Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS& MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 được Chính phủ vừa phê duyệt là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về công tác dân tộc; vừa là giải pháp để phát triển KT-XH, vừa là tích hợp các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của ĐBDTTS.
Chương trình có 10 dự án trọng tâm, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng ĐBDTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển GD&ĐT nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng ĐBDTTS& MN, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, trên thực tế, do xuất phát điểm thấp nên đến nay, ĐBDTTS ở khu vực thôn, xã ĐBKK hạ tầng KT-XH còn nhiều hạn chế, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa. Đời sống của Nhân dân chưa thực sự đảm bảo, thiếu tính bền vững, chưa có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vùng DTTS còn một số hạn chế về bình đẳng giới; vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tai – tệ nạn xã hội; khoảng cách phát triển KT-XH giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong ĐBDTTS, giữa ĐBDTTS với người Kinh chưa được rút ngắn…
Bởi vậy, việc xây dựng và thông qua các đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN trên thực tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh ký ngày 14/10 nêu rõ mục tiêu: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.”
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được nêu rõ ràng, bao gồm:
Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn khó khăn. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.
Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
Một số chỉ tiêu chủ yếu là: Nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 3.250 km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 268.860 hộ; xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung. Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho hơn 320 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, hơn 1.100 trường Phổ thông Dân tộc bán trú; 7 cơ sở dự bị đại học và đại học, 3 trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú khu vực.
Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ dân tộc thiểu số, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 81.500 hộ, thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho hơn 5.000 em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn/năm. Tối thiểu 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Tổ chức khoảng 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; bảo tồn 120 lễ hội, 80 làng bản; xây dựng 240 mô hình văn hóa truyền thống, 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, hỗ trợ xây dựng 3.590 thiết chế văn hóa, thể thao thôn; hỗ trợ 80 điểm đến du lịch tiêu biểu …
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho hơn 224.900 cán bộ, công chức, viên chức.
Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành công văn số 7957/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao các Bộ, cơ quan: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách đã ban hành áp dụng tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân.
Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách các thôn đặc biệt khó khăn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới, nhất là Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
BOX
Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng. Trong đó:
Vốn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỷ đồng;
Vốn ngân sách địa phương: 10.016,721 tỷ đồng;
Vốn vay tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng;
Vốn huy động hợp pháp khác: 2.967,207 tỷ đồng.
Chu Văn