Chính phủ Bangladesh tạm hoãn các dự án ưu tiên thấp với giá trị 400 tỷ Tk

0
69
(ảnh minh hoạ)

Chính phủ Bangladesh đã quyết định tạm dừng thực hiện các dự án phát triển ưu tiên thấp với giá trị 400 tỷ Tk (khoảng 4,7 tỷ USD) để tái phân bổ vốn cho các lĩnh vực sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt doanh thu. Số tiền này chiếm khoảng 20% ​​trong Chương trình Phát triển hàng năm (ADP) trị giá 2.051 tỷ Tk (khoảng 24 tỷ USD) của năm tài chính hiện tại.

Chính phủ Bangladesh đã buộc phải trì hoãn việc thực hiện các dự án ưu tiên thấp trong bối cảnh thu ngân sách giảm mạnh do đại dịch Covid-19 và là một phần của các biện pháp thắt chặt chi tiêu. Bộ Tài chính đã xây dựng tiêu chí cho các bộ, ngành để xác định các dự án ưu tiên thấp. Một dự án được cho là có mức độ ưu tiên thấp nếu nó tiến triển chậm, thời hạn hoàn thành trong 6-7 năm và liên quan đến xây dựng. Nếu các dự án này bị đẩy lùi 6 tháng hoặc 1 năm, thì sẽ không gây ra nhiều vấn đề cho đất nước.

Các dự án thuộc ADP cũng đã được phân loại là ưu tiên cao, trung bình và thấp để đảm bảo sử dụng tốt nhất các nguồn lực có hạn. Việc thực hiện các dự án ưu tiên cao sẽ tiếp tục như bình thường. Nếu việc sử dụng vốn cho một dự án ưu tiên trung bình là rất cần thiết, các Bộ, ngành sẽ tự cân nhắc việc giải ngân, tuy nhiên, cần đảm bảo cắt giảm chi phí không cần thiết.

Bộ Tài chính Bangladesh đã làm việc về vấn đề này từ lâu và hiện đã xác định các dự án ưu tiên thấp với tổng trị giá 650,4 tỷ Tk (khoảng 7,6 tỷ USD). Nhưng một số dự án trong danh mục ưu tiên thấp sẽ được hoàn thành vào năm tài chính hiện tại hoặc được tài trợ bởi nước ngoài nên sẽ được giữ lại. Vì vậy, chỉ khoảng 400 tỷ Tk của các dự án ưu tiên thấp bị tạm dừng giải ngân trong thời điểm hiện tại.

Các dự án thuộc lĩnh vực y tế và nông nghiệp là 2 lĩnh vực ưu tiên nhất của Chính phủ Bangladesh trong cuộc chiến chống lại đại dịch, sẽ nằm ngoài kế hoạch của việc tạm hoãn.

Zahid Hussain, nguyên phụ trách kinh tế của văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bangladesh cho biết Chính phủ Bangladesh có thể phải đối mặt với khủng hoảng doanh thu nghiêm trọng trong năm tài chính này, giống như hồi năm trước. Tất cả điều này không thể bù lại bằng cách vay từ các ngân hàng hoặc Ngân hàng nhà nước Bangladesh mà không có hậu quả bất lợi. “Thật tốt khi biết rằng Bộ Tài chính đã bắt đầu phân loại ưu tiên các dự án ADP để xác định các lĩnh vực có thể tiết kiệm chi tiêu. Thực hiện vào thời điểm này là đúng đắn vì sẽ không thể có được bất kỳ tiến triển nào nếu không bắt đầu sớm”.

Chỉ tiêu doanh thu của Ủy ban Doanh thu Quốc gia (NBR) trong ngân sách sửa đổi của năm tài chính vừa qua (FY20) là 3.005 tỷ Tk (khoảng 35,4 tỷ USD). Con số cuối cùng vẫn chưa có nhưng các quan chức ám chỉ rằng con số có thể ở mức 2.200-2.220 tỷ Tk (khoảng 25,9 tỷ USD).

Do tăng trưởng doanh thu thấp hơn dự kiến, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu vay ngân hàng cao hơn, ở mức 849,8 tỷ Tk (khoảng 10 tỷ USD) trong năm tài chính hiện tại (FY21). Trong ngân sách sửa đổi của năm tài chính FY20, chỉ tiêu vay ngân hàng là 820 tỷ Tk (khoảng 9,6 tỷ USD). Tuy nhiên, con số cuối cùng là 722,5 tỷ Tk (khoảng 8,5 tỷ USD) vay từ ngân hàng, vẫn cao hơn so với chỉ tiêu ban đầu là 473,6 tỷ Tk (khoảng 5,6 tỷ USD).

Chi tiêu cho phát triển trong năm tài chính FY20 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 27 năm do đại dịch Covid-19. Các hoạt động phát triển gần như bị dừng lại sau khi Chính phủ buộc phải thực hiện ngừng hoạt động trên toàn quốc từ ngày 26/3/2020 để kiềm chế lây nhiễm Covid-19, khiến việc thực hiện ADP gần như sụp đổ trong 2 tháng sau đó.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here