Chính phủ ban hành chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân

0
120

Ngày 03/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết, đưa các chính sách và chủ trương được ban hành trong thời gian gần đây của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đồng bộ và hiệu quả, góp phần cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc: Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 21/02/2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Thứ hai, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp, trình Chính phủ trong quý IV/2018.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển đô thị khởi nghiệp sáng tạo, theo hướng rà soát lại quy hoạch, nắm bắt xu hướng đô thị hóa, phát triển các cụm nhà cho thuê làm văn phòng dùng chung, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhỏ, chi phí thấp, dễ tiếp cận, kết nối với các trường đại học, cụm công nghiệp, khu công nghiệp và khu đô thị mới, tạo ra các vành đai kinh tế mới, tạo điều kiện cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận dễ dàng về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thị trường, hậu cần và các dịch vụ hỗ trợ; trình Chính phủ trong quý IV năm 2018.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp gắn kết các chính sách khuyến khích hoạt động liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp tư nhân trong nước với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, báo cáo tình hình các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ kiện đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2018.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì rà soát, báo cáo tình hình hoạt động các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ cao; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đánh giá lại và đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2018.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền phổ biến quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW khoá XII nhằm quán triệt tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đồng thời ngăn chặn mọi biểu hiện của quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách để trục lợi bất chính.

Toàn văn Nghị quyết xin xem file: 98.signed_2

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here