Chính phủ Đức thu hút nguồn nhân lực từ Việt Nam, Ấn Độ

0
93
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)
Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực từ các nước ngoài EU.
Có tới 80% số bệnh viện ở Đức thiếu lực lượng điều dưỡng viên, trong khi bác sỹ cũng không đủ ở nhiều bệnh viện. Thực tế này đang cản trở công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tình trạng thiếu nhân lực trong các bệnh viện ở Đức ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một cuộc khảo sát do báo Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel) thực hiện cho biết có tới 80% số bệnh viện không đủ lực lượng điều dưỡng viên và tính trên cả nước Đức bị thiếu khoảng 17.000 điều dưỡng viên.
Trong khi đó, đội ngũ bác sỹ cũng bị thiếu nghiêm trọng ở nhiều bệnh viện, khi có tới 76% trong số gần 2.000 bệnh viện phải tìm kiếm bác sỹ cho các vị trí bị bỏ trống trong bệnh viện.
Điều này dẫn tới hậu quả là có 30% số bệnh viện nhiều lúc không thể cung cấp gường chăm sóc tích cực cho bệnh nhân hay các khoa cấp cứu bị quá tải.
Chủ tịch Liên hiệp Các bệnh viện Đức (DKG), ông Gerald Gass cho rằng cần có chính sách hành động mạnh mẽ để thu hút người làm công tác điều dưỡng, bởi tình thế hiện đã ở mức “nghiêm trọng.”
Theo kết quả khảo sát, số việc làm điều dưỡng viên bị bỏ trống kể từ năm 2016 đã tăng mạnh ở Đức, cụ thể tăng 50% ở lực lượng chăm sóc tích cực trong khi tại các bệnh viện đa khoa thậm chí tăng trên 200%. Bệnh viện càng lớn thì vấn đề gặp phải càng nghiêm trọng.
Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề hiện nay, ngày 16/12 vừa qua, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), trong đó trước mắt tập trung thu hút nguồn nhân lực của một số nước như Việt Nam, Ấn Độ, Brazil…
Đặc biệt, chính phủ cũng cho ra mắt cổng thông tin “Make it in Germany” (https://www.make-it-in-germany.com/en/about-the-portal/make-it-in-germany/) bằng nhiều ngôn ngữ (trong đó có cả tiếng Việt) để hỗ trợ và cung cấp thông tin toàn diện về cuộc sống cũng như việc làm ở Đức.

(Nguồn: Tri thức trẻ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here