trump chủ yếu là tuyên bố mạnh mẽ, “gây sốc” mà chưa có nhiều hành động thực chất.

Về triển vọng, nhiều ý kiến cho rằng, tuy có những sự khác biệt nhất định, chính sách của Tổng thống Trump khó có thể vượt qua các rào cản trong nước và quốc tế, sẽ dần trở về quỹ đạo truyền thống, do:

Thứ nhất, lực cản nội bộ. Tổng thống Mỹ chịu sự ràng buộc về mặt chế độ nghiêm ngặt ở trong nước từ thể chế “tam quyền phân lập, đối trọng lẫn nhau” giữa quốc quốc hội, hệ thống tư pháp và các cơ quan hành pháp đến sự kiềm chế về mặt xã hội như phương tiện truyền thống, nhóm lợi ích và công chúng.

 Thứ hai, kiềm chế quốc tế. Trong thời đại thế giới đa cực, lợi ích của các nước đan xen và kiềm chế lẫn nhau. Thực tế, 100 ngày đầu cầm quyền, Trump đã chưa thực hiện được cam kết tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, áp thuế cao đối với hàng hoá của Trung Quốc do “sức nặng” của đối tác này trong quan hệ với Mỹ và thế giới.

 Thứ ba, thiếu hụt nhân sự chủ chốt có kinh nghiệm, có thể tham mưu tốt gây khó khăn cho việc tham mưu và ban hành các chính sách mới. Tổng thống Trump mới chỉ hoàn thành việc bổ nhiệm các thành viên nội các và các cố vấn chủ chốt chưa được bổ nhiệm. Sau hơn 3 tháng cầm quyền, vẫn còn vị trí quan trọng trong nội các là Bộ trưởng Lao động Alex Acosta và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer vẫn chưa được phê chuẩn.

 Thứ tư, thay đổi trong nhận thức về lợi ích của Mỹ của Tổng thống Trump. Những va vấp trong điều hành đất nước và trên chiến trường quốc tế sẽ cho Tổng thống Trump những bài học có thể làm thay đổi cách nhìn của Tổng thống Trump về lợi ích chiến lược của Mỹ, thay vì chỉ tính đến lợi ích kinh tế đơn thuần.

III. Tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam.

  1. Đối với Kinh tế Thế giới:

Về tăng trưởng và kinh tế vĩ mô toàn cầu, việc Mỹ triển khai kích thích kinh tế bằng nới lỏng chính sách tài khóa trước mắt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tuy vậy, về lâu dài có thể tiềm ẩn rủi ro. Việc kéo dài kích thích tài khóa trong bối cảnh nợ công cao sẽ tích tụ các rủi ro khủng hoảng tài chính; kích thích tài khóa sẽ thúc đẩy FED tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, gây rủi ro biến động phức tạp trên thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế.

Về cơ cấu và cấu trúc kinh tế thế giới, chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ giảm đầu tư ở nước ngoài, quay về trong nước đầu tư để hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích đầu tư tiềm ẩn rủi ro đảo ngược dòng vốn đầu tư toàn cầu, gây rủi ro biến động tài chính, đặc biệt là tại các nước đang phát triển; gián đoạn các chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu do 70% đầu tàu của các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện này là các tập đoàn đa quốc gia Mỹ (Apple, Intel, Microsoft…)

Về mô hình tăng trưởng, việc chính quyền Trump thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng như đề xuất huỷ bỏ một số quy định quản lý ngân hàng trong đạo luật Dodd-Frank, thúc đẩy công nghiệp năng lượng truyền thống, giảm cam kết về biến đổi khí hậu khiến các nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu gặp nhiều khó khăn…) sẽ tác động tiêu cực đến quá trình, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Về liên kết kinh tế, liên kết kinh tế toàn cầu và khu vực gặp nhiều khó khăn hơn do chính sách thực dụng, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, bảo hộ thương mại của chính quyền Trump. Tiến trình TPP “tiến thoái lưỡng nan”, đàn phám TTIP bế tắc; các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Mỹ (G20, APEC…) gặp nhiều khó khăn trong thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư. Bế tắc trong đàm phán đa phương thúc đẩy các nước đàm phán các thoả thuận song phương nhằm tranh thủ hợp tác với chính quyền mới của Mỹ. Cọ sát lợi ích, cạnh tranh chiến lược trong kinh tế trở nên quyết liệt hơn do chính sách bảo hộ của chính quyền Trump có thể làm sâu sắc hơn mâu thuẫn, bất đồng, gia tăng va chạm lợi ích giữa Mỹ và các nước; không loại trừ khả năng một số nước có hành động “trả đũa” dẫn đến chiến tranh thương mại.

  1. Đối với Việt Nam:

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đạt trên 52 tỷ USD, trong đó ta xuất sang Mỹ trên 42 tỷ USD. Chính sách kinh tế – thương mại của Mỹ sẽ có nhiều tác động đáng kể

đến kinh tế của ta trên nhiều khía cạnh:

Về thương mại, năm 2016 Mỹ nhập siêu từ Việt Nam trên 30 tỷ USD. Tuy tỷ

trọng tuyệt đối không cao nhưng tốc độ tăng tương đối nhanh, tăng 15% so với năm 2015. Sắc lệnh của Tổng thống Trump đã xác định Việt Nam đứng thứ 6 trong số 16 nước có thặng dư thương mại với Mỹ và cần điều tra về gian lận thương mại và bán phá giá. Khả năng Việt Nam ở trong “tầm ngắm” thương mại của chính quyền Donald Trump cao. Theo Deutsche Bank, Việt Nam là quốc gia bị thiệt hại nhiều thứ hai sau Mê-xi-cô nếu “thuế điều chỉnh biên giới” (BAT) của Mỹ được áp dụng (khoảng 5% GDP). Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta (dệt may, da giày, nông sản, sản phẩm gỗ…) có thể chịu tác động không lớn do các mặt hàng tốn nhiều nhân công này từ lâu doanh nghiệp Mỹ đã không sản xuất, hoặc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ. Mặt khác, Việt Nam là thị trường đang tiêu thụ tiềm năng của Mỹ, nhập khẩu của Mỹ vào Việt Nam không ngừng gia tăng, nhất là các mặt hàng máy móc, thiết bị, dịch vụ… Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày, lợi ích đan xen và quan hệ đối tác toàn diện có thể khiến Mỹ cân nhắc kỹ trong việc tiến hành các biện pháp trừng phạt thương mại đối với ta.

         Về đầu tư, việc Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ quay về đầu tư trong nước, thúc đẩy các tập đoàn rút vốn khỏi Việt Nam hoặc xem xét lại kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, tác động đến khả năng tiếp cận vốn, công nghệ hiện đại của ta. Mặc dù, đứng thứ 8 trong số các đối tác chính đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư của Mỹ còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 12 tỷ USD, chỉ bằng 1/4 so với Hàn Quốc, 1/3 Singapore…) nên tác động cũng không quá lớn lớn.

Về tài chính – tiền tệ, xu hướng đồng USD lên giá sẽ gây sức ép dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy khỏi thị trường các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, gây sức ép đến điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối và nợ công, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang chậm trần và phần lớn các khoản nợ của ta bằng đồng USD.

 

Nhìn tổng thể chính sách kinh tế – thương mại của Tổng thống Trump mang màu sắc của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ. Cá tính và phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump thất thường và hay thay đổi làm tăng tính khó đoán định của chính sách.  Ta cần theo dõi sát tình hình, diễn biến các động thái chính sách của Tổng thống Trump và phản ứng của các nước để có đối sách ứng phó phù hợp, tranh thủ được cơ hội hợp tác và giảm thiểu các tác động không thuận.

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy hợp tác với chính quyền mới của Mỹ qua nhiều kênh; chủ động tiếp cận, đối thoại với đội ngũ cố vấn kinh tế – thương mại của Chính phủ Mỹ; củng cố quan hệ với chính giới và doanh giới Mỹ có thiện cảm với Việt Nam…

Thứ hai, chủ động rà soát các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ và các quy định trong các hiệp định thương mại đa phương (như WTO) và song phương với Mỹ (BTA), nhất là quy định về lao động, minh bạch thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ… để có đối sách duy trì đà xuất khẩu sang Mỹ; tích cực củng cố các mặt hàng được nhiều nhóm lợi ích ủng hộ.

Thứ ba, chủ động triển khai áp dụng các chuẩn mực mà ta đã cam kết trong TPP ngay cả khi không có TPP, để tiếp tục đổi mới, cải cách kinh tế, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và đòi hỏi của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam;

Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tranh thủ các FTA đã ký để thúc đẩy thương mại, đầu tư với các nước; mở thêm thị trường mới (thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với châu Phi, Mỹ La tinh…).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here